Có nhiều ngộ nhận
cho đến nay về Tử. Rằng anh là tiếng nói của tôn giáo, của Thiên Chúa giáo. Có
thì cũng chả sao! Các nước xã hội chủ nghĩa châu Âu, đứng đầu là Liên Xô, khi
tiếp thu di sản của quá khứ thì ba phần tư các tác phẩm xưa là của những nhà
văn hay nói đến Thượng Đế. Và ta chả tiếp thu thơ các nhà sư, sư tổ nữa, đời
Lý, Trần đó sao? Cố nhiên là Hàn Mạc Tử yêu Chúa, nguồn động viên lớn, vô cùng
lớn với anh trong bước ngặt nghèo. Nhưng khi anh viết bài Thánh nữ Đồng
trinh Maria:
Cho
tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lâm lụy vừa trải qua
dưới thế
là anh vừa viết cho
Mẹ trên trời vừa viết cho Mẹ anh dưới đất: “Mẹ ơi con sắp chết nay mai. Con
không sợ chết mẹ ạ. Nhưng nghĩ rằng con phải rời bỏ mẹ, con đau lòng quá”. Tôi
nhớ cái lời thư ấy. Tử là người con rất có hiếu, Tử cũng từng ví chị Lễ trong bài
văn xuôi tuyệt vời như thủy tinh Chơi giữa mùa trăng: chị “thanh thoát
tinh khôi, uy nghi và tươi tốt như pho tượng Đức Bà Maria”. Chuyện dưới đất
thành ra chuyện trên trời. Một người Công giáo chính tông không thể viết: “Ở
đời chỉ có một hạnh phúc, làm chi có hai cảnh Tịnh độ và Niết bàn”. Lên cao
trên Thượng thanh khí, Tử ít gặp thiên thần mà hay gặp các Nàng tiên đang tắm
“Và đôi môi biểu lộ hết xuân tình”. Đừng đưa anh lên cao, nhưng cũng xin
đừng lợi dụng Freud lợi dụng phân tâm học, hạ anh xuống một nhà thơ xác
thịt. Chính thế tục trong anh, cái sức nặng của sự sống có hồn và có
thân thế ấy đã níu anh lại, không cho anh đứt dây bay vút vào cõi Siêu hình. Vả
chăng anh thế chứ đâu tục! Khi ta thích “Dày dày sẵn đúc một tòa
thiên nhiên” của Nguyễn Du, ta phải thích “Ơ kìa bóng nguyệt trần truồng tắm”
của anh. Chả lẽ cô Hồ Xuân Hương có quyền mà bóng trăng anh thì bị cấm!
Mẹ Maria luôn bên thi sĩ |
Chế Lan Viên
(Trích từ bài Hàn Mạc Tử, anh là ai?, PCĐ-2, trang 238-251)
(Trích từ bài Hàn Mạc Tử, anh là ai?, PCĐ-2, trang 238-251)
Bài viết này được trích từ bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo, linh mục Trăng Thập Tự chủ biên, tập I, trang 179 - 180.