Hàn Mạc Tử - Bích Khê

Quang X Nguyen
I.
Bóng nào nhợt như ma
Khắp châu thân hổn hển
Huyền hồ nhìn không ra
Lưu luyến nhường thiết tha
Chờm chờm trên giường bệnh?
Bóng nào nhợt như ma
Khắp châu thân thóp thểnh
Huyền hồ nhìn không ra!
Hay là tôi hóa hai
Đã chết đi một nửa?
Hay là trời ban mai
Bị mù sương vây bủa
Làm buồn ngập hoàng hôn
Ảnh hưởng tới linh hồn
Tiều tụy:
Hiện ra hình ủy mị?
II.
Bóng nào trắng dần ra
Trên đầu đơm vòng hoa
Khắp thân in màu tuyết
Trong trẻo mà diễm tuyệt
Tơ tơ gần như nguyệt
Biếc biếc gần như thu
Đều quy trên nét mặt!
Hoàng hôn mai mờ sắc!
Buồn ban mai trắng ra.
Ôi! Ôi! Không là ma,
Đừng nhìn trong ý tứ
Mát mẻ nhận cho ra
Gần rồi, không còn xa:
Hàn Mạc Tử!
Trại phong Qui Hòa
Trại phong Quy Hòa (TP Quy Nhơn, Bình Định), nay là bệnh viện điều trị bệnh phong - da liễu Quy Hòa được xây dựng từ năm 1929. Nơi đây, thi sĩ Hàn Mặc Tử đã điều trị bệnh phong và qua đời năm 1940 khi mới 28 tuổi.
Ngày nay, ở đây vẫn giữ nguyên căn phòng ông ở trong vòng chưa đầy 2 tháng trước khi trút hơi thở cuối cùng.


III.
Châu lệ thắm tình say
Gặp gỡ có hôm nay
Chiêm bao ngày liền ngày
Ngoài mình ai mà hay
“Anh ơi từ đâu đến?
Em buồn, em đương bệnh!
Anh ơi, sao ra hai
Huyền hồ trong phôi thai?
Hóa thân trong phương phi
Buồn hôm rày bệnh quá
Mà anh đã quy y
Hai tay đây rả rả!
Dìu lấy, cùng nhau đi!”
Lời tỏa ra hơi hương
Ửng ửng khắp trong buồng:
“Anh ơi, tôi mới đến
Huyền hồ dường như ma
Là hiện thân của bệnh
Quằn quại đau xót xa
Máu mủ nhìn không ra!
Giờ phương phi! Phương phi!
Là hình thơ tinh vi
Là hình thơ quy y
Mướt trong màu tuyết vẽ.
Hai ta đều quạnh quẽ!
Đứt ruột nhớ thương nhau
Nấn ná sẽ lìa nhau
Chiêm bao còn thấy nhau!”.
IV.
Bóng nào gần mà xa
Phơi phới màu tuyết pha
Rùng mình nhìn cho ra:
Huyền hồ đà như ma!
Anh không phải là ma
Gần sao mà còn xa?
Lại đâu là quê nhà?
Hàn Mạc Tử!
Hàn Mạc Tử!
- “Quy Hòa!
Quy Hòa!”

Bích Khê
 (Người mới, số 23 – 11 -1940)

Trích lại theo PCĐ-1, 363-366


Bài viết này được trích từ bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo, linh mục Trăng Thập Tự chủ biên, tập I, trang 188-190.