Mẹ chúng ta vẫn còn đó !

vanthoconggiao.net


(Về Quy Nhơn nhân dịp Giáo Phận kỷ niệm 400 năm đón nhận Tin Mừng)
Người xa quê hướng về giáo phận nhân dịp kỷ niệm 400 năm giáo phận đón nhận Tin Mừng
          Có một câu ca dao mà tôi nghĩ chắc không ai là không thuộc :
Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
Nhớ về quê mẹ ruột đau chín chiều !
          Và có lẽ chính trong nỗi nhớ quê hương da diết đó, nhà thơ Đỗ Trung Quân đã viết một bài thơ 6 chữ mang tựa đề “Quê Hương” đã trở thành một trong những bài thơ đẹp nhất trong làng thơ Việt mang chính chủ đề thân thương này. Bài thơ đã mở đầu bằng những câu hỏi thật giản đơn dung dị nhưng âm vang và đọng lại cả một trời ý nghĩa :
Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu.
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều…
          Đối với những anh chị em đã từng được sinh ra, lớn lên, bước đi trên những lối mòn, băng qua từng con phố nhỏ và mang theo đầy ắp những tâm sự vui buồn…và hiện đang còn bao người thân đang “ở đó”, nơi vùng đất chạy dài từ Bình Sơn Châu Ỗ Quảng Ngãi đến tận đèo Cả Phú Yên…thì câu trả lời cho câu hỏi “quê hương là gì hở mẹ” sẽ là :
- Quê hương là “Gà nướng Thiên Ấn hay Cá Bống sông Trà”.
- Quê hương là “Rượu Bầu Đá Sông Côn hay Bánh xèo tôm nhảy Tuy Phước”.
- Quê hương là “Bánh tráng Hòa Đa, bánh bèo núi Nhạn”, hay là nơi có “hoa vàng trên cỏ xanh”…
          Và nếu thêm vào câu hỏi 2 chữ “đức tin” : “quê hương đức tin là gì hở mẹ”, thì cái chắc giáo dân của ba tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, sẽ trả lời : “quê hương đó chính là giáo phận Qui Nhơn, là “bà mẹ già Hội Thánh địa phương” sắp sửa mừng “sinh nhật 400 tuổi”.
          Là những người con tha hương và đồng hương, hôm nay chúng ta tập trung để cùng nhau nói chuyện về mẹ Qui Nhơn, nhớ về mẹ Qui Nhơn, nhất là hướng về ngày sinh nhật mẹ Qui Nhơn sắp tròn 400 tuổi. Nhưng trước hết, chúng ta cần về thăm lại sức khỏe của mẹ chúng ta hôm nay như thế nào, sinh sống làm sao, có được mạnh khỏe yên lành chăng…

I. MẸ QUI NHƠN[1] CHÚNG TA HÔM NAY :
          Vâng, cho dù “Quảng Ngãi có “hay co”, Bình Định “cứ mãi lo” để Phú Yên “ních hết”, thì chúng ta vẫn có chung một địa chỉ tinh thần, một điểm quy chiếu đức tin đó là Mẹ giáo phận Qui Nhơn, một trong 26 giáo phận của Hội Thánh tại Việt Nam và thuộc Tổng giáo phận Huế.

1/. Địa lý giáo phận : tổng diện tích thuộc địa bàn mục vụ của gáo phận hiện nay trên 16.000 km2[2], trải dài trên 300 km (đường bộ) và trên 400 km bờ biển thuộc cơ cấu hành chánh của 3 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên với dân số khoảng trên 4 triệu. Phía bắc giáp giáo phận Đà Nẵng, phía nam giáp giáo phận Nha Trang, phía Tây giáp giáo phận Kontum và một phần Tây nam giáp giáo phận Ban Mê Thuột.[3]
2/. Hiện tình giáo phận (Theo lịch giáo phận 2017-2018) :
- Có 7 giáo hạt : Quảng Ngãi, Bồng Sơn, Kim Châu, Gò Thị, Qui Nhơn, Mằng Lăng, Tuy Hòa.[4]
- 54 giáo xứ, 6 giáo họ biệt lập.[5] 20.068 gia đình và tổng số giáo dân : 72.369 (trên tổng số dân 3 tỉnh : 4.130.000).
- Linh mục : 124 ; chủng sinh ĐCV : 46 ; chủng sinh dự tu : 40.[6]

3/. Để điều hành giáo phận :
- Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi : Giám Mục chính tòa giáo phận kể từ 30.6.2012.
- Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn : Đang nghỉ hưu.
- Hội Đồng Linh mục – Ban tư vấn : Gồm 24 thành viên, tư vấn cho Đức Cha về các chương trình mục vụ của toàn giáo phận[7].
- Hội Đồng Mục vụ giáo phận : gồm 202 thành viên bao gồm linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân (đại diện mọi thành phần dân Chúa) để thực thi các chương trình mục vụ được Đức Cha và HĐLM đề xuất.[8]

4/. Các cộng đoàn tu sĩ hoạt động mục vụ trong giáo phận :
- Dòng Chúa Cứu Thế : hoạt động truyền giáo tại giáo hạt Quảng Ngãi : đảm nhiệm 2 giáo xứ Châu Ỗ, Lý Sơn và các giáo họ biệt lập : Bình Hải, Bình Thạnh, Trà Bồng…
- Dòng Ngôi Lời[9] : Hiện đang phụ giúp mục vụ tại giáo xứ Kim Châu và đặc trách giáo họ biệt lập Đập Đá.
- Dòng Mẹ Đấng Cứu Chuộc (Tức Dòng Đồng Công) : Đã hoạt động truyền giáo tại Qui Nhơn từ trước 1975. Hiện tại đang đồng hành cùng dân Chúa tại giáo hạt Tuy Hòa để hỗ trợ mục vụ tại đây.
- Dòng mến Thánh Giá Qui Nhơn : Dòng nữ thuộc giáo phận, là Dòng Mến Thánh Giá đầu tiên của Đàng Trong, được ĐGM Lambert de La Motte thiết lập tại An Chỉ Quảng Ngãi năm 1671. Hiện nay có hàng trăm nữ tu hoạt động trong 9 giáo phận của hai TGP Huế và Sài Gòn.
- Dòng Nữ Phaolô Đà Nẵng : Đang hoạt động tại vùng Qui Nhơn và Phú Yên.
- Dòng Phan Sinh thừa Sai Đức Mẹ đang hoạt động tông đồ tại bệnh viện Phong Qui Hòa, Qui Nhơn.
- Tu Hội đời Thánh Tâm (nam và nữ) đang hiện diện tại Phú Yên.
- Dòng Nữ tử bác Ái Vinh Sơn : Đang bắt đầu tái hiện diện để phục vụ truyền giáo bác ái tại vùng Phước Thọ Quảng Ngãi.

5/. Các hội đoàn, đoàn thể trong giáo phận :
- Legio Mariae : Gồm người lớn (Senior) và giới trẻ (Junior) với trên 1500 hội viên hoạt động trong khắp giáo phận với các đơn vị : 1 Comitium (đơn vị quản trị cấp giáo phận) cùng với 10 Curiae (cấp giáo hạt) và hàng trăm Praesidia (cấp giáo xứ).
- Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể : đang được các giáo xứ hưởng ứng và xây dựng.
- Các hội đoàn hướng về mục vụ hôn nhân gia đình : Gia đình cùng theo Chúa (CTC), Khôi Bình, Song Nguyền…
- Phong trào cầu nguyện và thực hành đạo đức : Nhóm cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa, Hội Mân Côi.
- Hội đoàn hướng về mục vụ giới trẻ, bác ái xã hội : Hội (Ban) Bảo vệ sự sống, Hội Sinh Viên (Huệ Trắng Phú Yên, Bình Minh Qui Nhơn, Truyền Tin Quảng Ngãi)…
- Cũng không thể không nhắc tới hàng ngàn giáo lý viên, ca viên các ca đoàn, Chức việc, ban Trật tự, Trợ táng, giới hiền mẫu, hiền phụ…đang hàng ngày, hàng tuần tích cực trong âm thầm lo công việc của giáo xứ, của các gia đình (trong đó có các gia đình của các bạn…!).

II. “ĐẶC SẢN Công Giáo QUI NHƠN” :
1. Cội nguồn lịch sử :
          Chúng ta sắp sửa mừng kỷ niệm 400 năm Tin Mừng đến với giáo phận (1618-2017). Chính sự kiện nầy đã nói lên niềm tự hào về cội nguồn lịch sử của giáo phận chúng ta. Vâng, thời điểm cách đây 400 năm, với cư sở truyền giáo đầu tiên là Nước Mặn (tháng 7/1618), các Thừa Sai Dòng Tên đã gieo hạt giống Tin Mừng cho mảnh đất Đàng Trong của thời mở cõi. Cũng từ đây, chữ quốc ngữ bắt đầu được xây dựng để trở nên khí cụ hữu hiệu cho công cuộc loan báo Tin Mừng và cho nền văn hóa của dân tộc Việt Nam hôm nay.[10] Từ trung tâm Nước Mặn đó, với bao mồ hôi nước mắt cùng với sự khôn ngoan đầy sáng tạo nhờ ơn Chúa Thánh Thần, công cuộc truyền giáo đã gặt hái thành công rực rỡ mà cụ thể đó là việc Tòa Thánh chính thức thiết lập hai giáo phận Tông Tòa đầu tiên năm 1659 : Giáo phận Đàng Trong (tiền thân của Qui Nhơn) và giáo phận Đàng Ngoài. Kể từ gốc “thân mẹ Đàng Trong” đó, 16 giáo phận đã lần lượt khai sinh trên vùng đất từ Sông Gianh trở vào tới mũi Cà Mau mà cho đến năm 1963[11], gia tài của mẹ Qui Nhơn chính thức còn lại với phần đất 3 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đó là giáo phận chính tòa Qui Nhơn của chúng ta hôm nay.

2. Chứng nhân đức tin :
          Nhưng đó lại không là một lịch sử khô cứng của những trang giấy chết trong thư viện mà là hàng hàng lớp lớp những thế hệ cha ông “đi lên từ những đau khổ lớn lao, giặt áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7,13-14) và bây giờ đang “cầm cành vạn tuế”, và tung hô chiến thắng trong quê hương vĩnh hằng.(Kh 7,9-10).
          Trong số đó chúng ta phải ưu tiên nhớ đến 4 Vị Thánh của giáo phận chúng ta :
a/. Á Thánh Anrê Phú Yên (1625-1644) : Chứng nhân đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam. Không tự hào sao được với cái “giải quán quân đức tin” nầy. Và khi nhắc tới “cái thuở ban đầu của Giáo Hội Việt Nam” không thể bỏ qua người thanh niên tân tòng, vị Thầy giảng, giáo lý viên tuyệt vời nầy. Lễ mừng hàng năm : 26/7.[12]
b/. Thánh linh mục Phanxicô Isidore Gagelin Kính (1799-1833): Hoạt động mục vụ và nộp mình bị bắt tại Bồng Sơn và chịu tử đạo tại Huế. Ngài đúng là vị mục tử hy sinh vì đoàn chiên theo đúng mẫu gương và lời dạy của Thày Chí Thánh : “Người mục tử tốt lành hy sinh vì đoàn chiên” (Ga 10,11). Lễ mừng hàng năm : 17/10.
c/. Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông (1790-1855) : Vị Trùm Cả, người tông đồ giáo dân nhiệt thành, quảng đại, khôn ngoan và can đảm, mẫu gương tuyệt vời cho những ai tận tụy phục vụ nhà Chúa. Lễ mừng hàng năm : 15/7.
d/. Thánh Giám Mục Stêphanô Theodore Cuétnot Thể (1802-1861) : Cai quản giáo phận trong một thời bị bách hại khủng khiếp mà vẫn đẩy mạnh các hướng mục vụ quan trọng : truyền giáo Tây nguyên cho anh em dân tộc, đào tạo linh mục bản xứ, họp công đồng Gò Thị, phát triển ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá…Đúng là “Vị mục tử như lòng Chúa mong ước”. Lễ mừng hàng năm : 14/11.

3. “Đặc sản” văn hóa :
          Nói tới “đặc sản Công Giáo Qui Nhơn” mà không nhắc đến những “giá trị văn hóa” thì không phải đạo chút nào !

a/. Từ Trung tâm Nước Mặn tới Nhà in Làng Sông :
          Thật vậy, như chúng ta đã đã nói ở mục a “cội nguồn lịch sử” khi lược qua trung tâm truyền giáo Nước Mặn chính là “trường dạy quốc ngữ đầu tiên” của Việt Nam. Đó không là một “đặc sản thứ thiệt’ về văn hóa của giáo phận chúng ta sao. Và tiếp nối trung tâm quốc ngữ Nước Mặn là Nhà in Làng Sông (Giữa thế kỷ 19)[13], cũng là một trung tâm văn hóa lớn của cả miền Trung, mà nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang đã gi nhận :
“Từ khi Paul Maheu làm giám đốc năm 1904 đến năm 1945,là thời kỳ cực thịnh của nhà in Làng Sông / Qui Nhơn. Với những người quản lý nhà in giỏi về kỷ thuật, hệ thống máy in trang bị mới, khổ rộng và hiện đại nhất lúc bấy giờ, một số lượng sách báo rất lớn đã được nhà in xuất bản. Trong năm 1922, nhà in Làng Sông đã in 18.000 tờ báo định kỳ, 1.000 bản sách các loại, 32.000 ấn phẩm khác, riêng báo Lời Thăm mỗi tháng 2 số, mỗi số ra 1.5000 bản và phát hành cả Đông Dương. Tổng cọng ấn phẩm của nhà in Làng Sông / Qui Nhơn trong năm lên đến 63.185 ấn phẩm với 3.407.000 trang in”[14]

b/. Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn (1806-1874) : Nhà văn hóa lớn giữa thời bách hại :
          Nếu Nước Mặn và Nhà in Làng Sông là những con đường, là phương thế chuyển tải văn hóa Công Giáo, ngôn ngữ Tin Mừng, thì Qui Nhơn lại không thiếu những nhân vật xứng đáng “cây đa, cây đề” trong “trường văn trận bút”.
          Nhân vật văn hóa tiêu biểu đầu tiên mà chúng ta trân trọng nhắc đến đó chính là linh mục Đặng Đức Tuấn. Trong Lịch Phụng Vụ 16-17 của giáo phận, nơi Bài Giáo Huấn số 46, chúng ta đọc được về ngài :
“Trong cảnh bị bách hại thương đau đó, một người con của Giáo phận, cha Gioakim Đặng Đức Tuấn đang làm việc mục vụ tại Trung Tín, Quảng Ngãi, đã dâng lên vua Tự Đức 6 bản điều trần[15] nhằm minh giải cho triều đình về sự thật của Đạo Chúa, đồng thời phân bạch lý lẽ, đoàn kết dân tâm để lo việc nước. Với những bản điều trần nầy, triều đình Tự Đức đã trọng dụng cha Đặng Đức Tuấn. Cha được triều đình cử đi cùng với Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vào Gia Định nghị hoà với Pháp….Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn, quả thật, là một mục tử và cũng là một nhà văn hóa lớn của Việt Nam nói chung và của Qui Nhơn nói riêng. Sự đóng góp của Ngài cho đất nước, cho Giáo Hội đã ghi đậm dấu ấn trong kho tàng đức tin của dân Chúa và sẽ mang lại những hoa trái tốt tươi cho “Vườn Nho” Hội Thánh Việt Nam”[16]

c/. Những cây đại thụ của làng thơ :
- Hàn Mạc tử (1912-1940) : nhà thơ điên của Đức Mẹ.
          Nhắc đến tên anh, chắc rất nhiều người liên tưởng tới “ánh trăng” của bài thơ bất hủ “Đây thôn Vĩ Giạ” :
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay ?
          Riêng đối với những người Công Giáo thì ai còn lạ gì những lời thơ ca tụng “Thánh Nữ Đồng Trinh Maria” mà thi thoảng chúng ta vẫn thường nghe nhiều nhạc sĩ đem ý thơ đệt thành khúc thánh ca trong lễ trọng Truyền Tin :
Hỡi sứ thần Thiên Chúa Gabriel
Khi Người xuống truyền tin cho Thánh Nữ,
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú ?
Người có nghe náo động cả muôn trời ?
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời…[17]
- Nguyễn Xuân Văn (1922-2002) : Phả hơi lục bát vào Tin Mừng.
          Vâng, nếu ai đã từng ở Mằng Lăng, Tuy Hòa từ 1975-2002, đều biết đến cha F.X. Nguyễn Xuân Văn, một linh mục thi sĩ đã để lại cho đời và cho Giáo Hội một đại thi phẩm trường thiên lục bát với 9764 câu thơ, trình bày cuộc đời Chúa Cứu Thế qua bốn Tin Mừng. Đó là đại thi phẩm : “SỨ ĐIỆP TÌNH THƯƠNG” mà chủ đích đã được chính ngài biểu tỏ trong “lời phi lộ” :
“Tôi ước ao Lời Chúa,
đến với các bạn
với những kẻ khó nhọc và gánh nặng
Những người mất niềm tin
Mất hy vọng trên cõi đời nầy.
Hỡi các bạn ! Hãy lắng nghe
“Đây là Sứ Điệp Tình Thương,
Ngân vang muôn thuở, vấn vương muôn lòng”[18]
- Trăng Thập Tự : Nổi trăn trở triền miên về mục vụ văn hóa :
          Ngoài hai thi sĩ tiêu biểu đã trở thành thiên cổ đó, chúng ta không quên nhắc tới một thi sĩ khác hiện đang còn sống và luôn thao thức cho công cuộc mục vụ văn hóa và truyền giáo của giáo phận. Đó là cha Phêrô Võ Tá Khánh với bút hiệu Trăng Thập Tự đã từ lâu chiếm một vị trí hãn hữu trên thi đàn Công Giáo. Điều quan trọng cần nhấn mạnh ở đây đó là những nỗ lực không mệt mỏi của ngài trong các lãnh vực tu đức, giáo lý, mà nhất là con đường loan báo Tin Mừng qua nẻo văn hóa. Chính ngài đã khai sáng và điều động các giải văn thơ “Đặng Đức Tuấn”, “Viết văn đường trường” để khuyến khích và đào tạo các cây bút trẻ cho giáo phận, và hôm nay đã có được một kết quả nhất định.
d/. Những sân chơi văn hóa tại quê nhà :
          Công việc của cha Trăng Thập Tự đang nỗ lực cũng là sinh hoạt mục vụ văn hóa mà giáo phận Qui Nhơn đang thể hiện, vừa như một “sân chơi văn hóa” lành mạnh và hữu ích cho mọi người, đặc biệt giới trẻ, vừa nằm trong kế hoạch đào tạo nhân sự để kế thừa thế hệ cha ông trong lãnh vực văn hóa, chuyển tải Tin Mừng qua ngôn ngữ của văn chương, thi ca. Xin các bạn hãy hăng hái tham gia các sân chơi văn hóa hữu ích và góp phần xây dựng giáo phận nầy :
- Giải văn thơ Đặng Đức Tuấn.
- Giải Viết văn đường trường.
- Tập san mục Đồng.
          Riêng tập san Mục Đồng mới vừa phát hành số đầu tiên mang chủ đề “CHÀO XUÂN” và có lẽ là một tập san Văn thơ Công Giáo duy nhất được phát hành trên toàn quốc. Xin các bạn trẻ nhiệt tình tham gia và đóng góp bài vở cho tập san đặc biệt nầy của giáo phận.[19]

III. NHỮNG CON ĐƯỜNG NỐI KẾT CHÚNG TA :
           Chắc có lẽ không ít các bạn đã từng than phiền : chúng con không biết gì về giáo phận, thông tin giáo phận không thấy xuất hiện nhiều trên các mạng xã hội…
          Các bạn nên nhớ rằng, vào năm 2004, cách đây 13 năm, khi Giáo Hội Việt Nam chưa có một trang mạng chính thức nào, thì tại giáo phận Qui Nhơn chúng ta đã có trang web phuyencatholic.net ; và hôm nay thì các bạn có thể truy cập các địa chỉ nầy để có những thông tin về giáo phận :
1. Để tìm về quê mẹ :  www.gpquinhon.org.
2. Để tham quan hai đầu giáo phận :
- Giáo hạt Quảng Ngãi : www.quangngaicatholic.net.
- Giáo hạt Tuy Hòa : www.phuyencatholic.net.
3. Để tham gia văn hóa : www.tapsanmucdong.net.
           Vừa rồi, trước khi diễn ra cuộc đại hội Di Dân-Đồng hương nầy, tôi đọc thấy một video trên facebook của em Linh Chi, giới thiệu với các bạn khái quát về ý nghĩa cuộc đại hội di dân-đồng hương năm nay. Thật tuyệt vời. Các bạn hãy tiếp tục sử dụng các phương thế truyền thông tiện ích và hợp thời nầy để thông tin và chia sẻ những điều tốt lành, những cảm nhận sống đức tin, những bài học làm người, những kỷ năng sống…

IV. CÓ NGHE THƠM “MÙI CỦA MẸ”[20] :
1. Hãy giữ lấy cái “mùi của mẹ” :
          Một trong những bài thơ về mẹ tôi thích nhất đó là bài thơ “Mùi Của Mẹ” của Nguyễn Văn Anh. Xin được trích vài câu:
Con xa nhà mang theo mùi của Mẹ
Đi đông đoài nam bắc
Là con đi đất bằng biển lặng
Là con đi chân cứng đá mềm
Ơi những kẻ đi xa
Có nghe thơm mùi của Mẹ
Mẹ thơm mùi bếp lửa quê nhà
Mùi của Mẹ là mùi rất thật…
          Là những người con của đất mẹ Qui Nhơn, có lẽ không ai trong chúng ta quên được cái “mùi của mẹ”. Mùi đau thương của quá khứ bách hại suốt mấy trăm năm, mùi của chiến tranh điêu tàn loạn lạc, mùi của di tản, di cư tha hương cầu thực đất khách quê người, mùi của khó nghèo quanh năm tay bùn chân lấm.…Nhưng cũng là mùi của chân chất thật thà có sao nói vậy, mùi của huynh đệ hòa đồng sẻ chia dưa muối, mùi của ái quốc can đảm quật cường, mùi của niềm tin can trường bất khuất…
          Cái chất, cái mùi Qui Nhơn là như thế. Đặc biệt, là những Kitô hữu con cháu của các bậc tiền nhân anh hùng tử đạo, chúng ta dù có đi xa đến chân trời góc biển nào, nhưng cương quyết sẽ không xa nguồn cội, không đánh mất tinh thần.

2. Những món quà dâng mẹ.
          Sắp đến ngày sinh nhật 400 của Mẹ Qui Nhơn, không lẽ chúng ta trở về với đôi bàn tay trắng !
          Mà mẹ thì luôn cho đi thì có chứ có đòi con cái trả nợ  bao giờ, như cách diễn tả của nhà thơ Thanh Nguyên trong bài thơ “Ngày Xưa Có Mẹ” :
Mẹ có nghĩa là ánh sáng
Một ngọn đèn thắp bằng máu con tim
Mẹ có nghĩa là mãi mãi
Là cho đi không đòi lại bao giờ…
          Nói thì nói vậy, chứ có quà cho mẹ thì vẫn hơn !
- Quà cho mẹ là hãy sống tử tế mỗi ngày trong đời Kitô hữu.
- Quà cho mẹ là sẵn sàng dấn thân phục vụ trong môi trường đang hội nhập.
- Quà cho mẹ là quyết giữ gìn đạo đức, nết na, làm lành lánh dữ.
- Quà cho mẹ là Thánh lễ Chúa Nhật, là tràng hạt Mân Côi.
- Quà cho mẹ yêu thương, đoàn kết tương trợ tương thân.
- Quà cho mẹ là học giỏi, thăng tiến bản thân, siêng năng chịu khó.
          Tuy nhiên, nếu hy sinh nhậu nhẹt, giảm bớt shopping, nhịn quà ăn vặt…để “bỏ ống” những đồng xu của bà góa mà mang về làm quà để mẹ mua trầu thì chắc mẹ cũng vui thôi !  

Thay lời kết :
          Tôi muốn dành những lời cuối nầy để nhường các bạn lên tiếng ; vì thật ra, đây là chuyện của các bạn mà, là ngày của các bạn mà.
          Các bạn hãy sẻ chia, hãy bộc bạch, hãy phê phán, hãy đóng góp ý kiến, hãy phản biện…miễn sao tất cả chúng ta đều có chung một tâm huyết là hướng về “từ đường của mẹ Qui Nhơn”, như nhà văn Pháp Saint-Exupery đã từng phát biểu :
Yêu nhau không phải nhìn nhau nhưng là cùng nhìn về một hướng ![21]
          Vâng, chúng ta hãy chung tay góp sức làm cho “ngôi nhà của mẹ” đẹp hơn, rộng hơn, khang trang hơn…để ai trong chúng ta cũng đều mong ước được trở về “mái nhà của mẹ Qui Nhơn”, dầu chỉ một lần trong đời…
          Bởi vì “mẹ chúng ta vẫn còn ở đó” mà !

Lm. Giuse Trương Đình Hiền

[1] Qui Nhơn với “I” ngắn : danh xưng đã có từ lâu trong lịch sử và gắn liền với cội nguồn giáo phận. Nên khi nói, khi viết về giáo phận Qui Nhơn, về Qui Nhơn trong chiều kích Công Giáo, xin dùng Qui Nhơn với “I” ngắn.
[2] Theo tài liệu thống kê của các tỉnh : Quảng Ngãi : 5.150 km ; Bình định : 6.860 km2 ; Phú Yên : 5060 km2
[3] Đây lại là những giáo phận “con” tách ra từ giáo phận “Mẹ” Qui Nhơn : Kontum (1932); Nha Trang (1957); Đà Nẵng (1963).
[4] Trước năm 2014 giáo phận chỉ có 3 giáo hạt theo đơn vị hành chánh 3 tỉnh : Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.
[5] Sau năm 1975, toàn giáo phận chỉ còn khoảng 30 giáo xứ với khoảng trên 40.000 giáo dân. Hầu hết các nhà thờ đều tạm bợ, xuống cấp.
[6] Sau năm 1975, số linh mục toàn giáo phận chưa tới 40; năm 1983 chủng viện bị giải thể (chỉ còn 5 chủng sinh tại Qui Nhơn và 3 tại mằng Lăng Phú Yên)
[7] Trưởng Ban Điều phối của HĐLM nhiệm kỳ 2017-2022 là cha Phêrô Đặng Son, đương nhiệm Hạt Trưởng Tuy Hòa.
[8] Trong HĐMV có 15 Ban mục vụ do 15 linh mục là Trưởng Ban (Trong số đó có ban Di Dân). Trưởng ban Điều phối của HĐMV nhiệm kỳ 2017-2022 là cha Phêrô Trương Minh Thái, đương nhiệm Chánh xứ Mằng Lăng.
[9] Vốn ngày xưa là dòng (trợ sĩ) Giuse được thành lập tại giáo phận Qui Nhơn năm 1931, do Đức Cha Jean Sion Khâm thuộc hội thừa sai Paris (MEP).
[10] Xin đọc bài : Nước Mặn : trường dạy quốc ngữ đàu tiên của các giáo sĩ phương tây của tác giả Nguyễn Thanh Quang trên trang mạng giáo phận. Đường link : http://gpquinhon.org/qn/news/truyen-thong/Nuoc-man-truong-day-quoc-ngu-dau-tien-Cua-cac-giao-si-giao-phuong-tay-5762/#.WQsw4TclH4Y
[11] Lần tách giáo phận cuối cùng năm 1963 : Giáo phận chính tòa Đà Nẵng.
[12] Đây cũng là ngày được giáo phận Qui Nhơn chính thức chọn làm ngày Khai Mạc và Bế mạc năm Thánh 400 năm.
[13] Nguyễn Thanh Quang : bài viết : NHÀ IN LÀNG SÔNG, MỘT TRONG BA TRUNG TÂM TRUỀN BÁ CHỮ QUỐC NGỮ VÀ VĂN HỌC QUỐC NGỮ ĐẦU TIÊN Ở VIỆT NAM, trong tập sách “TỪ NƯỚC MẶN ĐẾN LÀNG SÔNG” do linh mục Gioan Võ Đình Đệ chủ biên.
[14] SĐD trang 75
[15] Ngoài những bản Điều trần nầy, cha Đặng Đức Tuấn còn sáng tác nhiều tác phẩm khác như “Việt Nam giáo sử diễn ca”, “Minh dân vệ đạo khúc”, “Văn tế Đức Cha Thể”…
[16] Lịch Công Giáo giáo phận Qui Nhơn, trang 120.
[17] Hàn Mạc tử, bài thơ “Thánh nữ Đồng Trinh Maria”
[18] Nguyễn Xuân Văn, Sứ điệp Tình Thương, Lời Phi lộ
[19] Địa chỉ liên lạc : [email protected] ; [email protected].
[20] Nguyễn Văn Anh, “Mùi của mẹ” (thơ)
[21] Antoine de Saint-Exupery (1900-1944): “Aimer, ce n’est pas regarder l’un l’autre, mais c’est regarder ensemble dans une même direction”. (Anh ngữ : Love does not consist in gazing at each other, but in looking outward together in the same direction.)
vietcatholic.net