Nguồn thơ đạo của Hàn Mạc Tử (*)

Quang X Nguyen

(*): Tựa đề do người biên tập đặt (TTT)

Một nét đặc biệt làm nên sự đa dạng trong thi hứng Hàn Mạc Tử là nguồn thơ của đạo, về tôn giáo. Nếu Nguyễn Trọng Trí là một tín đồ Thiên Chúa, thì Hàn Mạc Tử là một thi nhân. Vị tín đồ, con chiên ngoan đạo và chàng thi sĩ họ Hàn lại là một. Với nhà thơ thì sáng tạo nghệ thuật, thiên chức nghệ sĩ là tối cao, duy nhất. Hàn Mạc Tử không thể không kết hợp giữa yêu cầu về đức tin, tín ngưỡng của tôn giáo với những đòi hỏi không thể cưỡng lại của sự sáng tạo. Trong một chừng mực nào đó, sự cám dỗ của một Hàn Mạc Tử nhà thơ đã lấn át một Nguyễn Trọng Trí tín đồ. Thơ tôn giáo ra đời với Hàn Mạc Tử, như quan niệm của thi sĩ: “Tôi dung hòa cả hai thể văn chương tôn giáo: Thiên Chúa và nhà Phật. Đó chỉ là muốn làm giàu cho nền văn chương chung”[1].

Trong ý thức về con người cá nhân, coi trọng sự sống và cái chết, trong sự bủa vây, đe dọa của tử thần, trong sự truy đuổi gấp gáp của thời gian, đâu là cơ hội sau cùng của nhà thơ, đâu là sự cứu rỗi cho số kiếp hữu hạn, phải chăng đó là niềm tin vào một Đấng:
Tôi van lơn thầm nguyện Chúa Giêsu
Ban ơn xuống cho mùa xuân hôn phối
Xin tha thứ những câu thơ tội lỗi
Của bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng
Trong bao đêm xao xuyến vũng sông Hằng
(Đêm xuân cầu nguyện)

Nhưng với tư cách là một nghệ sĩ, Hàn Mạc Tử không giới hạn đề tài trong một phạm vi sáng tạo, kể cả khi nói về Đạo. Hàn Mạc Tử “trong khi ôm một lý tưởng thơ, đi tìm cảm hứng đã gặp đạo và tìm được đạo trong nhiều đề tài, nhiều thanh sắc, tư tưởng để làm giàu cho thơ mình”[2]. Tôn giáo trong thơ Hàn Mạc Tử là những gì thanh khiết, thiêng liêng đã được lãng mạn, thi vị hóa mất dần đi vẻ trang nghiêm tuyệt đối của tín điều, kinh điển:
Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước
Cho tình tôi nguyên vẹn tợ trăng rằm
Thơ trong trắng như một khối băng tâm
Luôn reo trong hồn trong mạch máu!
Cho vỡ lở cả muôn ngàn tinh đẩu
Cho đê mê âm nhạc và thanh hương
Chim hay tên ngọc, đá biết tuổi vàng
Lòng vua chúa cũng như lòng lê thứ
Sẽ ngây ngất bởi chưng thơ đầy ứ
Nguồn thiêng liêng yêu chuộng mẹ sầu bi.
(Thánh nữ Đồng trinh Maria)
Nỗi đau trong tâm hồn nhà thơ được băng bó, xoa dịu
Nỗi đau trong tâm hồn nhà thơ được băng bó, xoa dịu
Hàn Mạc Tử sống trong nguồn đạo cũng là sống trong nguồn thơ. Lúc này nỗi đau trong tâm hồn nhà thơ được băng bó, xoa dịu. Nhiều bài thơ với ý tưởng thanh khiết, thánh thiện ra đời: Điềm lạ, Nguồn thơm, Xuân đầu tiên, Đêm xuân cầu nguyện, tập hợp trong hai tập Xuân như ýThượng thanh khí:
Cả trời bỗng diêu diêu như báu vỡ
Nên tiếng vang thầm dội đến thâm tâm
Mà ta ngỡ đấng tiên tri muôn thuở
Giữa đêm nay còn đứng giảng phúc âm
Tứ thời xuân! Tứ thời xuân non nước!
Phút thiêng liêng nhuần gội ánh thiều quang
Thiên hạ bình, và trời tuôn ơn phước
Như triều thiên vờn lượn khắp không gian.
(Nguồn thơm)
Những bài thơ xuân của Hàn Mạc Tử như bay cao siêu thoát nhờ tư duy tôn giáo của nhà thơ, đưa thơ ông vào một cõi riêng, khác lạ với thơ xuân của các thi sĩ cùng thời. Trong khi thơ xuân của Nguyễn Bính rất người, gắn với cuộc trần thế, thường nhật thì thơ xuân Hàn Mạc Tử như có cánh, lúc nào cũng ở tư thế bay lên, vượt thoát (Bay giang hồ, thơ bay, hồn tôi bay, lòng bay xa, vỗ cánh bay) đến với vũ trụ trinh nguyên tự thuở ban đầu:
Thuở ấy càn khôn mới dựng nên
Mùa thơ chưa gặt tốt tươi lên
Người thơ phong vận như thơ ấy
Nào đã ra đời ngọc biết tên
(Xuân đầu tiên)
Dù thơ Hàn Mạc Tử có tỏ lòng mộ đạo, sùng kính với Chúa, với Thánh nữ Maria, cũng không thể gọi ông là nhà thơ tôn giáo. Theo Quách Tấn:
“Tử là một nhà thơ đi vào vườn hoa tôn giáo chỉ để tìm hương phấn về ướp cùng hương thơ đó mà thôi. Bởi vậy không thể gọi Hàn Mạc Tử là nhà thơ tôn giáo. Tử là một nhà thơ thuần túy”[3]. Đối với một con người mà cuộc đời là một chuỗi những đau thương bất hạnh như Hàn Mạc Tử thì thơ bao giờ cũng là cứu cánh:

Tôi là kẻ đi đường gió lạnh
Không mong gì hơn kêu gọi tấm lòng thơ.
(Say thơ)

Bích Thu
(Trích từ bài Hàn Mạc Tử, một hiện tượng độc đáo của thi ca Việt Nam thế kỷ XX, PCĐ-2, trang 528-542)

Bài viết này được trích từ bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo, linh mục Trăng Thập Tự chủ biên, tập I, trang 222-224.



[1] Quách Tấn, Đôi nét về Hàn Mạc Tử, in trong Hàn Mạc Tử hôm qua và hôm nay. NXB Hội Nhà văn, H,1995.
[2] Phan Xuân Sanh, dẫn theo Hàn Mạc Tử- Phê bình và tưởng niệm. Sđd.
[3] In trong Hàn Mạc Tử hôm qua và hôm nay. Sđd.