Miền Đất Hứa

HKN
Mã số: 17-083
 

Nắng chiều hè oi bức, hậm hực trút cơn lửa giận lên toàn cõi nhân gian. Phía đằng Tây ráng chiều đỏ rọi, mặt trời như quả cà chua chín nẫu, lửng lơ chưa chịu rụng. Tường đứng trên sảnh tầng cao nhất của sân bay ngắm hoàng hôn qua lớp kính trong suốt. Năm năm rồi Tường mới lại được ngắm nhìn bầu trời quê hương. Cái bầu trời với những dải mây u ám, xám xịt, lặc lè gánh gồng xô đẩy nhau cảm giác như thể đưa tay ra là chạm đến da trời ram ráp, xù xì như bàn tay nứt nẻ, thô kệch của mẹ Tường mỗi khi trời trở gió. Đôi bàn tay mà mỗi lần áp lên má mình, đôi mắt Tường lập tức nhắm tịt lại chỉ để ngăn không cho dòng nước mắt nóng hổi chực trào ra. Đôi bàn tay đã khiến Tường quyết tâm rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn để sang đất nước Nhật Bản xa xôi mang theo khát khao sẽ tìm thấy “Miền Đất Hứa”. Nơi Tường nghĩ sẽ có những dòng sông trong vắt uốn lượn, những chú chim bồ câu chẳng nhát người và những chiếc bánh mì trắng phau từ trên trời rơi xuống không bao giờ cạn như niêu cơm Thạch Sanh. Miền Đất Hứa của Moise, Tường đã mặc định nó chính là bầu trời Tokyo xanh trong, mềm mại. Dưới bầu trời ấy Tường mơ mình nằm gối đầu lên đùi mẹ bên gốc cây thông già cao lớn xòe ra những tán lá xanh rì, bàn tay mẹ nhẹ vuốt tóc cậu, làn gió dìu dịu thổi qua tai cậu những bản nhạc không lời du dương, dòng sông nước chảy êm đềm như những mạch máu muôn đời dưỡng nuôi thân xác nhân gian. Và cậu sẽ trở lại là chú mục đồng ngày ngày ngồi vắt vẻo trên lưng trâu thả diều, thổi sáo, hát những bài Thánh ca hân hoan: “Trong trái tim Chúa như nôi hồng con xin được như bé ngủ mơ, một giấc mơ, nghìn giấc mơ những giấc mơ ấm êm tuổi thơ…”. Cậu cứ hát, hát mãi, hát mãi cho đến khi giấc mơ dịu lại.
Nắng chiều dần tắt, từng đàn chim nối đuôi nhau tìm đường về tổ, Tường xốc lại balo kéo vali rời khỏi sân bay, lòng thầm nhủ: “Về nhà thôi”.
Người lái xe taxi trạc ngoại ngũ tuần, làn da cháy nắng, mái tóc lưa thưa lốm đốm bạc, gương mặt nhăn nheo trông rất khắc khổ. Cái khắc khổ lây lan sang cả từng đồ vật, từng bộ phận trong chiếc xe có phần cũ kĩ này. Nhưng chính thế lại khiến Tường có cảm giác gần gũi, thân thuộc.
Ngồi trên xe Tường chăm chú nhìn cảnh vật hai bên đường. Qua một lần cửa kính, tất cả dường như được phủ một lớp sương mờ ảo. Đường từ sân bay về nhà Tường là đường ven đô, bởi vậy hai bên là cánh đồng lúa với những vệt vàng vệt xanh chạy đến tận chân trời. Trên cánh đồng ấy bầu trời đột nhiên như cao hơn, xanh trong hơn và vạn vật đều trở nên yên bình hơn, những dải lúa uốn lượn nhè nhẹ cho cậu biết có ngọn gió nào vừa thổi qua. Người nông dân vẫn hăng say làm việc. Thảng mới thấy bóng một con bò vàng lững thững bước nhẹ trên con đường dẫn về thôn làng lấp ló đằng xa. Mỗi lần như thế Tường lại áp mặt vào cửa kính, căng mắt ra nhìn như tìm kiếm một điều gì đó. Mãi cho đến khi bóng dáng con vật khuất dạng, cậu mới quay mặt lại nở một nụ cười vu vơ. Không ai biết cậu đã khám phá ra bí mật gì trong cái cảnh bình thường tẻ ngắt của nhân gian kia. Ông lái xe già nhìn cậu thích thú nhưng vẫn bảo toàn thái độ im lặng từ đầu đến cuối. Có lẽ ông nghĩ đối với một thế giới nội tâm ngây thơ, yên bình như thế thì chỉ cần buông một tiếng nói nhỏ thôi cũng là một sự xúc phạm ghê gớm. Trên chiếc xe này ông đã từng đón đưa biết bao đứa con xa quê trở về nhà. Nhưng một tâm hồn muốn ôm trọn đất mẹ như thế này lần đầu tiên ông được chứng kiến. Ông đoán hẳn cậu ta phải được sinh ra trong một gia đình tử tế lắm, được yêu thương che chở nhiều lắm mới có được một trái tim đáng quý đến vậy.
Chiếc xe rời đường quốc lộ đi vào đường đê. Hai bên đường nhà cửa san sát. Bầu trời lúc này như chiếc mũ màu ghi phủ lên mặt đất một màu nhờ nhợ. Âm thanh trong trời chiều lộn xộn: tiếng ếch kêu, tiếng quạ khóc, tiếng chó sủa, tiếng gà gáy, tiếng người huyên náo… Tất cả như một bản Thánh ca của sự sống. Tường căng tai lắng nghe thứ âm thanh nguyên thủy nhất, thanh bình nhất, hạnh phúc nhất. Nó làm dậy lên trong tâm hồn Tường những xúc động trong trẻo kì lạ.
Và kia, cây bàng cô đơn gắn liền với tuổi thơ êm đềm, tươi đẹp của Tường đã hiện ra trước tầm mắt. Người dân làng cậu vẫn nói rằng mỗi khi đi xa trở về chỉ cần nhìn thấy cái dáng đứng thẳng, cô độc vươn đôi cánh tay dài ngoẵng lên bầu trời ngàn năm không đổi kia là biết rằng mình đã về tới mảnh đất quê hương yêu dấu. Tường nhớ ngày xưa đám trẻ chăn trâu làng Tường và đám làng bên vẫn thường phân bua nhau xem cây bàng ấy thuộc về làng nào. Phân bua gì mà đến sứt đầu mẻ trán. Kết quả là cây bàng ấy chẳng thuộc về làng nào cả. Nó nằm chính giữa con đường ngăn cách cánh đồng hai thôn. Ấy thế mà lũ trẻ làng Tường lúc đó còn không cam chịu đến nỗi có đứa tức giận cầm cuốc băm vào gốc cây. Từ vết chém mủ ứa ra ròng ròng trắng đục như dòng sữa mẹ. Thằng bé cầm cuốc lúc đó tên Tâm không biết vì lý do gì vừa nhìn thấy thế mặt nó liền tái đi, lập tức vứt cuốc bỏ chạy. Cả đám thấy thế cũng bỏ chạy theo.
Sau này lúc ngồi trong nhà thờ chờ vào xưng tội thằng Tâm ngồi bên cạnh Tường, thậm thụt hỏi: “Tội cuốc vào gốc cây thì bị phạt thế nào hở mày?”. Tường bối rối không biết trả lời bạn ra sao vì cậu chưa nghe thấy nói có tội này bao giờ. Lúc đó cậu chỉ biết có tội đánh người, chém người… chứ không hề biết chém cây cũng là tội. Tâm nhìn vẻ mặt ngơ ngác của Tường xong mặt nó cũng xị ra, nói: “Chắc phải lần hạt năm chục mỗi ngày trong vòng một tháng như chú tao mất thôi”.
Rồi nó bắt đầu kể bằng cái giọng rầu rĩ, thật thà rất trẻ con: “Hồi trước thằng Trâu (Thằng Tâm lúc nào cũng coi đám trâu bò lợn gà như người) nhà tao dứt sẹo chạy sang ăn vụng đống rơm nhà chú Hai tao. Chắc tại nó đói quá. Mấy ngày liền tao ốm, bố mẹ tao thì đi làm từ sáng tới tối không có thời gian đi cắt cỏ cho thằng Trâu nên nhìn thấy đống rơm nhà chú Hai thằng Trâu không nhịn nổi mới kéo đứt cả cọc nhảy sang ăn trộm. Chú tao đánh đuổi thế nào nó cũng không về. Chú tao tức quá vớ luôn cây cuốc chém một phát cụt nửa chân thằng Trâu. Thằng Trâu rống lên bỏ chạy nhưng không có chân nó ngã đổ uỳnh ra đất máu chảy đỏ lòm. Nó cứ nằm thế mà rống lên, chắc nó đau lắm. Tao nhìn thấy nó thế tao cũng khóc rống lên. Chú tao quát: “Im mồm, khóc cái gì mà khóc, tao còn chưa đánh cả nhà mày là may”. Tao sợ chú tao lắm, bố tao còn sợ nữa là. Tối bố mẹ tao về nhìn thấy thằng Trâu thế bố mẹ tao cũng khóc. Chú tao gọi người vào bán thằng Trâu. Đêm đó người ta vào làm thịt thằng Trâu ngay giữa nhà chú tao. Người ta đưa tiền cho bố tao rồi mang thịt thằng Trâu đi. Bố tao vừa cầm tiền vừa lẩm bẩm: “Sắp đến vụ rồi lấy gì mà cày”. Chú tao cười, tao thấy con trâu nhà chú tao cũng cười. Hôm sau chú tao đi xưng tội. Vừa ra khỏi cổng nhà thờ ông bảo với bố tao: “Cha bắt tôi lần hạt năm chục mỗi ngày trong vòng một tháng liền, phúc cho con trâu nhà anh”.
“Lúc tao chém vào gốc cây bàng nhìn thấy nhựa chảy ra tao tưởng tượng giống như lúc con trâu nhà tao chảy máu. Chắc là cây bàng cũng đau lắm, tao sợ quá mới bỏ chạy. Mấy thằng nghe tao hỏi đều bảo tao ngốc, cây thì làm gì biết đau. Mày nói xem có phải tao ngốc lắm không?”.
Cho đến tận bây giờ Tường cũng không làm sao quên được ánh mắt ngây thơ chờ đợi của thằng Tâm nhìn thẳng vào mắt Tường lúc đó. Và cũng cho đến tận bây giờ cậu vẫn không thể trả lời được câu hỏi rốt cuộc thằng Tâm có ngốc hay không. Tường chỉ biết khi thằng Tâm thất vọng vì không nhận được câu trả lời của Tường, nó cúi đầu thấp xuống tận ngực mãi lâu sau cũng không ngẩng lên. Cậu bé Tường lúc đó không đủ nhạy cảm để nhận ra rằng thằng Tâm đang nghĩ đến bố nó.
Bố thằng Tâm bị thiểu năng. Mùa vụ ông kéo cày đi theo đít con trâu, hết vụ ông theo vợ đi phụ hồ, đóng gạch, đánh giấy giáp… việc gì ông cũng làm và làm rất siêng năng. Cả làng gọi ông là chú Ngốc. Chú Ngốc thật thà chẳng bao giờ biết tính toán hơn thua được mất. Đi cày chú cày sâu bừa kĩ hơn người. Mọi người thích chú, ai cũng muốn mượn chú cày. Em trai chú Ngốc thì ngược lại. Dân làng hay bảo có bao nhiêu cái khôn nó dồn hết cho thằng Hai. Mẹ chú Ngốc thì nói: “Làm người khôn mới khổ chứ ngu ngu đần đần biết khổ là gì”. Ấy thế nên có cái gì ngon ngọt bà vun vén hết cho chú Hai. Mỗi khi có ai nói bà ăn ở bất công bà lại phân trần: “Lạy Chúa, đúng là mồm miệng quân ác quỷ, nào tôi lại nỡ lòng ăn ở bất công với con với cháu. Cái thằng đần thối kia nó sung sướng hết phần người khác. Bao nhiêu chuyện lớn chuyện bé trong nhà này thằng Hai nó phải gánh hết”. Và cũng bởi thế nên ngày nào người ta cũng nghe ông Hai đấm ngực kêu gào thảm thiết: “Lạy Chúa, tôi khổ quá”. Chỉ là “chuyện nhỏ nhặt như cơm bữa hàng ngày”. Chẳng hạn như đi cày, đáng lẽ phải đi ba mươi đường thì ông chỉ đi hai mươi sáu đường thôi vì sức trâu có hạn. Vợ ông đi bán chè khô, ông dạy vợ lúc pha thử cho khách thì phải pha loại hảo hạng, nước xanh, thơm, ngọt còn lúc khách gật đầu mua rồi thì lấy “hàng thật giá thật” cho khách. Khách pha lên thấy nước đỏ quạch như nước chè hâm lại. Vợ chú cười ý nhị: “Tiền nào của nấy”. Từ đó mỗi khi bà nội thằng Tâm kêu: “Thằng Hai nó khổ lắm”, mọi người cũng liền gật gù đồng tính: “Có thế thật, ngày nào nó cũng phải lo lắng suy tính làm sao ăn gian nói dối. Ngày nào cũng phải nghe người ta chửi bới, sao mà không khổ cho được. Cứ ngu ngu đần đần như thằng Ngốc lại sướng”.
Tường bảo bác tài cho dừng xe cạnh cây đa đầu làng. Cậu trả tiền xe, tặng bác tài gói kẹo Matcha trà xanh, xuống xe, lấy hành lý, chào bác rồi bước đi theo hướng ra ngoài đồng. Trời đã tối mịt. Trăng lơ lửng lên cao. Gió thổi lồng lộng. Khói đốt rơm bốc lên nghi ngút, khét lẹt. Tường lặng lẽ bước đi. Dưới ánh trăng bóng cậu đổ dài, mỏng manh như chiếc lá rơi nghiêng trên mặt đất. Bác tài khó hiểu định lên tiếng hỏi cậu đi đâu mà giờ này còn không về nhà nhưng rồi lại thôi. Có gì đó vô hình ngăn trở bác không dám lại gần thế giới của cậu trai trẻ này. Có thể do hai người vốn là hai thế giới xa lạ. Hoặc cũng có thể cái xa lạ thực ra là do vẻ ngây thơ, hồn hậu ánh lên trong mắt cậu thanh niên ấy khác hoàn toàn cái thế giới mà hàng ngày bác vẫn bon chen, dẫm đạp lên để kiếm bát cơm manh áo. Bác tài đứng đó nhìn mãi cho đến khi bóng đêm nuốt chửng lấy Tường.
Vườn Thánh chìm trong đêm tối tĩnh lặng âm u. Con đường ngoài kia, xe máy ô tô vẫn đi lại tấp nập nhưng chẳng một tia sáng nào có thể rọi được tới nơi này. Cái chốn thẳm cùng của nhân gian ai là người không muốn lãng quên.
Tường mò mẫm tìm đến mộ của bố. Cái vị trí ấy nhắm mắt cậu cũng có thể tìm được. Trong bóng đêm thầm lặng Tường ngồi xuống bên ngôi mộ nhớ lại những tháng ngày ấu thơ yên bình, hạnh phúc. Thế nhưng hạnh phúc ấy chỉ vỏn vẹn mười năm, và cũng chính từ ngày này của mười năm trước cái yên bình đó đã theo bố cậu ra đi.
Cậu nhớ cái ngày đưa tang bố cậu, đêm ấy hai mẹ con cậu ngồi tựa cửa nghe các chú các bác liệt kê tiền đám ma. Khoản nợ nhà cậu như cái cây mỗi ngày lớn thêm một chút.
Cậu nhớ cái ngày người ta đến xiết nợ, con lợn nái sắp đến ngày sinh người ta thương tình dắt đi cho. Đêm ấy mẹ cậu ngồi kể chuyện chị Dậu. Con chó cái mới sinh đã thành chuyện con lợn nái.
Cậu nhớ ngày cậu cãi nhau với đứa em nhà chú. Nó chửi cậu ngu. Cậu bảo nó “mất dạy”. Nó cười: “Bố tao chưa chết tao chưa mất dạy”. Năm ấy em họ cậu chín tuổi.
Cậu nhớ ngày giỗ hết bố cậu, mẹ cậu đi sang từng nhà chú nhà bác cậu mở lời muốn làm giỗ cho bố cậu, “để các cháu nhớ mà thêm lời đọc kinh cầu nguyện cho bác nó”, mẹ cậu nói như van lơn. Chú cậu đội vội cái mũ cối lên đầu, trả lời trống không: “Vội lắm, không có thời gian, chết trẻ sung sướng gì mà cỗ với bàn. Xin lễ thôi là được. Ngày nào tôi chẳng nhắc nhở các cháu đọc kinh cho ông bà cho bác chúng nó”. Mẹ cậu lủi thủi về nhà làm mâm cơm cụ. Trước thánh lễ quẩy lên nhà Cha. Đợi Cha, các thầy, các dì ăn xong lại quẩy về. Mâm cỗ gần như còn nguyên mà chẳng ai muốn động đũa. Mẹ cậu ngước nhìn bàn thờ nghi ngút khói hương. Khói làm cay mắt mẹ, và làm cay cả mắt cậu. Thánh lễ ngày hôm đó ngoài mẹ con cậu ra chỉ có cô và hai chú của Tường. Các thím và các em còn bận ở nhà trông cửa hàng.
Tường nhớ bao nhiêu là chuyện. Những câu chuyện cứ bốc lên nghi ngút như sương khói bủa vây lấy Tường, làm mắt cậu cay xè. Ở đâu đó vọng lại tiếng cuốc kêu nghe sầu thảm. Ngọn gió thổi qua làm bùng lên những ánh lửa lập lòe trên những đống rơm rải rác khắp cánh đồng. Chỉ có nơi này từng giây từng khắc đều là lạnh lẽo.
Tiếng chuông nhà thờ đột nhiên vang lên xé toạc cả không gian, Tường có cảm giác như âm thanh ấy đập tan lớp đất đá, thấm xuống từng ngôi mộ đánh thức những con người đang say giấc ngàn năm phải thức dậy. Không biết là do sương đêm lạnh, hay là do nỗi bàng hoàng đang chế ngự tâm hồn cậu khiến Tường khẽ rùng mình ớn lạnh. Ánh trăng bỗng chốc sáng hơn. Hàng vạn những ngôi sao cũng tỏa ánh sáng lấp lánh. Tường nhìn lên bầu trời rồi lại nhìn xuống mặt đất. Không gian trời đất gần đến như hòa làm một. Ánh sáng và bóng tối hòa làm một. Sự sống và cái chết dường như cũng hòa làm một. Chỉ có tiếng chuông nhà thờ vẫn miệt mài vang lên, vang mãi, vang đến từng mạch máu đường gân thớ thịt từng tế bào trong thân thể cậu. Nó dụ dỗ cậu, lôi kéo cậu khiến cậu vô lực, u mê bước về phía nó.
Khung cảnh nhà thờ vẫn không khác gì mấy so với năm năm trước. Có chăng chỉ là người đi lễ bây giờ thưa thớt như sao trên trời những ngày u ám.
Tan lễ, mấy ông bà vẫn có thói quen đứng tụm năm tụm ba ở sân nhà thờ trò chuyện, những câu chuyện vô thưởng vô phạt.
- Trời dạo này nóng dữ, nóng chết mất thôi.- Một ông cụ tầm thước, chừng bảy mươi tuổi, có bộ râu dài đến ngực cất lời than thở. Lúc ông nói, bộ râu của ông đung đưa theo miệng ông.
- Mặt đất nóng lên do ô nhiễm môi trường làm thủng tầng ô dôn.- Người đàn ông trung niên khoảng bốn mươi tuổi đeo cặp kính gọng sắt - không biết là kính cận, kính lão hay loại kính thời trang bán đầy ở những sạp hàng la liệt trên đường quốc lộ, phân tích.
- Là Chúa phạt.- Người phụ nữ đứng cạnh, bàn tay cầm cỗ tràng hạt to tròn, lấp lánh như những hạt ngọc, vừa nói vừa đưa tượng Thánh Giá lên miệng hôn, có lẽ cô vừa đọc xong một câu kinh hoặc một lời cầu nguyện.
- Trời cứ nóng thế này thì lão đây đến về với Chúa mất thôi.- Cụ già nói.
- Sao cụ lại nói thế. Cụ phải sống đến trăm tuổi, phải làm tấm gương con chiên ngoan đạo cho con cháu học theo chứ. Lớp trẻ bây giờ mất nết quá, chúng nó đến bỏ đạo bỏ Chúa mất thôi.- Người đàn ông trung niên nói.
Đúng đó.- Người phụ nữ chen vào- Cái lũ trẻ ranh càng ngày càng lười đi nhà thờ, đọc kinh cầu nguyện. Giờ chúng nó thích đú đởn, nhí nhảnh, chưa nứt mắt ra đã ình cái bụng. Bố mẹ chúng chết chúng cũng không thèm đọc cho một câu kinh.
- Ừ, đấy cô nói tôi mới để ý- Cụ già vừa nói vừa đủng đỉnh vuốt râu- Như Thánh lễ hôm nay không biết là lễ giỗ linh hồn Phê-rô nào mà con cháu chẳng thấy mặt mũi đâu.
- Thật là lũ khốn nạn, cái dòng giống khốn nạn! Cầu Chúa đày lũ khốn nạn ấy xuống hỏa ngục hết đi.- Người phụ nữ rít qua kẽ răng. Rồi cô lại đưa Thánh giá lên môi lại bắt đầu lần hạt, đọc kinh cầu nguyện.
- Thật là cả cái giáo xứ này có mấy dòng họ được ngoan đạo như dòng họ Nguyễn nhà mình, chị nhỉ?- Người đàn ông trung niên quay sang nói với chị gái.
- Chú nói đúng quá.- Cụ già hùa theo, lại vuốt râu.
- À không, ý cháu là dòng họ Vũ cũng nhiều người ngoan đạo lắm.- Người đàn ông trung niên nhận thấy mình nói hớ, ngượng nghịu chữa lại.
- Làm gì có, làm gì có!- Ông cụ xua tay lắc lắc đầu, bộ râu ve vẩy theo cái đầu của ông.
- Dạ, ý cháu là họ Vũ có được tấm gương ngoan đạo như ông là được tiếng cho cả dòng họ rồi ạ. Mà cháu cũng đang thắc mắc không biết hôm nay giỗ ai nhỉ? Nhà ai xin lễ giỗ cho ông bà tổ tiên mà con cháu chết hết đâu rồi, đúng là tuyệt tự tuyệt tôn, ô uế cả gia phả, cụ thấy có phải không ạ?
Đúng lúc ấy có một ông cụ tầm trên bảy mươi tuổi từ trong nhà thờ đi ra. Cái lưng còng khiến cụ vừa đi vừa phải nghển cổ lên nhìn.
Người đàn ông trung niên vừa nhìn thấy cụ lập tức lên tiếng:
- Chào cụ, may quá gặp cụ ở đây, cụ cho con hỏi hôm nay giỗ linh hồn Phê-rô nào vậy cụ?
Cụ ngẩng đầu lên nhìn một cái rồi lại cúi xuống, đáp giọng dửng dưng:
- Chú Tốt đấy à, lâu lắm mới lại được gặp chú. Cả cụ Hòa cô Hiền nữa, đông đủ quá nhỉ. Thật là một ngày tốt lành. Mà sao chú lại hỏi thế? Không phải hôm nay lễ giỗ anh trai chú nên người bận rộn như chú mới bớt công bớt việc về dự thánh lễ sao? Chú lúc nào cũng vậy, cái tật biết rồi còn giả vờ giễu cợt người khác sao mãi mà không bỏ được?
- Cụ nói gì cơ, lễ giỗ anh trai cháu ấy ạ?
- Chẳng lẽ tôi lại già đến mức lẩm cẩm rồi? Hôm nay chẳng phải giỗ anh Phúc chồng chị Hạnh, anh trai của cô chú, cháu ngoại của ông trưởng họ Vũ đây hay sao.- Cụ vừa nói vừa chỉ vào ông cụ có bộ râu dài.- Chị Hạnh chị ấy xin lễ cho chồng từ cả tháng trước rồi. Nhanh thật thế mà đã mười năm. Kia kìa, chị dâu chú đang dạy lớp Kinh Thánh đó.
Dãy nhà giáo lý phía sau rặng nhãn tỏa ra thứ ánh sáng âm ấm của bóng đèn sợi tóc, một người phụ nữ nhỏ nhắn chừng hơn bốn mươi tuổi đang say sưa đọc Kinh Thánh cùng bọn trẻ. Từ lớp học vẳng lại tiếng lũ trẻ đồng thanh đọc: “Khốn cho các ngươi, hỡi những người kinh sư và người Pha-ri-siêu giả hình! Các người rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ. Hỡi người Pha-ri-siêu mù quáng kia, hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch”.
Càng về đêm, bầu trời càng cao, mặt trăng càng tỏ. Nhà thờ không ánh điện, không bóng người chẳng khác nào một ngôi mộ khổng lồ bị lãng quên trong vĩnh hằng tĩnh lặng. Ngồi trong bóng đêm suốt ba tiếng đồng hồ Tường đã quen với nó, rồi bỗng cậu cảm thấy như nghiện cái bóng đêm này, nghiện cái âm u, tịch mịch này, nó khiến cậu bình tâm, khiến cậu quên đi hết thảy giận giữ, oán hờn, khiến trái tim cậu mở rộng hoan hỉ. Giá có ai đó ở đây bây giờ cậu sẵn sàng giang tay ra và ôm hôn họ… sẵn sàng giang tay ra và ôm hôn họ… Cậu cứ nghĩ như vậy rồi dần dần thiếp đi lúc nào không hay.