Thơ Hàn Mạc Tử– dưới góc nhìn của Trọng Miên

Quang X Nguyen
Một thiên tài đã chết: Hàn Mạc Tử! Một nguồn thơ tân kỳ, làm bằng máu, bằng lệ, bằng hồn với tất cả say sưa, rung động của một người hoàn toàn đau khổ.
Thi sĩ đưa ta vào một thế giới hão huyền đầy trăng, đầy mộng – chốn “vườn mơ, bến tình” mà người “say sưa đi trong Mơ ước, trong Huyền diệu, trong Sáng láng và vượt hẳn ra ngoài Hư linh...”.
Và, “một khi đã vào là sẽ lạc, vì vườn thơ rộng rinh không bờ bến, càng đi xa càng ớn lạnh...”.
Thơ, đối với Hàn Mạc Tử là tiếng kêu rên thảm thiết của một linh hồn thương nhớ cảnh chiêm bao, ước ao trở lại cõi trời là nơi đã sống ngàn kiếp vô thủy vô chung với những hạnh phúc bất tuyệt, là sự ham muốn vô biên những nguồn khoái lạc trong trắng của cõi trời cách biệt.
Thi sĩ là một loài khác thường, sanh ra đời với một sứ mạng thiêng liêng, mà muốn tạo ra những tác phẩm lưu danh lại muôn đời, người phải mua bằng một giá máu, luôn luôn có một định mệnh tàn khốc theo riết bên mình. Cuộc đời của Hàn Mạc Tử là cả một bài thơ ghê gớm rùng rợn, có một không hai trong những thi sĩ đông tây. Thần tai họa đã gieo vào chàng một chứng bệnh tàn ác trong lúc thi sĩ rơi xuống cõi đời bơ vơ, bỡ ngỡ và lạ lùng.
Cho nên có lúc ta cảm thấy thơ chàng là một tiếng thở dài thê thảm, nghẹn ngào, đau đớn của một biển hồn nồng nàn, tin tưởng quằn quại trong sự đau thương vô tận, rùng rợn ngất ngư. Và thiên tài tử vì đạo ấy đã truyền sang cho ta những rung động đê mê, những thanh thoát vô cùng, những say sưa điên dại.
Sự điên cuồng là một dấu hiệu mãnh liệt của thi sĩ vì Hàn Mạc Tử nói làm thơ tức là điên. Cái điên của thi sĩ là sự say sưa vô cùng cái Đẹp mà người thường chẳng bao giờ hiểu biết nổi.
Ở chốn phàm trần tầm thường này, không hợp với tâm hồn thanh cao của thi sĩ, vì thế thi sĩ cứ đi tìm mãi, khát khao vô tận, kêu rên thảm thiết để đi đến cõi ước mơ hoàn toàn, tức là cái đẹp cao cả mà thi nhân cảm hứng đến trong khi sôi nổi, siêu thoát linh hồn.
Cái Đẹp đối với Hàn Mạc Tử là người tri kỷ mà thi sĩ tìm kiếm, một bậc cao quý, toàn trí toàn năng, một đấng mà thi sĩ thấy như là tất cả, trên tất cả mọi sự. Đấng ấy là Trời, vì Người đã tạo thơ ra ở thế gian. Cho nên chỉ với Trời thi sĩ mới có thể trút hết hận tình, kể lể hết niềm đau thương. Với đức tin ấy, Hàn Mạc Tử đã quy tụ, khơi mạch thơ ở Trời và lời vang động của nguồn máu huyết đạo hạnh ấy chẳng những chỉ sự thương tiếc u hoài mà là cả sự trở về với nước Thiên đàng.
Thi sĩ có những liên lạc thanh khiết với nhạc, hoa, trăng, gái, với một thế giới mộng ảo, huyền diệu. Tinh lực của hồn, của máu, Hàn Mạc Tử phát triển mãnh liệt trong thơ nên cảm khích ta một cách dị thường. Đó là một thi sĩ mà ta phải rung cảm trước khi tìm hiểu.
Bút tích của Hàn Mạc Tử
Bút tích của Hàn Mạc Tử
Những vần thơ nhịp nhàng Hương thơm, Mật đắng... Máu cuồng, Hồn điên, Xuân như ý, những lời châu ngọc say sưa trong đau thương của Hàn Mạc Tử đã làm cho tôi khoái trá ngây ngất vì ý tứ say điên, rung động bồi hồi vì nhạc điệu đê mê, run rẩy, chóa ngợp vì màu sắc sáng ngời, huyền diệu, rú lên vì kinh dị lạ lùng.
Hàn Mạc Tử đã sáng tạo ra một sự rung động mới lạ và thế lực của chàng truyền mạnh sâu sắc trong những thời sau.


Trọng Miên
(Người Mới, số 23-11-1940, trích lại theo PCĐ-2, tt 236-237)

Bài viết này được trích từ bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo, linh mục Trăng Thập Tự chủ biên, tập I, trang 177 - 178.