Hàn Mạc Tử và tôn giáo

Quang X Nguyen
Chúng tôi đã viết về vấn đề này trong bài Hàn Mạc Tử sống mãi với thời gian, mở đầu cuốn Thơ văn Hàn Mạc Tử - Phê bình và tưởng niệm (1993). Sau đây là những ý kiến dường như đã thống nhất trong các nhà phê bình và nghiên cứu văn học.
Trong bài Nguồn thơm, Hàn Mạc Tử tự xưng mình là “thi sĩ của đạo quân Thánh giá” nhưng trong thực tế, Tử là một nhà thơ thuần tuý, không phải là nhà thơ của bất kỳ tôn giáo nào. “Tử là một nhà thơ đi vào vườn hoa tôn giáo chỉ để tìm hương phấn về ướp cùng hương thơ đó thôi” (Quách Tấn). Chính Hàn Mạc Tử đã có lần tâm sự với Quách Tấn: “Tôi lợi dụng văn chương và triết lý nhà Phật – đó chỉ muốn làm giàu cho nền văn chương chung” (Ảnh hưởng của đạo Phật trong thơ Hàn Mạc Tử).
Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật của Việt Nam và thế giới (những pho tượng La Hán chùa Tây Phương, bài thơ Ave Maria của Hàn Mạc Tử, những tác phẩm của Michel Ange....) tuy viết về đề tài Phật giáo và Thiên Chúa giáo nhưng vẫn mang tính nhân dân, mang nội dung hiện thực. Bởi vì từ trước tới nay, con người vẫn xây dựng chân dung các vị thánh trên Thiên đình bằng những nguyên mẫu dưới trần thế. “Chất đốt đẩy tên lửa của Tử lên Thượng thanh khí, lên Phượng Trì, lên sát những mũ triều thiên, té ra là tình cảm, là ân nghĩa từ mặt đất” (Chế Lan Viên).
Hàn Mạc Tử nghệ sĩ bao giờ cũng phóng túng hơn, hào hoa hơn Nguyễn Trọng Trí tín đồ. Các hình ảnh và sự tích của Phật Giáo, Thiên Chúa giáo (như trong các bài Ave Maria, Đêm xuân cầu nguyện, Nguồn thơm, Ra đời....) một khi vào thơ Tử đều được thi vị hóa, lãng mạn hóa, mất dần tính cách trang nghiêm, tuyệt đối của tín điều kinh điển.
Chúng ta đồng tình với Phan Xuân Sanh khi ông viết: “cái thói ngang tàng, bừa bãi xưa nay vẫn là thói chung của các nhà thơ. Hàn Mạc Tử quỳ trước Thánh Maria, chúng ta có cảm tưởng như ông đã quỳ trước nàng thơ và hình ảnh nàng thơ với hình ảnh Ave Maria đôi khi chỉ là một, rồi thi sĩ nghiễm nhiên biến thành vai trò “Giáo chủ” giữa một lúc cầu nguyện trong đêm xuân” (Ảnh hưởng Phật giáo trong thi ca Việt Nam). Cũng như các nhà văn lãng mạn Thiên Chúa giáo, Hàn Mạc Tử xem thi sĩ là một loại người đặc biệt trên cõi đời này, là kẻ môi giới giữa Chúa và loài người. Hàn luôn luôn ý thức được vị trí cao trọng của Thi sĩ trong mọi hoàn cảnh:
Nhớ khi xưa ta là chim Phượng Hoàng
Vỗ cánh bay chín tầng trời cao ngất
Ta trở nên như ngọc đàng Kim mã
Rất hào hoa rất phong vận: Người Thơ
(Phan Thiết! Phan Thiết)
Hàn Mạc Tử đi trốn ở một túp lều tranh dột nát, “một lều trăng gió ngó lôi thôi” nhưng Hàn Mạc Tử vẫn gọi là “Lều tranh ông Hoàng”. Có lúc Hàn tự mỉa mai mình là tên hành khất:
Lãng tử ơi! Mi là tên hành khất
May không chết lạnh trước lầu mỹ nhân
Ta đi tìm mộng tầm xuân
Gặp vua nhà Nguyễn bay trên mây
(Lang thang)

Mộ Hàn Mạc Tử ở Ghềnh Ráng (Gành Ráng)
Mộ Hàn Mạc Tử ở Ghềnh Ráng (Gành Ráng)
“Vua nhà Nguyễn” nào vậy? Có người cho rằng trong bài Lang thang, Hàn Mạc Tử đã tiên tri sẽ gặp Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn, vì thế bây giờ mộ Hàn Mạc Tử ở Gành Ráng nằm sát “lầu ông Hoàng” của Bảo Đại. Chế Lan Viên giải thích hợp lý hơn: “Sau này có lúc Tử xem mình là “vua nhà Nguyễn (Nguyễn Trọng Trí là tên anh) bay trên mây”, cái mầm mống phạm thượng biết đâu không bắt đầu từ lúc làm thơ thuận nghịch độc ấy” (Hàn Mạc Tử, anh là ai?).
Nghệ sĩ luôn luôn phóng túng, ngang tàng, vượt ra ngoài những quy phạm của tôn giáo, vì thế mà phạm thượng. Quách Tấn, Võ Long Tê, Chế Lan Viên, Phan Xuân Sanh đều nói thế. Phan Cự Đệ cũng nói thế khi viết về Hàn Mạc Tử, Michel Ange. Đôi khi, bị cảm hứng lôi cuốn, bị thăng hoa xuất thần, Tử đã viết ra những lời có thể nói là phạm thượng đối với những Đấng thiêng liêng mà Tử phụng thờ:
Ta chắp hai tay, lạy quỳ hoan hảo
Ngửa trông cao cầu nguyện trắng không gian
Để vừa dâng vừa hiệp bốn mùa xuân
Nở một lượt giàu sang hơn Thượng Đế.
(Đêm xuân cầu nguyện)
Có lúc Hàn Mạc Tử viết:
Ta khạc hồn ra ngoài cửa miệng
Cho bay lên hí hửng với ngàn khơi
(Say trăng)
Chế Lan Viên bình: “Hồn, đó là sản phẩm của anh tạo ra, lại còn dắt nó đi chơi nữa: “Dắt hồn đi ròng rã một đêm nay” – Anh có bạn. Hàn Mạc Tử không còn thụ động là sản phẩm trong bàn tay Thượng Đế, tự anh, anh đã chủ động đóng vai trò Thượng Đế, hơi phạm thượng đấy, nhưng vui chứ, đỡ cô đơn chứ” (Hàn Mạc Tử, anh là ai?).
Thư thứ bảy gửi giáo hội Laođixêa (Kinh thánh) có chép chuyện Chúa khạc ra người: “Ta biết các công việc của con, con không lạnh cũng không nóng, ước chi con lạnh hẳn hay nóng hẳn thì hơn. Bởi con chỉ âm ấm, không lạnh cũng không nóng, nên Ta sẽ mửa con ra khỏi miệng Ta” (Kh 3, 15-16)[1].
Chúa “khạc” ra người được thì chàng thi sĩ phạm thượng cũng “khạc” ra người được chứ sao:
Cả miệng ta trăng là trăng
Cả lòng ta vô số gái hồng nhan
Ta nhả ra đây một nàng
Cho mây lặng lờ cho nước ngất ngây
(Một miệng trăng)
Gần đây có người muốn dùng thơ Hàn Mạc Tử để chứng minh Đức Tin Thiên Chúa giáo, chúng tôi đặc biệt chú ý đến bài Thấy được những huyền bí bên kia cõi chết qua hiện tượng Hàn Mạc Tử của linh mục Dũng Lạc Trần Cao Tường. Bài viết đã mở ra một hướng nghiên cứu mới về thơ Hàn Mạc Tử. Tác giả muốn giải thích những bí ẩn đằng sau “những ý tưởng và hình ảnh lạ lùng vượt qua ngôn ngữ loài người” và vì sao thơ Hàn Mạc Tử lại có chuyển biến “từ những vật vã cô đơn cùng độ đến những cảm nghiệm hút hồn đầy hoan lạc”. Linh mục Dũng Lạc Cao Tường căn cứ vào cuốn Life after Life (Đời sau - 1975) của bác sĩ Raymond Moody và nhất là cuốn Transformed by the Light (Được ánh sáng biến đổi - 1992 của bác sĩ Melvin Morse), trong đó tác giả “muốn chứng minh một cách khoa học những điều mà những người nghiên cứu khác chỉ phỏng đoán, xem những người chết sống lại được thay đổi như thế nào...” (trang 29). Quá trình chết đi sống lại diễn ra qua bốn hiện tượng:
1. Hồn lìa khỏi xác bay lơ lửng trên không nhìn xuống xác mình thấy những người thân yêu đang khóc.
2. Hồn bay trong ống dài tối đen với một tốc độ nhanh kinh khủng. Betty Eadie kể lại kinh nghiệm của chính mình trong cuốn Embraced by The Light (Được Ánh sáng ấp ủ - 1992): Đây đúng là thung lũng bóng tối sự chết như Kinh thánh đã từng nói tới.
3. Hồn bỗng thấy một nguồn sáng xuất hiện đầy yêu thương và an bình. Có người cảm nghiệm thấy Chúa, có người thấy Thánh nữ Đồng trinh Maria. Lúc đó hồn được soi sáng nhìn lại và thấy tất cả cuộc đời của mình hiện lên trong một nháy mắt... Rồi hồn sung sướng sửa soạn bước vào vùng ánh sáng thì lại nghe rõ lệnh: chưa phải lúc, hãy trở về. Thế là sống lại.
4. Tất cả mọi trường hợp đều được biến đổi sau khi đã gặp ánh sáng này. Họ trở nên thông minh hơn, có sức cảm thụ lạ về những vùng tâm linh trước kia không hề biết trước chuyện sẽ xảy ra trong tương lai...
Lelvin Morse chứng nghiệm tất cả những điều thấy trên đây là có thật, chứ không phải do phản ứng của thuốc, do ảo giác vì thiếu dưỡng khí, do thần kinh óc bị hủy hoại.
Linh mục Dũng Lạc Cao Tường đã dựa vào lời ông Nguyễn Bá Tín kể lại trong cuốn Hàn Mạc Tử anh tôi (Tin- Paris 1990): Trí suýt chết đuối ở biển Quy Nhơn, phải nằm ngửa (làm planche) cho sóng đẩy vào bờ. Trí sợ hãi, thần sắc ngơ ngác, miệng lẩm bẩm nghe như: Đức Mẹ...Đức Mẹ. Từ đó Trí ít hoạt động, nói năng nhỏ nhẹ, nhiều lúc như xuất thần.
Trí sợ hãi, thần sắc ngơ ngác, miệng lẩm bẩm nghe như: Đức Mẹ...Đức Mẹ
Trí sợ hãi, thần sắc ngơ ngác, miệng lẩm bẩm nghe như: Đức Mẹ...Đức Mẹ

Trần Thanh Mại trong cuốn Hàn Mạc Tử – Thân thế và thi văn cũng nói là Hàn Mạc Tử đã chết đi sống lại ba bốn lần trong thời gian lâm bệnh. Vậy thì một số ý tưởng và hình ảnh lạ lùng trong một số bài thơ, có thể là Hàn Mạc Tử đã ghi lại sau khi từ cõi chết về cõi sống.
Cũng có cảnh hồn lìa khỏi xác, từ trên cao nhìn xuống dương gian:
Anh đã thoát hồn anh ngoài xác thịt
Để chập chờn trong ánh sáng mông lung
(Sáng láng)
Rồi hồn ngắm tử thi hồn tan rã
Bốc thành âm khí loãng nguyệt cầu xa
Hồn mất xác hồn sẽ cười nghiêng ngả
Và kêu rên thảm thiết suốt bao la
(Hồn lìa khỏi xác)
Cũng có cảnh hồn bay vùn vụt trong không gian, không biết trôi dạt về phương nào:
Vì không giới nơi trầm hương vắng lặng
Nên hồn bay vùn vụt tới trăng sao
Sóng gió nổi rùng rùng như địa chấn
Và muôn ngàn thần phách ngã lao đao
Cả hơi hám muôn xưa về ám ảnh
Hồn trơ vơ không biết lạc về đâu
Và vướng phải vô vàn tinh khí lạnh
Hồn mê man bất tỉnh một hồi lâu
(Hồn lìa khỏi xác)
Và hồn được tắm gội trong nguồn Ánh sáng:
- Ta ước ao đầu đội mão triều thiên
Và tắm gội ở trong nguồn ánh sáng...
- Sáng vô cùng, sáng láng cả mọi miền
Không u ám như cõi lòng ma quỷ
Vì có Đấng Hằng Sống Hằng Ngự Trị
Nhạc thiêng liêng dồn trổi khắp hư linh
(Ngoài vũ trụ)
Ánh sáng trong trường hợp Hàn Mạc Tử được thị kiến ở bờ biển Quy Nhơn chính là Đức Bà Maria mà sau này Hàn tỏ lòng biết ơn trong bài Ave Maria:
Lạy Bà là đấng tinh tuyền thánh vẹn
Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế
Hàn Mạc Tử cũng được biến đổi lạ lùng sau lần suýt chết đuối ở bờ biển Quy Nhơn. Ông Nguyễn Bá Tín kể lại: “Mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn còn sợ hãi vì thấy anh không còn giống anh nữa, anh khác lạ hẳn đi với đôi mắt lạc thần. Cảnh tượng đó ám ảnh tôi mãi. Tôi tin anh đã được ơn cứu trợ lạ lùng của Đức Mẹ và biến cố trên đã ảnh hưởng sâu đậm đến đường hướng sáng tác của anh. Khả năng cảm thụ tế nhị trong văn chương âm nhạc đều bắt đầu từ lúc đó, từ lúc anh sống thu mình lại cả tâm hồn lẫn thể xác, ngược với những ham muốn dồi dào đã có sẵn từ bẩm sinh. Đang bồng bột nông nổi đầy sức sống, đi từ ham mê này đến ham mê khác, bỗng đột nhiên dừng lại, rồi chìm vào một trạng thái đăm chiêu đến xuất thần. Hiện tượng đó đã đến với anh một cách thình lình, như chớp loà sáng chói, khiến anh ngất đi, ngơ ngác mù mịt, để rồi biến cải anh hoàn toàn”[2].
Người viết bài này cũng cảm thấy một số bài thơ của Hàn Mạc Tử trong phần Máu cuồng và hồn điên (Đau thương) và trong Xuân như ý tương tự với một số hiện tượng mà Melvin Morse đã miêu tả trong cuốn Transformed by the Light. Bài viết của linh mục Dũng Lạc Cao Tường đã mở ra một hướng tiếp cận mới đối với một số hiện tượng tâm linh. Nhưng kết luận của chúng tôi lại khác với những kết luận của vị linh mục Thiên Chúa giáo. Sau khi khảo sát hiện tượng Hàn Mạc Tử theo sách của bác sĩ Melvin Morse, linh mục Dũng Lạc Cao Tường kết luận: “Nguồn ánh sáng mà Hàn Mạc Tử thấy là một ngôi vị Thiên Chúa tình yêu...là chính Chúa Giêsu. Tất cả những cái thấy trên đúng là như vẽ ra cảnh thiên đàng trong hình ảnh Kinh thánh qua các thị kiến của các tiên tri và Khải huyền, thật lạ lùng vượt qua các thị kiến của các tiên tri và Khải huyền, thật lạ lùng vượt qua sức hiểu biết của con người, nhưng có thực...Hàn Mạc Tử đã làm chứng Đức Tin bằng thơ văn về những gì huyền bí đã thấy bằng thực chứng qua những lần chết đi sống lại”.
Theo thiển ý của chúng tôi, có lẽ chúng ta phải nói ngược lại. Không phải những giấc mơ, những phút xuất thần trong thơ Hàn Mạc Tử đã chứng minh có Thiên Chúa, có thế giới Khải huyền, có thung lũng “ngục tổ tông” bóng tối sự chết. Mà chính nhờ niềm tin vào Kinh thánh và hàng ngày cầu nguyện, nên lúc mê sảng, xuất thần, lúc chết đi sống lại, Hàn Mạc Tử mới có “cứ liệu” mà tưởng tượng ra được như thế. Đúng là trong thơ văn, Hàn Mạc Tử đã đặt niềm tin vào một thế giới Khải huyền (Tựa Xuân như ý, Ra đời, Điềm lạ, Xuân đầu tiên...), Xuân như ý, Xuân thiêng là “công trình châu báu của Người”, là “phép tắc mầu nhiệm của Đấng Vô thủy Vô chung”. Đó là “bốn mùa xuân cả bốn” có “nhạc thơm, hương gấm, mộng ngọc, hoa trinh bạch, đàn ly tao, tranh tuyệt phẩm”. Ánh xuân là nguồn tư tưởng thơm tho, tinh khiết, khí xuân là mạch trường sinh bất tử, tình xuân là cung cầm nguyệt mê ly, tuổi xuân là Ngọc như ý, tên xuân là Dạ lan hương...”.
Hàn Mạc Tử vui mừng chờ đón điềm lạ đêm nay ra đời một mùa Xuân đầu tiên:
Mai này thiên địa mới tinh khôi
Gió căng hơi và nhạc lên trời
Chim khuyên hót tiếng đầu tiên hết
Hoa lá hồ nghi sự lạ đời
Trái cây bằng ngọc vỏ bằng gấm
Còn mặt trời kia tợ khối vàng
Cái mùa Xuân như ý, Xuân thiêng, Xuân đầu tiên bắt nguồn từ cảnh Trời mới, Đất mới, Jerusalem mới sau ngày Phán xét. Ta hãy nghe Thánh Gioan kể: “Rồi tôi thấy trời và đất mới, vì trời thứ nhất và đất thứ nhất đã biến đi, biển cũng không còn nữa... Rồi thiên thần đem tâm trí tôi lên một ngọn núi cao, chỉ cho tôi xem thành Thánh Jerusalem[3], tự nơi Thiên Chúa trên trời mà xuống, huy hoàng trong vinh quang Thiên Chúa, và rực rỡ như một viên đá quý, khác nào một viên đá ngọc trong sáng.... Tường xây bằng đá ngọc và thành bằng vàng ròng trong sáng như thuỷ tinh; nền tường thành được xây bằng mọi thứ đá quý... Mười hai cổng là mười hai phiến trân châu, mỗi cửa là một phiến nguyên. Các đường phố trong thành thì bằng vàng ròng trong suốt như thuỷ tinh... Thành không cần mặt trời, mặt trăng soi sáng, vì vinh quang Thiên Chúa chiếu tỏa khắp nơi và Chiên Con là ngọn đèn rực rỡ của thành”[4].
Thế giới Khải huyền trong thơ Hàn Mạc Tử theo Quách Tấn là vang bóng của vô lượng quang trên Thế giới Cực lạc mà Tử đã đọc qua kinh A Di Đà. Phật Thích Ca giới thiệu Tây Phương Cực Lạc (hay Tịnh đồ), thế giới của Phật A Di Đà như sau: “Cảnh giới ở nước thanh tịnh ấy vô cùng đẹp đẽ, sáng lạn, vui tươi. Phong cảnh cả toàn cõi là một vườn hoa vĩ đại... Đường xá, cầu cống, đền đài, điện các cõi Tịnh độ đều làm bằng ngọc vàng, châu báu như bạch hạc, khổng tước, anh võ, xá lợi, ca lăng tằng già...những thứ chim này, ngày đêm sáu thời, hót ra những thứ tiếng pháp vi-diệu, hoà lẫn trong những điệu nhạc thiêng, làm cho ai nghe đến, cũng đều phát tâm hoan hỉ niệm Phật...Ở đây không bao giờ có bóng tối, vì nhờ hào quang của Phật giáo phát ra, sáng chói luôn luôn”[5]. Chúng tôi cho rằng có thể Hàn Mạc Tử đã chịu ảnh hưởng Kinh thánh lẫn Kinh Phật, đó là chưa kể những ảnh hưởng của các tín ngưỡng dân gian khác, vùng ảnh hưởng văn hoá Chàm. Quách Tấn cho rằng Hàn Mạc Tử đi vào các tôn giáo “như một lãng nhân vào vườn hoa nghìn hương muôn sắc... Rồi những gì đã thấm sâu vào tâm khảm thỉnh thoảng tràn ra ngọn bút những lúc Thơ về, khi thì đượm đà, khi thì phảng phất, khi thì hiển diện, khi thì ẩn tàng... và tràn ra một cách tự nhiên, khiến lắm lúc nhà thơ tưởng rằng đó là do mình sáng tạo ra chớ không ngờ rằng mình đã chịu ảnh hưởng” (Ảnh hưởng đạo Phật trong thơ Hàn Mạc Tử).
Có những hiện tượng trong thơ Hàn Mạc Tử vừa có nguyên nhân từ bệnh lý, từ hoàn cảnh cô đơn, vừa có nguyên nhân từ những ảnh hưởng của tôn giáo. Hàn Mạc Tử đã có lúc muốn đốt tập Thơ Điên. Vì sao vậy? Có lẽ Hàn Mạc Tử hối hận về “những câu thơ tội lỗi” phạm thượng, cũng có thể Hàn Mạc Tử không muốn đời sau biết “những bí ẩn của lòng mình” lúc rơi vào những hiện tượng bệnh lý, mê sảng như trong các bài Một miệng trăng, Cuối thu, Cô liêu:
Và ai gánh máu trên tuyết
Mảnh áo da cừu ngắm nở nang
(Cuối thu)
Ai đi lẳng lặng trên làn nước
Với lại ai ngồi khít cạnh tôi
Mà sao ngậm cứng thơ đầy miệng
Không nói không rằng nín cả hơi
(Cô liêu)


Quách Tấn đã ghi lại những lời Hàn Mạc Tử kể: “Một đêm khuya vắng một mình, Tử ngồi ngắm trăng trên bể. Bỗng anh thấy có ai có ngồi khít rịt bên anh. Rồi từ người đó lại hiện ra người nữa. Rồi biến đi. Rồi thấy mặt bể đông lại như tuyết. Trên bể có một người vạm vỡ mặc áo lông gánh hai thùng thiếc chạy băng băng. Từ hai thùng tung tóe ra những máu là máu. Tử hoảng sợ chạy về nhà”. Đây là hiện tượng ít nhiều có gắn với bệnh lý nên đâm ra mê sảng, huyễn tưởng. Cũng giống như:
Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy
Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra

         Với tấm lòng yêu thương bạn. Chế Lan Viên luôn luôn bênh vực Hàn Mạc Tử: “Bệnh tâm thần, ta vội kết luận. Và đưa nó cho các nhà y học, phân tâm học. Hãy dừng lại đã... Nó là gì? Vì Tử đau yếu chăng? Không, theo tôi chính là anh rất khoẻ, cái hồn thơ anh rất khoẻ. Chả là cô đơn, chả là hư vô, chả là cái chết dập dờn ở trong phòng bệnh và ở giữa đêm trăng này, nó muốn thủ tiêu anh mà không được. Anh là một. Nó muốn zéro hoá anh, hư vô hoá anh cho không còn dấu vết. Nhưng anh đâu có chịu. Anh hóa hai, hóa ba, mình ngồi cạnh mình hơn thế mình lại vạm vỡ ra, nở nang lên, gánh chạy, gánh cái gánh máu đời mình, chạy trên cái bể thảm kịch của đời mình. Cũng là một cách đối chọi!”.


Giải thích như thế e có phần suy diễn. Tất nhiên, ta chấp nhận ý Chế Lan Viên: Hàn Mạc Tử khạc ra trăng, khạc ra cái gái hồng nhan, khạc ra hồn cho văng lên muôn trượng, thì hồn đó gái đó, trăng đó cũng là Hàn Mạc Tử mà thôi. Đây là một hiện tượng phân thân thường thấy trong thơ văn: nói chuyện với em, với trăng, với bóng với một người vô hình... Trong Anh em Karamazov, Ivan còn tranh luận với con quỷ mặc áo đen xem ai là thủ phạm đã giết cha mình, con quỷ màu đen đó là phần vô thức của Ivan.

Vườn tượng danh nhân tại Trại phong Qui Hòa
Vườn tượng danh nhân tại Trại phong Qui Hòa
Sống chui nhủi trong những thôn xóm bơ vơ, hoặc lang thang một mình trên bờ biển hiu quạnh những đêm khuya, Hàn Mạc Tử dường như bị ám ảnh bởi cái không gian xa lạ, cái không gian vây bủa, “nhiều ảo giác được nhà thơ ghi lại chính là nói lên cái cách hoảng loạn của thần hồn, thần tính con người, gây nên bởi cái xã hội vô nghĩa, quái gở, ngột ngạt lúc bấy giờ.. Không phải vô cớ mà bài thơ lấy tên Cô liêu. Bài thơ là tiếng kêu, tiếng rú trong nỗi cô đơn rùng rợn, con người như lạc vào thế giới xa lạ, tách biệt hẳn với đồng loại” (Lê Đình Kỵ). Nhiều người khác cũng có cách giải thích giống Lê Đình Kỵ khi cho rằng “thơ anh có nhiều câu hốt hoảng lạ lùng, như bị một “ám ảnh nào đó phá phách xô đẩy anh khủng khiếp” éo le và bi thảm, ám ảnh do phải nếm trải những cảnh ngộ nhân sinh nhiều đau thương, lắm tai ương và đầy bất hạnh này” (Cao Xuân Thử).

Tất nhiên, trong những cơn mê sảng, hoảng loạn đó cũng có những hình ảnh bắt nguồn từ tôn giáo. Ở trên đã nói, trong Kinh thánh có chép chuyện Chúa “mửa” ra người thì vị “giáo chủ” phạm thượng Hàn Mạc Tử cũng có lúc “khạc” ra trăng, “khạc” ra hồn, “nhả ra đây một nàng”! Trong thơ Tử có hiện tượng người đi trên biển, gánh hai thùng thiếc chạy băng băng trên biển thì Phúc Âm theo Thánh Mátthêu cũng chép chuyện Chúa đi trên mặt biển: “Bấy giờ thuyền đã ra giữa biển, bị sóng đánh mạnh, vì ngược gió. Đến canh tư đêm ấy, Chúa Giêsu đi bộ trên mặt biển đến cùng các môn đệ. Thấy Người đi bộ trên mặt biển họ sợ hãi nói rằng: “ma đấy”. Rồi họ hốt hoảng la lên. Chúa Giêsu liền bảo các môn đệ rằng: “Hãy an tâm, Thầy đây đừng sợ”. Ông Phêrô lên tiếng: “Thưa Thầy, nếu thật là Thầy, xin cho tôi đi trên mặt nước mà đến với Thầy”. Chúa bảo “Lại đây”. Ông Phêrô liền từ thuyền bước xuống đi trên nước để đến cùng Chúa Giêsu (Mt 14, 22-30). Hiện tượng “điên cuồng mửa máu ra” gắn với bệnh lý của Hàn. Nhưng hình ảnh máu trên biển cũng có thể bắt nguồn từ một số chuyện trong Kinh thánh.
Trong sách Khải huyền có chép chuyện Bảy thiên thần mang bảy tai hoạ - “hãy đổ chén thịnh nộ của Chúa xuống trái đất”:
Thiên thần thứ hai đổ chén của mình xuống biển, tức thì biển hoá thành máu và tất cả các sinh vật dưới biển đều chết.          Thiên thần thứ ba đổ chén của mình xuống sông suối thì sông suối biến thành máu (Kh 16, 3-4)[6].

        Như thế, những câu thơ mà ta gọi là huyền bí, kinh dị của Hàn Mạc Tử cũng có thể cắt nghĩa phần nào bằng hoàn cảnh sống cô đơn trong các xóm vắng, trên bãi biển, bằng những hiện tượng bệnh lý, bằng những câu chuyện và hình ảnh mà Hàn Mạc Tử đã đọc được trong Kinh thánh, Kinh Phật. Đó là chúng ta chưa kể đến những tín ngưỡng dân gian của một vùng ảnh hưởng văn hoá Chàm (trong thơ Chế Lan Viên, Hàn Mạc Tử ta thấy có hiện tượng hồn lìa khỏi xác, trong đêm kéo nhau đi lang thang).

         PHAN CỰ ĐỆ
         (Trích bài Hàn Mạc Tử, những vấn đề đang tranh luận)


Bài viết này được trích từ bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo, linh mục Trăng Thập Tự chủ biên, tập I, trang 157 - 167.


[1] Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn, Kinh Thánh, Tòa Tổng Giám mục Hà Nội 1985, trang 2297.
[2] Hàn Mạc Tử anh tôi, Nxb Tin, Paris, 1990, tr. 113-114.
[3] Tức Giáo hội, bạn trăm năm của Chúa.
[4] Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn, Kinh Thánh, Tòa Tổng Giám mục Hà Nội 1985, (Khải Huyền 21,1-4.10-11.18-22).
[5] Phật học phổ thông, Ban Hoằng Pháp Phật giáo Việt Nam biên soạn, Hưng Đạo xuất bản, in lần thứ hai 1964, tr. 108-109.
[6] Kinh Thánh, sách đã dẫn, trang 2311. Chúng tôi gạch dưới.