Chung điều nguyện ước

Văn thơ Công giáo
(Mã số: 17-117)
 

Ở đời, thường có những biến cố bất chợt xảy đến không thể ngờ trước, cũng như có những cuộc hạnh ngộ ngoài dự đoán của ta. Đối với Hoàng cũng thế, anh định lên máy bay sẽ đánh một giấc cho lại sức, vì đêm qua anh mải bận rộn tiệc tùng với bao tình cảm quyến luyến, nên giờ cần ngủ bù. Nhưng vừa ngồi xuống ghế, anh chợt nhìn sững người bên cạnh và ngập ngừng hỏi:
- Có phải cậu là…Thịnh?
Rồi Hoàng ôm chầm lấy anh ta, đấm thùm thụp vào lưng bạn:
- Trời ơi! Mười mấy năm nay cậu đi đâu biệt tăm, sao chẳng liên lạc với tớ?
- Cậu trốn mất, sao mình tìm được.
- Ừ nhỉ! Nhà cậu dời đi được gần một năm thì nhà mình cũng dời về thành phố sống chung với nội nên…
Thịnh cười thật tươi:
- Quả là sự an bài tuyệt vời của Đức Chúa Trời!
Hoàng ngạc nhiên kêu lên:
- Cậu…
Thịnh gật đầu cười hiền:
- Giờ mình là mục sư, một thành viên của Tu Hội Đại Kết Taizé. Cậu có nghe nói về những buổi cầu nguyện Taizé chưa?
- Mình có dự mấy lần hồi còn sinh hoạt giới trẻ. Mình tưởng đó là phương pháp cầu nguyện của Công Giáo Đông Phương?
- Không phải cậu ạ, là sáng kiến của một mục sư Tin Lành đấy. Cộng đoàn Taizé do thầy Roger Schutz - một người Tin Lành lập ra, vào năm 1940 . Đây là một Tu Hội Đại Kết tại làng Taizé, tỉnh Saône-et-Loire, thuộc vùng Bourgogne, miền tây nước Pháp. Cộng đoàn này hiện có hàng trăm anh em tu sĩ thuộc nhiều Giáo Hội Kitô khác nhau như: Công Giáo, Tin Lành, Chính Thống, Anh Giáo... đến từ khoảng 30 quốc gia trên thế giới. Năm 1986, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đến chia sẻ những sinh hoạt với cộng đoàn nhỏ bé này.
- Ồ! Vậy mục đích của Tu Hội là gì?
- Mục đích của Tu Hội Đại Kết là hiệp nhất các Kitô hữu thuộc các Giáo Hội Kitô: Công Giáo, Tin Lành, Chính Thống, Anh Giáo… nhằm cổ vũ sự thống nhất đức tin và hiệp thông giữa các cộng đồng Kitô giáo. Lý tưởng của cộng đoàn là cổ vũ mạnh mẽ cho nền công lý và hòa bình của thế giới thông qua việc cầu nguyện và chiêm niệm.
- Thế à? Nhưng một cộng đoàn tôn giáo hỗn hợp như vậy thì mọi người sống và hoạt động thế nào?
- Các thành viên khấn độc thân, sống cộng đoàn, tận hiến trong điều kiện sống giản dị nhất và sống bằng chính sức lao động của mình. Trọng tâm của đời sống cộng đoàn Taizé là các tu sĩ cầu nguyện chung với nhau ba lần mỗi ngày. Cộng đoàn được thành lập để chia sẻ với những người nghèo khổ nhất và sẵn sàng đón tiếp những ai cần đến họ. Lúc đầu, tu hội tập hợp những trẻ em bị mồ côi cha mẹ trong chiến tranh thế giới thứ hai và nhận nuôi các em. Dần dần, nhà Taizé tiếp nhận thêm rất nhiều người cơ nhỡ. Họ đến sống với các em đường phố, các tù nhân, các người bệnh ở giai đoạn cuối, những người sống trong cảnh khốn cùng... Mỗi năm, có hơn 100.000 thanh niên từ khắp nơi trên thế giới hành hương đến Taizé để cầu nguyện, học Kinh Thánh, chia sẻ, và làm việc cho cộng đoàn. Hiện nay, Tu Hội  này có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới như Ấn Độ, Bangladesh, Philippines, Algérie, Brasil, Kenya, Senegal, Hoa Kỳ
- Thế cộng đoàn giúp được gì về phương diện tâm linh cho những người mình phục vụ?
- Các tu sĩ này đã giúp nhiều người tìm được giá trị của chính mình qua tình yêu của Thượng Đế, lòng tử tế và tình nhân loại, qua thiên nhiên, không phân biệt tôn giáo, màu da, chính kiến.
- Bây giờ vị mục sư thành lập vẫn còn làm bề trên à?
- Không, thầy mới mất năm 2005. Nhưng trước đó, vào năm 1998, thầy Roger đã chỉ định thầy Alois - một người Công Giáo gốc Đức sẽ làm người kế nhiệm mình. Năm vừa rồi thầy Roger qua đời, thầy Alois lên làm Bề Trên Tổng Quyền của Cộng đoàn Taizé.
Rồi Thịnh kể cho Hoàng nghe cơ duyên nào đưa cậu gia nhập cộng đoàn này. Cuộc đời thường có những cơ may bất ngờ xảy đến, Thịnh cũng gặp được điều may lành như thế. Thấy anh học giỏi, ngoan hiền lại có ước mơ làm bác sĩ, nên vừa xong tú tài, người cô ruột ở Mỹ đã tài trợ cho sang du học. Được gần hai năm, có lần mấy người bạn Tin Lành rủ anh tham dự giờ cầu nguyện Taizé do một mục sư hướng dẫn. Lúc đầu anh định đi thử cho biết, sau thấy hay nên đến dự thường xuyên. Rồi một lần trong giờ cầu nguyện, Thịnh nghe rõ tiếng Chúa mời gọi trong tâm hồn: “Hãy đi làm cho muôn dân thành môn đệ Ta, làm phép Báp-tem cho họ nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh” (). Suốt mấy tháng liền, anh cứ nghe tiếng mời gọi ấy vang vọng mãi trong lòng, anh đến trao đổi với mục sư và được hướng dẫn tận tình. Sau đó, anh về trình bày với người cô ước muốn làm mục sư để mang Lời Chúa đến cho mọi người và bà đã ủng hộ anh. Thịnh chọn theo Tin Lành, vì người đầu tiên anh  gặp gỡ và đã ân cần giúp đỡ anh là mục sư trong Tu Hội Đại Kết Taizé này.
Hoàng thắc mắc:
- Cậu từ bỏ ước mơ từ nhỏ của chúng ta à?
- Mình thấy Chúa Cứu Thế Giêsu không hề học y khoa ngày nào mà vẫn chữa được đủ thứ loại bệnh. Ngài chỉ dùng Lời để chữa được cả hồn lẫn xác. Với lại, sau một thời gian học Kinh Thánh, mình ngộ ra một điều: “Vinh hoa đời này không bền vững, chỉ khi nào mình sống cho Chúa, lúc đó đời mình mới thực sự có ý nghĩa”.
Hoàng bị đánh động bởi câu nói vừa rồi. Anh thấy thẹn trong lòng, bởi mang tiếng là đạo gốc mà mấy năm qua mãi lo học, anh đã lơ là với Chúa. Anh suy nghĩ nhiều về lời nói của bạn: “Vinh hoa đời này không bền vững, chỉ khi nào mình sống cho Chúa, lúc đó đời mình mới thực sự có ý nghĩa”. Cuối cùng, anh quyết định từ chối thư mời làm việc của bệnh viện, cũng như những hứa hẹn của gia đình Cindy Nguyễn. Anh xin vào chủng viện, dâng hiến đời mình để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ mọi người.
***
Dẫu là ai và ở tuổi nào, con đường theo Chúa cũng vương bóng thánh giá. Bác sĩ Hoàng vào chủng viện được một năm thì nhận công tác trưởng ban y tế của nhà chung. Thầy trưởng ban y tế cũ tỏ ra không hài lòng, khi tình cờ biết được thầy Hoàng hay liên lạc với một người bạn là mục sư, thầy ấy liền đi mách với cha giám đốc. Trong một lần gặp nhau, cha giám đốc có hỏi thầy về người bạn mục sư đó. Thầy đã kể cho cha nghe tương quan của thầy và mục sư Thịnh, cũng như động lực nào khiến thầy đi tu.
Hai người là bạn thân, chơi chung với nhau từ nhỏ. Có một điều khác nhau là hai đứa không cùng đạo. Khi Hoàng và Thịnh vừa học xong lớp năm thì bà nội của Thịnh bị tai biến, gia đình anh phải về sống chung với bà. Hai người xa nhau từ đó. Anh bạn ngày xưa, nay là một mục sư Tin Lành của Tu Hội Đại Kết Taizé.
Cha giám đốc giờ hiểu rõ ngọn nguồn, ngài còn khích lệ thầy cứ tiếp tục phát triển tình bạn đó. Thầy Hoàng nói cho cha nghe ước nguyện của thầy là: “Cầu nguyện cho người bạn được ơn quay về hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo”. Cha bảo thầy hãy kiên trì cầu nguyện, nhưng xin Chúa thực hiện chương trình của Ngài trên cuộc đời người bạn theo như ý Chúa.
***
Thời gian thấm thoát trôi, cuối cùng ngày mong đợi đã đến. Những tấm thiệp in đậm tên của mười tiến chức đã được gửi đi. Khuôn viên Tòa Giám Mục đang được dọn dẹp, trang hoàng chuẩn bị cho ngày lễ. Còn một tuần nữa là đến ngày phong chức, Đức Cha cho gọi thầy Hoàng lên nói: “Thầy chưa được chịu chức trong đợt này”. Thầy chỉ biết cúi đầu nhận tin mà chết lặng trong lòng.
Thầy Hoàng vào nhà nguyện nhìn lên Thánh Giá Chúa, tâm hồn nặng trĩu, đầu óc rối bời. Thầy thấy dường như Chúa Giêsu trên núi Sọ cũng có tâm trạng như mình khi kêu lên: “Lạy Cha, sao Cha bỏ con?”. Nhưng một lúc sau Người lại thưa: “Lạy Cha, Con xin phó thác hồn Con trong tay Cha”, thầy thấy trong lòng nhẹ đi đôi chút. Thầy chẳng biết nói gì với Chúa, chỉ lặp đi lặp lại một câu:
- “Lạy Chúa, xin cứ thực hiện chương trình của Chúa trên cuộc đời con… Giêsu ơi, xin tiếp sức cho con… Lạy Mẹ Maria, xin đồng hành cùng con”.
Khi tâm hồn đã lắng dịu, thầy Hoàng gọi cho mục sư Thịnh. Thầy vừa bấm máy vừa nghĩ: “Phải chăng đây là sự an ủi của Chúa, khi Người sắp đặt cho Thịnh về nước trong lúc này?”. Bên kia đầu dây là giọng nói thân quen:
- Mình đây Hoàng ơi. Cậu gọi mình giờ này chắc có chuyện gì à?
- Có chuyện thật rồi cậu ạ! Mình… mình không được chịu chức đợt này.
- Sao lại thế?
- Mình cũng không biết nữa, chỉ nghe Đức Cha nói vậy thôi.
Cả hai cùng im lặng, một bầu khí trầm buồn phủ quanh hai người. Một lúc sau, Thịnh hỏi:
- Hiện giờ cậu đang ở đâu?
- Mình ở trong nhà nguyện từ chiều đến giờ.
- Tốt lắm! Cậu ở thêm một giờ nữa đi, mình sẽ hiệp ý cầu cùng Đức Chúa Trời cho cậu.
- Mình cám ơn cậu.
Thầy Hoàng cứ ngồi đó, đầu óc rỗng tuếch, đôi mắt ráo quảnh nhìn lên Nhà Chầu. Mọi hôm, ai ngồi lại trong nhà nguyện giờ này là làm mồi cho muỗi. Nhưng sao hôm nay chẳng có con muỗi nào đến quấy rầy thầy Hoàng, không biết vì chúng bác ái với thầy hay vì tâm hồn tê tái làm thầy không còn cảm giác nữa.
Một lúc sau, mục sư Thịnh nhắn tin: “Ngày mai, cậu hãy xin ra ngoài và đi với mình”.
***
Sáng hôm sau, mục sư Thịnh đưa thầy Hoàng ra vùng ngoại ô, đến gia đình em gái của anh ấy. Suốt quãng đường hơn ba mươi cây số, hai người im lặng trong đồng cảm. Nơi hai người đến là một cánh đồng, mùa gặt vừa xong chỉ còn trơ lại gốc rạ. Một câu hỏi chợt đến trong trí thầy Hoàng: “Vụ mùa đã xong, phải chăng Chúa không cần thợ gặt nữa?”. Thầy ngồi trên đê, ánh mắt nhìn xa xăm. Bất chợt, thầy thấy mãi tít đàng kia thấp thoáng mấy người nông dân, tiếng họ văng vẳng đang khiển trâu kéo cày chuẩn bị mùa vụ mới. Đôi mắt thầy ánh lên niềm vui, đầu khẽ gật gù.
Xa xa giữa cánh đồng, có vài đống rơm cháy sắp tàn còn vương lại chút khói bay lãng đãng. Gió mát rượi mang theo mùi khói rơm thoảng nhẹ làm thầy Hoàng nhớ về tuổi thơ của hai đứa; một thời đầy ắp những kỷ niệm ngây ngô.
Thịnh luôn là người chu đáo, mọi thứ được chuẩn bị sẵn cạnh đống rơm, dưới gốc cây si bên bờ đê. Có một cậu bé mang ra cho anh mấy con cá lóc xâu trong sợi dây chuối. Anh rút một mớ rơm, vùi cá vào trong và châm lửa. Khói bốc lên nghi ngút, vật vờ xoay tứ phía, ập vào mặt làm anh ho sặc sụa. Thầy Hoàng ngồi nhìn bạn mà lòng thấy nhẹ vơi.
Thịnh là thế, lúc nào gặp nhau Hoàng cũng thấy ấm lòng, vì anh luôn sẵn sàng đồng cảm và sẻ chia. Mấy năm ở chủng viện, thầy cũng có chơi thân với vài thầy khác, nhưng ngoài cha linh hướng ra, thì anh là người mà thầy dễ chia sẻ nhất. Ở bên anh, Hoàng như sống lại tuổi thơ của mình, không giấu diếm nhau điều gì, luôn được lắng nghe và thấu hiểu, dẫu “không cùng chung lối”.
Tuy bằng tuổi nhau, nhưng Hoàng là con út trong gia đình, còn Thịnh là anh cả; nên lúc nào anh cũng tỏ ra quan tâm và thấu cảm những nỗi lòng của Hoàng. Hoàng thích anh ở chỗ luôn thẳng thắn, chân tình trong tôn trọng và cùng giúp nhau thăng tiến.
Thời gian Hoàng học triết và thần học ở chủng viện, mỗi lần liên lạc hay những dịp về thăm là anh khích nhau bằng cách đặt ra những câu hỏi hóc búa và gay cấn, để Hoàng phải đào sâu và nắm vững kiến thức cũng như những giáo huấn của Giáo Hội.
Thịnh đã nướng cá xong, anh đặt chúng trên mớ rơm mang đến bên bạn. Anh lên tiếng kéo Hoàng về thực tại:
- Nào, cậu thử xem cá bây giờ có ngọt như ngày xưa không?
Thầy Hoàng hít một hơi thật sâu rồi thở hắt ra như muốn xua đi tất cả những u uẩn trong lòng. Thầy xoay qua nhún vai và mĩm cười với bạn. Hai người vừa nhâm nhi vừa nhắc lại những chuyện ngày xưa rồi cùng cười vui vẻ. Thịnh nói:
- Cậu nhớ không, ngày xưa cậu là người bắt cá chiến nhất trong đám. Bọn xóm trên rất phục tài bắt cá của cậu. Còn mình, lần nào cũng chỉ được vài con nhỏ xíu. Vậy mà khi nướng xong, cậu toàn bắt mình ăn con lớn. Thú thực với cậu có bữa mình rất ngớn, nhưng để cậu vui mình lại cố ăn cho hết.
Thầy Hoàng ngồi gật gù ra vẻ đắc chí:
- Ngày xưa chúng mình nghịch thật, nhưng rất vui và vô lo, chứ không phức tạp như bây giờ.
- Cậu lau tay đi rồi ăn cái này!
- Sao lại có kem nữa?
- Mình nhờ Hồng Thu mua đấy. Cậu nhớ không, hồi đó hai đứa mình thường ăn chung một cây cà lem. Cậu thích kem sầu riêng còn mình thì thích đậu xanh nên mình hay nhường cho cậu chọn. Đến lúc ăn, mình chỉ giả vờ liếm qua rồi để cho cậu mút. Vậy mà cậu cũng phát hiện ra và la mình: “Cậu ăn bạo vào, cậu mút như thế làm sao tớ dám cắn miếng to chứ?”. Mười mấy năm qua mình vẫn nhớ những kỷ niệm này.
Thầy Hoàng rất cảm kích trước tấm lòng của bạn. Anh không hề khuyên giải gì trước nỗi buồn to lớn của  thầy, nhưng lại là liều thuốc thật hữu ích khi anh giúp thầy sống lại tuổi thơ; một thời hồn nhiên, vô tư, chỉ sống cho hiện tại.
***
Những cơn gió chiều mát rượi lướt qua, vuốt ve vầng trán lấm tấm mồ hôi. Trong mớ tóc đang mết vào trán, một vài sợi đã bật ra phất phơ theo gió. Sự âu yếm của thiên nhiên đã giúp thầy Hoàng tỉnh giấc. Mùi rơm thoảng nhẹ làm thầy muốn kéo dài giấc ngủ để mơ về tuổi thơ. Thịnh ngồi kế bên thấy bạn ngọ ngoạy thì mỉm cười quan tâm:
- Cậu tỉnh rồi à? Dậy uống miếng nước dừa cho khỏe, dừa ở đây ngọt lắm cậu ạ!
Thầy Hoàng uể oải ngồi dậy, lấy tay vỗ vỗ trán nói:
- Gió mát, ngủ ngon thật. Mình cám ơn cậu về chuyến đi này.
- Chúng ta là bạn bè, cậu đừng nói thế. Chuyện của cậu cũng là chuyện của mình. Này, uống nước dừa đi cho khỏe, mình phải đi mãi đàng kia mới tìm được nhánh trúc làm ống hút đấy.
- Cần gì, cậu bày vẽ quá!
- Cậu quên à? Ngày xưa, tụi xóm trên phục cậu sát đất, chúng đặt cho cậu biệt danh là “Hoàng bác học”, vì cậu là người đầu tiên trong nhóm đã nghĩ ra cách lấy nhánh trúc làm ống hút đấy.
- Cậu nhớ được nhiều chuyện thế à?
- Mình vẫn nhớ như in ấy. Nhưng có điều mình muốn nói với cậu: Ngày xưa, cậu là người mạnh mẽ, thông minh và nhanh nhạy nhất trong bọn, nên mình nghĩ cậu sẽ vượt qua được biến cố này. Mình sẽ cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời cho cậu.
- Cám ơn cậu, mình đã thấy nhẹ đi rất nhiều rồi. Nhớ ngày xưa hai đứa mình cùng ước mơ làm bác sĩ để cứu giúp bệnh tật cho mọi người. Rồi bây giờ chúng ta lại có chung ước nguyện hiến thân phụng sự Chúa và loan truyền danh Chúa để mọi người được cứu độ. Mình quyết theo Chúa đến cùng, nên cậu cứ yên tâm.
- Mình tin cậu.
- À! Khi nào cậu đi?
- Lần này mình về định tìm nơi lập “huynh đoàn”, bởi mình thấy cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội Việt Nam còn mênh mông quá. Cậu thấy thế nào, nếu mình dùng phương pháp cầu nguyện Taizé để truyền giáo?
- Ồ! Sáng kiến hay đấy! Hiện thời, cầu nguyện Taizé ở Giáo Phận Sài Gòn này đang thu hút khá đông giáo dân tham dự. Một số Giáo Phận cũng có thực hiện, nhưng chưa phổ biến lắm. Hồi còn ở Đại chủng viện Thánh Giuse, mình có nghe cha phụ trách bảo: rất nên phát triển phong trào này. Phần đông những người tham dự đều có nhận xét tương tự như sau: “Giờ cầu nguyện Taizé rất hữu ích và đánh động đối với những người tham dự, cách riêng là các bạn trẻ. Các bài đọc trong Tin Mừng, các Thánh Vịnh, Kinh Lạy Cha… các bài hát nhẹ nhàng, tiết tấu chậm rãi, lời cầu nguyện ngắn gọn được dùng trong giờ cầu nguyện Taizé rất thực tế, dễ hiểu mà sâu sắc.  Điểm độc đáo gây ấn tượng và cảm động nhiều hơn cả, có lẽ là vào cuối giờ cầu nguyện, những người tham dự được mời cầm lấy ngọn nến nhỏ của mình, tượng trưng cho những niềm vui, nỗi buồn, thử thách, hy vọng, đắng cay trong cuộc sống để mang lên cung thánh, ngồi với nhau thành vòng tròn. Ở giữa họ là cây Thánh Giá lớn được sắp bằng nến của những người tham dự. Mọi người cùng hiệp thông trong thinh lặng, với tâm tình cảm mến và thờ lạy. Những phút giây này thật trái ngược với đời sống thường nhật mà họ luôn phải đối diện, bầu không khí thân mật đem lại cho họ cảm giác của con người tự do, có khả năng lột bỏ mặt nạ và chia sẻ những tâm tình sâu kín nhất. Hiệu quả là sau những lần tham dự giờ cầu nguyện Taizé, cuộc sống của một số người được biến đổi.
Thầy Hoàng kể cho mục sư Thịnh những kết quả khả quan thầy đã ghi nhận được, bạn thầy liền trả lời:
- Đó là nhận định chung của các nhóm cầu nguyện Taizé cậu ạ. Có một số anh chị em tôn giáo bạn, lúc đầu họ đến tham dự vì hiếu kỳ, nhưng sau thấy hay nên đến dự thường xuyên và cũng có nhận định tương tự như vậy. Ngày xưa, chính mình cũng thấy như thế. Còn bây giờ, mình cảm nhận rõ hơn sự hiện diện và ơn ban của Đức Thánh Linh nơi các thành viên tham dự; cũng như năng lực biến đổi siêu vượt của Lời Chúa. Vì thế, mình không ngần ngại đi bất cứ nơi đâu, khi được mời đến thiết lập những nhóm cầu nguyện Taizé. Mình ước mong cho mọi người được tin nhận biết Chúa để được cứu độ.
***
Nói về việc truyền giáo, Thầy Hoàng rất phục tinh thần truyền giáo của bạn. Thỉnh thoảng anh được về nước, nhưng có nơi nào mời là anh hăng hái lên đường, không ngại đường xá xa xôi, gian nan, vất vả với những chuyến hành trình dài, kể cả lên những vùng Cao Nguyên. Anh luôn ước mong được mang Lời Đức Chúa Trời đến khai sáng cho các anh chị em dân tộc thiểu số. Anh còn vận động mọi người trợ giúp tài chánh cho việc “Học hỏi Lời Chúa” trong một số giáo xứ nghèo của Công Giáo. Có năm, anh gửi cho thầy Hoàng gần một nghìn quyển Kinh Thánh Tân Ước Công Giáo loại nhỏ, để thầy chuyển đến cho các giáo xứ vùng sâu vùng xa. Cũng có đôi lần thầy Hoàng tỏ ra ái ngại, anh nói:
- Cậu nghĩ ngợi làm gì, Kinh Thánh  nói: “Dù thế nào đi nữa, miễn sao Chúa Cứu Thế được rao truyền thì tôi vui mừng” ().
Suốt thời gian bước theo lời mời gọi của Chúa cho đến nay, thầy Hoàng luôn được “truyền lửa” từ nhiệt huyết truyền giáo của anh bạn mục sư này. Có thể nói rằng, Chúa đã dùng anh để làm mẫu cho sứ vụ mà Chúa muốn trao cho thầy.
Có lần thầy Hoàng thấy anh phờ phạc và sút hẳn vì những chuyến đi dài, nên nhắc khéo thì được bạn trả lời:
- Phải! Phải! Chính vì “nhiệt tình nhà Chúa đã thiêu đốt tôi” (). Hơn nữa, Kinh Thánh nói: “Về phần tôi, tôi rất vui lòng tiêu phí của cải và phí cả chính mình tôi nữa vì linh hồn anh chị em” (). Đó chính là ước nguyện của mình nên mình luôn cố gắng hết sức có thể.
***
Qua lời nhận định của mục sư bạn về kết quả khả quan của phương pháp cầu nguyện Taizé, cũng như sáng kiến cho nhiệt huyết truyền giáo của anh, trong trí thầy Hoàng bật lên một câu hỏi: “Phải chăng, gia nhập Tu Hội Đại Kết, để phổ biến phương pháp cầu nguyện Taizé trong công cuộc truyền giáo tại Việt Nam, là “mùa vụ mới” mà Chúa muốn trao cho con?”.
Thấy thầy Hoàng ngồi thẩn thờ, mục sư Thượng lên tiếng:
- Cậu đang nghỉ gì thế?
- À…Mình…mình cũng có ước nguyện như cậu. Mình nghỉ, nên phổ biến rộng rãi phương pháp cầu nguyện Taizé, vì đây sẽ là một trong những phương thế truyền giáo hữu hiệu hiện nay.
Khi về đến chủng viện, thầy Hoàng đã báo cho gia đình việc hoãn phong chức của thầy. Hôm sau, thầy xin đến một đan viện để tĩnh tâm tìm ý Chúa về “sứ vụ mới” mà Chúa vừa khơi gợi. Trong những ngày đó, thầy tắt điện thoại, không liên lạc cũng không gặp gỡ ai, suốt mấy ngày liền, thầy chỉ lo cầu nguyện.