Về Với Mẹ

HKN
Mã số: 17-069
 
- Bố thương con mà!
Mắt Lam bật lên ánh nhìn lấp lánh, gợn một chút hi vọng và bình an khi nhìn thấy anh, cho dù phần bình an đó được giấu kín trong hàng vạn lớp đớn đau mà Lam phải chịu. Câu nói của anh như liều thuốc bổ chất lừ xoa dịu tâm hồn Lam sau một khoảng thời gian dài u uất. Bất chợt, Lam rơi nước mắt, những giọt nước mắt của sự hạnh phúc dâng trào từ đáy lòng khao khát ước mong.
Phía ngoài xa, trăng rơi đầy mặt biển. Lam ngậm ngùi nhìn biển rồi nhìn anh, cô cảm nhận Mẹ đang ở thật gần và nhẹ nhàng an ủi cô.
*
* *

Lam dân vùng biển, nơi khúc ruột miền Trung. Cả làng cô sống bằng nghề chài lưới. Đêm về, nhà nhà lại chong đèn giữa biển khơi vì vậy ai cũng mặn mùi biển, da thịt rin rít sạm đen. Dẫu cho người dân đầu tắt mặt tối ngoài khơi, cuộc sống trong làng vẫn cứ bấp bênh, bữa đói bữa no, khó khăn lắm mới có được của dư của để. Năm nào biển động nhiều, bão đua nhau vào làng thì vất vả hơn. Mùa bão về, trên bến đầy ắp tàu thuyền neo đậu, chúng nằm yên đấy nghe tiếng biển thét gào vang vọng khắp nơi.
Cuộc sống của Lam được ướp bằng vị mặn của muối, của những mắt lưới bắt cá, vừa gỡ vừa chờ cha, chờ chồng về từ những chuyến khơi xa. Cũng nhờ ngóng trông vậy, Lam mới quen biết và cưới anh. Từng ngày anh ngoài khơi dài đăng đẳng như đợi ngày được bước vào nhà thờ để làm đám cưới lúc thuở còn yêu. Anh đi vậy, Lam chẳng chút yên lòng.
Lam vẫn còn nhớ như in mọi thứ. Năm đó cô còn nhỏ lắm, biển động, gió giật mạnh nên không ai đi biển được. Nghe tin bão tan, mọi người liền hồ hởi ra biển, hy vọng kiếm được nhiều cá bù lại cho những ngày sóng lớn đã qua. Ba và anh hai Lam cũng đi. Thiên nhiên mà, rộng lớn bao la, con người lại nhỏ bé giữa trùng khơi. Ai ngờ được, bão còn, gió cuồn cuộn thổi mạnh hơn lần trước. Mẹ, Lam và hai đứa em ngồi co ro trong nước mắt, chỉ biết lần chuỗi và đọc kinh. Gió giật từng cơn như muốn cuốn phắt đi mái nhà ủ dột trên đầu Lam. Gió như xé nát cõi lòng sợ hãi trong đêm tối. Trong tiếng thét của biển, Lam nghe tiếng bước chân dồn dập rồi tiếng gõ cửa, tiếng hét của anh hai. Những lời anh hai nói hôm đó vẫn ám ảnh Lam mãi đến bây giờ: “Sóng đập lật thuyền, cha mất tích rồi”. Ngay lúc đó, Lam mới cảm nhận được rõ, nhà Lam đã thực sự mất đi tấm mái duy nhất để chở che. Đóng sầm cảnh thê lương ấy là tiếng khóc than của gia đình Lam, lẫn với tiếng gió cuộn tiếng sóng đầy bi ai trong một đêm dông bão.
Nhưng bây giờ, cảm giác không yên lòng như ngày trước đã vụt mất. Cách đây mấy tháng, cả làng Lam náo loạn. Cá, tôm nỗi bồng bềnh trên biển rồi dạt vào bờ, dạt vào làng Lam. Khung cảnh tang thương lạ lẫm chưa ai thấy bao giờ. Người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ, nhưng không phải khóc cho người thân, cho con người mà là khóc cho những sinh linh nhỏ bé đang nằm lênh đênh trên mặt nước, nằm bất động trên bờ. Vài ngày sau, gió đưa những mùi ươn tanh hôi thối vào làng, mùi sộc vào mũi khiến mọi người khó chịu. Có người đã ôm con và gia đình bỏ đi nơi khác, người thì dự trữ thức ăn trong nhà rồi đóng cửa suốt ngày. Chợ búa vắng teo, bến cá cũng thôi hoạt động. Chẳng còn ai đi biển. Cá không bán được, muối, mắm thương lái chẳng thu mua. Đã vậy những thực phẩm khác lại tăng vọt chóng mặt. Biển không bão nhưng bến cảng vẫn lắm thuyền neo yên.
Dịp đó, báo đài dậy sóng, đưa tin rầm rộ mấy tháng liền, nhưng một vài sự thật vẫn bị che đậy. Nghe đâu, do cái nhà máy sau hòn đảo trước mặt làng Lam gây nên. Những độc tố sinh học hay kim loại nặng cứ ồ ạt xả xuống biển. Một thời gian dài đã ngấm vào mọi thứ dưới nước và gây nên hậu quả như bây giờ.
Được một thời gian, mọi thứ trong làng cũng trở lại ổn định hơn chút. Mọi người không bám được biển, chính sách đền bù lại không thỏa đáng nên phải tìm cách khác để mưu sinh. Nhưng ngược lại, một số gia đình trong làng lại khác đi, lâu nay êm ấm giờ thì điêu đứng, dễ đỗ vỡ trong cuộc sống gia đình. Gia đình Lam không phải là ngoại lệ. Cha xứ đang tìm mọi cách để níu kéo và gìn giữ hạnh phúc cho các tổ ấm của đoàn chiên mình.
“Con nghe nói, con Tư Thảo ôm con đi khỏi xứ rồi cha ạ! Chồng nó giờ cứ số đề miết thôi. Thằng Ba Xuân nghe đâu cũng nợ nần chồng chất!”- Ông biện xóm Thánh Tâm vừa rót trà vừa báo cáo tình hình của khu giáo mình cho cha xứ.
Cha Thiện lắc đầu, gương mặt hằn nét suy tư. Không phải cha muốn buông xuôi nhưng cha cảm nhận được gánh nặng đang đè lên đôi vai mục tử của cha ngày càng nhiều. Người dân làng chài này vốn hiền lành và bình dị lắm nhưng sao bây giờ lại khác đi, cách xa Chúa như vậy. Cha đưa mắt nhìn về phía biển như muốn nói điều gì. Như tự nhủ phải vững vàng để giữ lấy những điều tốt còn sót lại và tìm hướng giải quyết cho bà con nơi đây.
*
* *
Xế chiều, trời vẫn còn một vài chùm nắng héo, chồng Lam lại say:
- Dương! Mi mô rồi! Mua cho tau hai chai nữa coi.
- Hắn đi nhà thờ rồi nỏ ai mua mô. Uống chừng nớ là đủ rồi! – Lam buông tiếng thở dài, trả lời chồng.
- Lại nhà thờ, lại Chúa, lại Mẹ. Chúa Mẹ nặng tai lắm, kêu xin nỏ chịu nghe… tới mần chi nữa – Anh lải nhải trong hơi men như trách móc – Chúa ơi! Chúa trả cá, trả biển lại đây đi.
Lam bỏ dở mớ rau đang làm, chạy đến bịt chặt miệng chồng:
- Phạm thánh đấy nghe chưa, người ta nghe được là chết bố anh đó?
Anh kéo tay Lam ra khỏi miệng:
- Tau cứ nói đó... Tau nỏ sợ ai hết!
Lam nhìn anh lắc đầu ngao ngán rồi mím môi thở dài. Cô trở về bên mớ rau đang làm mặc cho tiếng chửi đổng vẫn dội ngược vào tai. Đây chỉ là một phân đoạn trong những chuỗi ngày say khướt sớm chiều mà Lam phải gánh chịu. Trong tâm thức, Lam hiểu vì sao anh thay đổi như vậy. Hoàn cảnh đưa đẩy, số phận run rủi dù muốn thoát ra nhưng không dễ. Cũng như bao người dân làng chài, anh bị sốc trước thảm cảnh quê hương bởi con thuyền lớn anh vừa mua được sau bao năm tích góp giờ chỉ neo yên nơi bến. Những lần Lam và con đưa tiễn anh trước chuyến đi lâu ngày, những đầu sóng ngọn gió ngoài khơi xa đối với anh giờ sao quá xa vời. Anh nhớ cái tấp nập của bến cảng mỗi khi tàu thuyền trở về, những lần chở Lam ra tận xã bên để bán những con cá được giá. Những hình ảnh đó vụt tắt quá nhanh khiến lòng anh trống vắng. Anh cần một cái gì đó để giải khuây. Nhưng anh đã sai khi tìm đến rượu.
Chiều qua, Lam nghe đứa con gái lớn nói mấy câu mà lòng bứt rứt. Đêm về, cô chỉ biết nằm nghiêng quay lưng vào con. Lam không muốn con thấy cô buồn, mắt cô sưng húp vì khóc, vì thương. “Mẹ cho con nghỉ học đi! Con vô thành phố làm việc kiếm tiền để nhà mình đỡ khổ hơn”. “Không! Cả đời mẹ bám biển để nuôi con, giờ người ta trở mặt với biển, con phải học để cứu biển, cứu cả nhà mình”. Nói xong, Lam quay lưng đi vào nhà. Lam sợ ánh mắt thất vọng của con, sợ giọt nước mắt đã ứa ra nơi khóe mắt của cô bé.
Sau những lúc như vậy, Lam chọn bóng tối làm chỗ ẩn nấp lý tưởng để rơi nước mắt! Trong tấm màn đen lớn ấy, cô như lẩn trốn mọi thứ, chỉ lần chuỗi và khấn xin Đức Mẹ. Lam để mặc cho những giọt nước mắt cứ tuôn vì chẳng ai nhìn thấy. Cô muốn chịu đựng một mình, không muốn ai hiểu quá rõ về cảm xúc của bản thân! Đúng là Lam buồn vì chồng hời hợt thiếu trách nhiệm, dửng dưng với gia đình. Nhưng ai thấu được ngay lúc đó, trái tim cô cũng đau da diết vì cảm thấy bất lực khi không thể thay đổi được gì cho cuộc sống hiện tại. Đâu phải lúc nào cô cũng mạnh mẽ? Chẳng qua là chưa tới lúc để gục ngã.
* * *
Xứ đạo của Lam chuẩn bị mừng Lễ bồn mạng Đức Mẹ Fatima.
- Tôi biết bà con đang phải đối mặt với những khó khăn rất lớn nhưng tôi sẽ cố gắng giúp mọi người có một ngày lễ bổn mạng giáo xứ ấm cúng. Hy vọng năm sau, kỉ niệm một trăm năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, xứ mình sẽ làm lễ to hơn.
Cha Thiện vừa động viên vừa phát động chương trình để chào đón đại lễ của giáo xứ. Cha muốn các hoạt động ấy có thể an ủi bà con trong xứ phần nào. Nhiều chương trình diễn ra cùng lúc cho mọi người tham dự và sẽ kết thúc bằng một Thánh Lễ trọng thể để tổng kết. Cha cũng hứa sẽ cố gắng giúp cho xứ đạo một điều rất đặc biệt trong ngày hôm đó.
Ngày hôm sau, ông trùm Nhiệm dán một thông báo lớn trước bản tin nhà thờ. Thông báo gồm nhiều mục: sinh hoạt, từ thiện và đạo đức thiêng liêng cho bà con. Như mọi năm, Quỹ “Mẹ biển cả tình thương” cho các gia đình khó khăn sẽ được thực hiện. Đặc biệt hơn năm nay có thêm cuộc thi viết cho các em thiếu nhi với chủ đề “Về với Mẹ” để khuyến khích tinh thần hiếu học vốn có của các em trong giáo xứ.
Những phong bì hình chiếc thuyền như giấc mơ được sớm căng buồm ra khơi vừa được mấy người trong ban hành giáo khẩn trương thiết kế và in ấn xong. Các ông biện liền chuyển đến từng gia đình trong khu giáo. Vốn dĩ, cha Thiện biết quỹ phát động năm nay sẽ ít hơn mọi năm nhưng cha vẫn phải tổ chức. Cha hiểu được sự quan tâm chia sẻ là rất quan trọng trong những lúc như thế này. Dù ít ỏi nhưng đủ để giúp bà con sống luật yêu thương giữa bộn bề của cuộc sống, giúp họ biết đồng lòng để vượt qua khó khăn.
Những ngày cận kề đại Lễ, dù vẫn còn buồn biển, buồn cuộc sống nhưng cả xóm đạo cứ rôm rã, nhộn nhịp như ngày Tết. Đức tin của bà con khiến họ quên đi những vất vả đeo bám họ lâu nay. Mỗi người một công việc, ai nấy đều chạy nước rút trong những khâu cuối cùng. Số ve chai thu gom đã được bán để đưa vào qũy quyên góp. Những phần quà được xếp gọn gàng trong hội trường của giáo xứ chỉ chờ ngày trao tay. Các bà trong hội Hiền Mẫu loay hoay quét dọn khuôn viên giáo xứ. Mấy ông trong ban hành giáo chăm chút từng chậu hoa, treo lên những dây cờ rực rỡ khắp nhà thờ để chuẩn bị cho Thánh Lễ.
***
Ngày bổn mạng Đức Mẹ Fatima cũng đến. Giờ chầu kết thúc Tuần Cửu Nhật dâng lên Mẹ hiệp ý cầu nguyện cho giáo xứ vừa xong. Cha Thiện đi dọc hành lang nhà thờ, tay cầm tràng hạt Mân côi. Ông Khánh trưởng ban giáo lý giáo xứ chạy vào tìm gặp cha.
- Mấy bữa trước cha nói sẽ tới nhà mấy em đạt giải cao của cuộc thi viết, mời phụ huynh tham dự lễ trao giải, con tới chở cha đi.
Cha Thiện gật đầu như hiểu ý rồi bảo ông Khánh đợi tí. Cha quay vào nhà xứ khoác vào bộ đồ lịch sự có gắn cổ côn rồi lên xe ông Khánh. Làng chài một thời tấp nập, ồn ào trước mắt cha bây giờ có vẻ yên ắng hơn. Thoảng trong nắng chiều là tiếng gió khẻ rít qua những hàng dương đang chao nghiêng nhìn biển.
Chuyện gia đình Lam, cha Thiện cũng nghe phong phanh từ lâu. Những lần hai vợ chồng lời ra tiếng vào, mọi người đều bàn tán. Không ít thì nhiều nội tình cứ thế mà đến tai cha. Được dịp này, Cha muốn giải quyết cho yên chuyện.
- Anh chị Bình Lam có ở nhà không? – Xe dừng trước cổng nhà Lam. Tiếng ông Khánh ngoài cổng gọi vọng vào.
Lam chạy nhanh từ trong nhà ra phía trước rồi khép nép cúi mình: “Dạ! Con chào cha, con mời cha vô nhà ạ!” .
Lam đưa tay pha lấy ly nước.
- Anh Bình mô rồi? Tôi muốn nói chuyện với anh – Cha nói.
Lam thảng thốt. Những ý nghĩ lo sợ toát lên trên khuôn mặt tròn, tái ngắt.
- Dạ! Chồng con ở sau nhà, để con đi kêu.
Lam chạy ngay xuống bếp. Nghe thấy giọng cha, chồng Lam đã luống cuống đứng dậy từ lúc nãy. Một gã say hung hãn thường ngày chợt biến đâu mất. Anh đưa tay giấu chai rượu đang uống dở vào sau cánh cửa khép hờ. Anh cố tỏ vẻ tĩnh táo để bước lên nhưng giọng nói vẫn lè nhè ám đầy mùi rượu:
- Con chào cha! Cha muốn tìm con ạ? – Anh đưa tay gãi đầu, gãi tai.
- Tôi không nói vòng vo với người say. Anh đọc cái ni đi rồi biết, làm cha, làm chồng mà như rứa đó?
Nhận lấy tờ giấy từ tay cha, con mắt lờ đờ do men say của anh giờ căng lên một tí, cố đọc những dòng chữ trước mặt. Lam cũng ghé mắt vào tờ giấy trên tay anh. Từng nét chữ quen thuộc được nắn nót cẩn thận:
Thư gởi Đức Mẹ của con!
Mẹ vẫn khỏe chứ? Con nghĩ Mẹ bận rộn ban phước cho mọi người lắm nhỉ?
Mẹ ơi! Bây giờ con đang buồn lắm nên con muốn viết vài dòng cho Mẹ.
Gia đình con không còn hạnh phúc như xưa nữa rồi, từ ngày cá biển chết đi, môi trường ô nhiễm, bố con không còn đi biển, bố cứ say rượu suốt ngày. Trong nhà lúc nào cũng nghe tiếng cãi vả, chửi rủa. Con thấy xấu hổ với mọi người và bạn bè của con lắm. Con không làm được gì ngoài đi Lễ và cầu nguyện với Chúa, với Đức Mẹ mà thôi.
Xin Mẹ thương gia đình con, ban phước lành để bố con thay đổi, không uống rượu để thương mẹ và chị em con. Xin Mẹ cho người ta không còn làm chết cá của làng quê con nữa.
Con xin lỗi vì không kể chuyện vui mà kể câu chuyện buồn của gia đình con cho Mẹ nghe. Con hứa với Mẹ sẽ đọc nhiều kinh Kính Mừng để Mẹ vui và thương gia đình con hơn. Xin Mẹ nhậm lời con.
Con của Mẹ
Dương.”
Lam buông thỏng người quay sang nhìn anh. Cha tiếp lời:
- Con của anh viết đó, tôi tới đây để mời hai vợ chồng tối ni đi coi con bé nhận giải, tiện giải quyết chuyện ni luôn… Anh hiểu hết chưa, xứng đáng với con mình không, xem lại mình đi, chứ sống rứa… nỏ tốt đẹp chi.
Giọng cha nghiêm nghị không cáu gắt, không quá trách móc nhưng khiến lòng anh thổn thức. Anh không đáp trả, cứ ngồi im lặng để những lời của cha rót hết vào tai. Những lời Cha nói không sai, nhưng hoàn toàn lỗi không phải do anh. Anh biết, anh hiểu nhưng anh không thể bào chữa được ngay lúc này. Những lời tâm sự của con, câu nói vô tình của cha cứ xuất hiện trong đầu như đang kéo anh trở lại thực tế mà anh không muốn đối diện. Ngồi được một hồi lâu, anh đứng dậy bỏ ra ngoài.
Lam chới với đuổi theo nhưng cha ngăn cản: “Không sao đâu, thằng Bình cần thời gian, cần ở một mình để suy nghĩ mọi thứ. Con cứ mặc kệ hắn đi”. Lam cúi gằm mặt xuống đất:
- Con xin lỗi cha, con thấy xấu hổ quá!
- Không sao cả. Mỗi nhà mỗi cảnh thôi. Cứ cầu nguyện thêm cho hắn là được. À! Còn chuyện ni nữa. Con nhắn cho thằng Bình chuẩn bị đi làm nơi xí nghiệp Lộc Phát ở tỉnh bên, công việc khuân vác thôi, sau ni mới học thêm một vài cái khác, lương cũng ổn định, chứ ở nhà miết là sinh chuyện. Làng mình có tới ba chục người đi nên cũng được rồi, coi như là quà đặc biệt cha dành tặng cho bà con.
Lam hấp háy mắt vì bất ngờ, gương mặt cô giãn ra. Từng lời của cha làm cô ấm lòng dù sự tủi buồn vì hoản cảnh gia đình vẫn còn đó.
Nói xong mọi chuyện cha tất bật đi về, cái dáng của vị chủ chăn chân chất, lam lũ nhưng thấm đẫm tình người khuất dần trong ánh chiều dần buồng. Lam chợt nhận ra đâu đấy trong căn nhà nhỏ có tiếng nước mắt đang rơi. Dương đang thút thít sau tấm phản ngăn với phòng khách.
*
* *
“Được rồi! Ta sẽ ban cho xóm đạo các con được bình yên, cá tôm sẽ sớm sinh sôi trở lại nơi vùng đất biển này. Nhưng các con phải sống hòa thuận và yêu thương nhau và đặc biệt phải siêng năng lần chuỗi để cầu nguyện cho hết thảy mọi người” – Đức Mẹ nói xong rồi biến mất theo làn khói mờ.
“Dạ! Chúng con xin hứa” – Ba đứa bé đồng thanh đáp.
Vỡ kịch Đức Mẹ hiện ra ở Fatima đã được sửa lại cho phù hợp với thời cuộc của giáo xứ kết thúc. Dù chỉ là đang xem nhưng Lam tin lời Đức Mẹ bởi hằng ngày cô vẫn lần hạt để cầu nguyện cho chồng con và mọi người. Lam hy vọng anh sẽ hiểu hết lời của cha đã nói lúc chiều để thay đổi, bỏ rượu, yêu thương mẹ con cô như lúc trước và cố gắng làm ăn như mọi người.
Buổi lễ tổng kết vừa xong. Mọi người cười nói cùng nhau ra về. Người ta không ngớt lời khen lấy con của Lam. Lam cũng vui nhưng chẳng phấn chấn gì nhiều. Từng bước chân nặng trĩu thả xuống đất, lòng Lam vẫn bồn chồn khó tả. Trong mớ âm thanh hỗn độn của đám đông đưa tới, Lam nghe thấy tiếng người quen thuộc gọi tên mình và con. Lam quay đầu. Anh đang đưa mắt nhìn hai mẹ con.
Dương liền chạy đến và ôm lấy anh. Đôi bàn tay nhỏ bé xiết chặt ngang hông như sợ anh sẽ rời bỏ nó: “Đức Mẹ thương con, bố không thương con hả?”.
Anh nhìn sâu vào tận đáy mắt của Dương, ánh mắt khao khát niềm hạnh phúc bấy lâu giờ mới có được. Anh nói thật khẻ:
- Bố thương con mà!
Giọng anh nghẹn đắng nhưng lòng Lam lại rộn ràng. Những ánh mắt long lanh trao nhau như hiểu thấu tất cả mọi suy nghĩ đang chợt đến. Dương đưa cho anh món quà vừa nhận được là bức tượng Đức Mẹ nhỏ xinh rồi ép mình thủ thỉ vào tai anh: “Đức Mẹ cũng thương bố nữa đó”. Dương mỉm cười mãn nguyện.
Hình ảnh hai cha con mờ đi trong màn nước mỏng. Lam đưa đôi mắt ướt nhìn về phía biển. Ánh trăng bàng bạc đắm mình giữa mặt nước mênh mông. Biển lúc nào cũng rộng lớn, trải dài để ôm trọn mọi vật. Tình Chúa, tình Mẹ dành cho con người lại càng vĩ đại hơn. “Người yêu thương họ đến cùng” (x. Ga 13,1). Lam biết, đêm nay, Mẹ đã làm phép lạ trên gia đình cô.