Mưa rơi trên đường sứ vụ

Văn thơ Công giáo
Mã số: 17-095
     
 

Mưa bay lất phất. Nhà xứ bỗng dưng rộn ràng đến lạ thường. Bà con giáo dân đến đón hai vị khách đặc biệt từ thành phố: Cha sở mới nhận nhiệm sở ở đây, và một chàng thanh niên trẻ với vóc dáng thư sinh đang xách balô tiến vào, trong những tràng pháo tay của bà con giáo dân.
Ông trưởng hội đồng mục vụ giáo xứ chậm chậm, cúi mình bắt tay cha sở, và nhìn chàng thanh niên đi cùng cha, ngỏ ý hỏi không biết đây là ai.
- Đây là thầy Phúc, từ Chủng viện, về giúp mục vụ giáo xứ với cha.
- Dạ ! Chào thầy.
Người đàn ông đứng tuổi đang dần cúi mình bắt tay thì thầy Phúc ngăn lại.
- Con không dám.
* * *
Hai cha con về giáo xứ cũng đã tròn được một tháng. Không khí ở vùng quê này làm cho cha sở khỏe lên trông thấy, sau mấy tháng chịu chứng bệnh lao phổi. Thầy Phúc là người thành phố, được về xứ quê là một trải nghiệm thú vị trong chương trình thực tập mục vụ của mình.
- Con mời cha đi ăn sáng!- Thầy Phúc tò tò đứng sau cha nói lớn.
- Đợi mình xíu, tưới mấy chậu lan này chút.- Cha quay sang mỉm cười nói với ông thầy xứ trẻ trung của mình.
Bữa ăn sáng đạm bạc của hai cha con, chỉ với hai gói mì tôm kèm một mớ rau càng cua mà bà Thủy hàng xóm mới đem cho. Tiếng chó sủa bỗng vang xa rồi nhỏ dần, mấy bà đi chợ về lúc nào cũng ồn ào khiến mấy con chó nhà xứ sủa inh ỏi cả lên. Cha sở tằng hắng giọng làm tụi nó chạy trốn mất tiêu.
- Con muốn đưa mấy em lớp giáo lý của con đi lên Nha Trang tắm biển, chơi hai ngày rồi về được không cha?- Thầy Phúc ngập ngừng hỏi.
- Thế thì tốt quá, nhớ chở mấy em thăm Chủng viện và Tòa Giám mục cho tụi nhỏ cảm thức về Giáo hội!- Cha sở nét mặt tươi cười đáp.
Thầy Phúc như mở cờ trong bụng khi cha sở đồng ý. Đây là lần đầu tiên chàng trai trẻ thành phố, vừa học xong triết hai, ra thực tập mục vụ. Bao hy vọng, chương trình mà anh muốn cho tụi nhỏ ở miền quê này.
Buổi tối ở miền quê đìu hiu, chỉ có tiếng cóc nhái, ễnh ương, tiếng hò hét của bọn nhóc trong xóm nhà thờ. Phúc ngồi nhớ về những tháng năm sinh viên, đêm nào cũng lê lết 1 đến 2 giờ sáng mới về nhà. Phúc cũng tán tỉnh các cô gái và cũng có một người bị đổ gục trước vẻ đẹp của chàng. Dịp Valentine năm ấy, Phúc cũng dẫn cô bạn gái về nhà ăn cơm, để nàng làm quen với gia đình mình. Cũng hôm ấy, chàng chạy ngang qua Đại Chủng viện Sao Biển. Không rõ trong đấy là cái “trại” gì mà chỉ toàn đàn ông thôi. Dường như là định mệnh của Tạo Hóa sắp đặt, mà hơn một năm sau chàng trai trẻ Phúc năm ấy xin nhập chủng sinh đoàn rồi trở thành anh chủng sinh của giáo phận.
- Thầy!- Tiếng chào của đám nhóc làm dòng hồi ức về quá khứ của Phúc trôi dạt.
- Có gì vui hả thầy? Hay thầy nhớ người yêu cũ hả?- Thiệt tình đám nhóc thời này ghê gớm thật.
- Có tin vui. Tuần sau tụi em sẽ đi với anh về Nha Trang chơi!-  Chưa kịp dứt lời, cả đám nhóc hò hét, ôm ông thầy của tụi nó hôn lấy hôn để, như thể là tụi nó lần đầu tiên được điểm 10 vậy.
Có bóng dáng một đứa con trai đứng đấy lặng lẽ, cúi đầu chẳng dám lại gần Phúc. Anh nhận ra sự khác biệt ở đây. Nhìn cách ăn mặc của thằng nhóc, dường như là người thuộc gia đình giàu có, khác hẳn với mấy đứa học lớp giáo lý của anh, lem nhem nhơ nhuốc của ruộng đồng. Phúc tiến lại gần thằng nhóc.
- Chào em! Em tên là gì?
- Em tên Hùng.
- Hùng có muốn đi chung với các bạn về Nha Trang không?
Không gian bỗng dưng im lặng.
Mấy đứa nhóc phía sau lưng anh bắt đầu xì xào. Có đứa thì thầm vào tai anh: “Nó là người Tin Lành đó thầy. Không phải người mình đâu”. Phúc xoa đầu đứa nhỏ vừa nói: “Không sao cả, ai cũng con cái Thiên Chúa mà”.
- Em sợ bố mẹ em không đồng ý đâu ạ! - Hùng ấp úng nói.
- Không sao cả, anh sẽ đến nhà xin phép cho em.
Phúc làm thật. Anh đến nhà xin phép cho Hùng được đi chơi Nha Trang với lớp giáo lý của anh. Bố mẹ Hùng lúc đấy cũng ngập ngừng, sau lại đồng ý cho thầy Phúc dẫn em nó đi, với một điều kiện phải quản Hùng cho chặt vì “nó là đứa cháu độc tôn của dòng họ”. Bố Hùng quả quyết như thế.
* * *
Xe vừa đến khu vực quảng trường Nha Trang. Đám nhóc lao nhao hết cả lên. Lần đầu tiên từ quê đi lên thành phố còn được tắm biển, đứa nào cũng thích cả. Lúc ấy đã 10h sáng, cả đám nhóc đòi nhảy xuống biển liền. Thầy Phúc can ngăn:
- Các em phải ngồi nghỉ một chút đã!
- Không chịu đâu thầy ơi! Cho tụi con tắm đi mà. Thầy dễ thương nhất quả đất mà.
Phúc nhoẻn cười với lũ nhóc và gật đầu đồng ý. Thật không tài nào ngăn được mấy ông bà tướng nhỏ này. Ùa nhau xuống biển, chúng í ới gọi nhau. Đứa này kéo đứa kia, mấy đứa con gái thì sợ nên chỉ rón rén chạm xuống xíu rồi đứng đấy xem bọn con trai thể hiện khả năng bơi lội của mình. Tắm biển thỏa thuê, bọn nhóc hùa nhau chơi kéo co.
Hơn 12h trưa, Phúc thổi còi tập trung. Mấy đứa nhóc ì ạch lên bờ. Phúc bắt đầu kiểm tra quân số. Đếm tới đếm lui, vẫn thiếu một đứa. Mồ hôi bắt đầu lăn trên trán Phúc. Đếm thêm lượt nữa, Phúc linh cảm điều chẳng lành.
Hùng mất tích.
Phúc lập tức gọi cả đám thiếu nhi lên xe hết, còn mình thì chạy đi gọi cứu hộ để giúp tìm kiếm. Vừa tìm vừa cầu nguyện. Ngồi được mười lăm phút mấy đứa trẻ nóng nực, chúng khóc la inh ỏi. Phúc đành cho đám thiếu nhi về Tòa Giám Mục ăn cơm trưa và nghỉ ngơi, còn mình thì cùng các anh chị giáo lý viên và nhân viên cứu hộ tìm Hùng.
Ba tiếng đồng hồ, hai chiếc cano quần tới quần lui khu vực biển ở quảng trường. Dõi theo hai chiếc cano, lòng Phúc như quặn thắt. Mong là đừng có chuyện gì xảy ra, lỡ như có chuyện gì…
Một lá cờ hiệu được phất lên. Chiếc cano số 2 phát tín hiệu cờ. Phúc nhìn về hướng đó. Anh lặng người. Anh lặng người nhìn đứa trẻ bụ bẫm mới mấy tiếng trước còn cười giỡn trên xe, giờ chỉ còn là một thân xác bất động. Phúc nhận Hùng từ tay của các anh đội cứu hộ biển. Nước mắt anh không thể ngăn lại được, thứ mà giờ đây là thứ anh chứa chất nhiều nhất. Phúc thì thầm vào tai Hùng: “Anh đưa em về nhà”.
Chiếc xe taxi chạy hơn 120km, đưa hai người trở về nhà thờ xứ.
Điều khó khăn nhất là làm sao ăn nói với gia đình người ta. Xe vừa vào cổng nhà thờ thì linh tính của người cha người mẹ mách bảo có chuyện chẳng lành. Mọi người đều chạy đến tập trung ở nhà thờ. Vừa nhìn thấy xác Hùng được Phúc bồng trên tay, bà mẹ trẻ ào tới òa khóc. Tiếng khóc của người mẹ mất con vang cả một góc trời. Người cha giận dữ, cầm gậy gộc vào đánh Phúc theo đúng luật giang hồ, cách mà nhiều năm trước vì nó mà ông đã từng nếm mùi tù tội. Các bà đạo đức lo sợ nên kéo Phúc vào trong nhà xứ, mấy anh thanh niên thì ôm lấy người đàn ông đang giận dữ kia.
Giữa cái cảnh hỗn loạn, rối ren ấy. Cha sở trong nhà xứ bước ra và tiến đến trước gia đình họ. Cha quỳ gối xuống: “Chúng tôi xin lỗi anh chị. Xin anh chị tha thứ cho chúng tôi !”.
Tha thứ không dành cho người khác mà dành cho chính bạn. Cha sở khóc, thầy Phúc khóc, ba mẹ Hùng lặng người cũng không ngăn được những dòng cảm xúc tột đột đang giày xé trái tim họ. Không ai bảo ai mà im lặng nhìn Hùng đang nằm bất động. Chắc Hùng giờ cũng không muốn mọi người xâu xé nhau vì mình.
Trời bỗng dưng mưa lất phất bay…
* * *
Mưa không chỉ là thước đo giữa đất và trời mà còn là để người ta soi lại chính mình sau bao biến cố cuộc đời.
5 năm trôi qua… Anh thầy Phúc năm nào đã là tân linh mục. Cha Phúc làm một điều đặc biệt mà trước giờ chưa có tiền lệ. Ngài không cử hành thánh lễ mở tay ở nhà thờ xứ mẹ quê hương, mà lại cử hành thánh lễ đầu tiên trong đời linh mục tại nhà thờ xứ năm nào.
- Hôm nay Giáo Hội đón nhận thêm hai tín hữu được ơn trở lại.- Cha Phúc nhìn về bố mẹ Hùng, cha Phúc mỉm cười hạnh phúc.
Bố mẹ Hùng, sau biến cố năm nào bỗng thay đổi. Vết thương mất mát rồi cũng vơi dần. Vốn dĩ là gia đình gần nhà thờ, giờ cô chú lại năng lui tới với cha sở hơn. Ngồi nói dăm ba câu chuyện để vơi bớt nỗi nhớ Hùng và tránh né cái cảnh nhà hiu quạnh.
Đột nhiên một ngày, cô chú muốn trở lại với gia đình giáo hội Công giáo như chiên con bao năm rời xa. Cha sở vui khôn xiết tả, ngài nói: “Đợi thầy Phúc về! Phải đợi cho đến ngày thầy Phúc lên linh mục”. Nhưng rồi cha sở không đợi được, người đã theo ngả đường cái chết mà bỏ mọi người đi.
- Con cũng cầu nguyện cho linh hồn Gioan Baotixita nhân ngày lễ giỗ.- Cha Phúc rơi lệ nói.
Trời lạnh và những hạt mưa kéo dài báo hiệu tiết trời đang vào mùa mưa.