Lòng Cha

vanthoconggiao.net

(Mã số: 17-089)

- Chuyện vậy mà ông còn giấu được sao?

Mục sư Tám bối rối trả lời trong lúc lấy khăn lau khuôn mặt đẫm mồ hôi:

- Tôi, tôi… có giấu giếm gì đâu…

Nhìn ông ấp úng, những người chung bàn càng thêm bức xúc:

- Chẳng lẽ ông hết cách rồi à?

- Tệ quá, vậy thì làm gương cho ai?

Nhắm không ổn, mục sư Tám bước ra ngoài đứng trầm ngâm một lát rồi lặng lẽ đi về dù buổi họp mặt chỉ mới bắt đầu. Người ta nói đúng, cây kim trong bọc có ngày còn lòi ra thì huống chi chuyện này.Vì nó mà thời gian qua ông cứ sống trong tâm trạng lo lắng, bất an. Chỉ qua mấy nhiệm kỳ mà hành trình phục vụ của ông đã thay đổi nhiều. Các tín hữu luôn là những người đầu tiên lời ra tiếng vào, rồi đến ý kiến từ các hội đoàn, sau cùng ban chấp sự đưa đơn lên Hội đồng tổng liên hội xin thay mục sư khác. Mà cho dù họ không ý kiến thì ông cũng khó ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa vì sự tín nhiệm cứ tuột dần.Từ một mục sư có tiếng ở thành phố, qua mấy lần luân chuyển, giờ ông về quản nhiệm Hội thánh ở một nơi khá hẻo lánh.

Thì cũng bắt nguồn từ cái chuyện thằng Nhân, con trai ông, đi lễ ở nhà thờ Công giáo. Lúc đầu ông cứ nghĩ do tính ham vui, nó đi theo đám bạn đại học thôi. Nhưng với lý do gì đi nữa thì ông cũng đã lên tiếng răn đe nó.

Mùa Giáng Sinh năm đó, công việc của Hội Thánh chất chồng như núi nên ông chẳng lấy đâu ra thời gian mà để tâm đến chuyện của nó. Ai mà ngờ được, vài tháng sau, có người cho ông hay Nhân đã vô đạo Công giáo từ lâu. Phải chi con ông lơ là chuyện thờ phượng Chúa, phải chi nó tiêu xài hoang phí hay ăn chơi trác táng, có lẽ ông sẽ thấy dễ chịu hơn. Vì nếu con ông có hư đốn cách mấy thì ông cũng sẽ tận tay dìu dắt nó về đường ngay, nẻo chính. Là một mục sư nên ông hiểu, khi rơi vào tình trạng bế tắc của tội lỗi cũng là lúc con người sẽ khát khao lẽ Công Chính. Nhờ đó, họ sẽ tìm thấy chút ánh sáng nơi tận cuối đường hầm, dù nhỏ nhoi nhưng vẫn đủ soi chiếu lối về với Chúa. Trái lại, con ông luôn sốt mến, hằng cậy trông vào Chúa bằng cả con tim, bằng nỗi khát khao kiếm tìm Chân Thiện Mỹ nhưng ông lại cố công cản ngăn, cấm đoán. Vẫn biết Chúa của nó lẫn Chúa của ông cũng chỉ là một Đức Chúa Trời mà trọn đời ông đã dốc lòng phụng sự. Nhưng lúc này, trên cương vị của mình, ông không thể làm khác hơn được. Đứa con đang bắt ông đi tìm lời giải cho một bài toán quá khó.

Từ lúc biết tin Nhân theo đạo Công giáo, Hội thánh nơi ông quản nhiệm đã không còn như trước. Họ chống đối ông ra mặt. Chúa nhật hằng tuần, số người đến nhà thờ đã ít nay càng ít hơn. Buổi nhóm của các ban chỉ loe hoe vài mống. Mỗi lần hội họp, ban chấp sự ồn ào như cái chợ vì giờ ông nói có ai thèm nghe đâu. Nhưng đau nhất là câu nói của mục sư tổng thư ký liên hội chẳng khác nào cái tát tai cảnh tỉnh: “Nói thật ông đừng buồn, có một đứa con mà dạy dỗ không xong nữa thì truyền giảng cho ai được chứ?”.

Vậy mà sau đó, chính ông đã giáng xuống con mình cái tát tai thật sự khi nó báo tin sắp vào Đại Chủng Viện. Đến lúc này ông đã không thể hiểu vì sao nó có một quyết định động trời như vậy. Con đường thẳng tắp, thênh thang không theo mà nó lại lựa chọn một lối đi gập ghềnh, cách trở. Đã bao lần ông khuyên nó thi vào Viện Thánh Kinh Thần Học Miền Nam để nay mai nối nghiệp ông, cùng chung tay mở mang Nước Chúa. Nhưng từng đó năm, những lời tâm huyết của ông bị nó bỏ ngoài tai mà âm thầm thi vào Đại Chủng Viện. Đã từng dạy học và trong cách giáo dục của mình ông không bao giờ dùng tới đòn roi. Nhưng trong lúc thiếu kiềm chế ông lại dành cho con mình một cái tát nảy lửa. Không biết nó có đau lắm không, nhưng ông lại thấy đau, đau thật nhiều. Đau từ sự bất lực, bế tắc của người làm cha. Một nỗi đau cứ ngấm sâu, day dứt và âm ỉ mãi.

Từ ngày nhập học ở Đại Chủng viện, hằng năm Nhân chỉ về nhà hai lần vào kỳ hè và dịp nghỉ tết. Mỗi đợt chỉ mươi ngày rồi cậu lại đi. Gặp ông, cậu cũng chỉ thăm hỏi vài câu cho có rồi lảng đi nơi khác. Ông hiểu nó tránh mặt mình vì dạo đó đến nay hai cha con cứ gặp nhau là xung khắc. Từ ngày bà mục sư về với Chúa, một mình ông vừa làm cha lại vừa làm mẹ. Ai cũng khuyên ông đi thêm bước nữa để gia đình được yên ấm hơn với bàn tay người phụ nữ, để ông có người bầu bạn sớm khuya. Nhưng ông lại sợ người ta không thương con mình, sợ cái cảnh mẹ ghẻ - con chồng và biết bao cái đáng sợ khác. Tất cả tình yêu, bao nhiêu hy vọng ông muốn dành hết cho đứa con độc nhất của mình.

Chuyện nhà ông giờ cứ như con tàu sắp sửa lệch bánh vì cha con ông có khác gì hai đường ray dù song hành nhưng mỗi ngày một thêm xa cách. Thiếu quan tâm thì gia đình có khác gì quán trọ. Trong Chúa và nhờ ơn phước Chúa mà ông có được tất cả. Rồi giờ đây, vì Chúa mà cha con ông lại ngập chìm trong mâu thuẫn, bất đồng:“Các ngươi tưởng ta đến đem sự bình an cho thế gian sao? Ta nói cùng các ngươi, không, nhưng là đem sự phân rẽ. Ba người nghịch cùng hai, hai người nghịch cùng ba;cha nghịch cùng con trai, con trai nghịch cùng cha…” (Lu-ca 12, 51-53a) *.

Ngày Nhân về báo tin sắp lãnh nhận chức linh mục cũng chính là ngày mục sư Tám thấy đất trời như sụp đổ ngay dưới chân ông. Tâm trí ông như sợi dây đàn bị tăng lên hết mức. Không kịp suy nghĩ thiệt hơn, ông nhào tới túm lấy ngực áo cậu, tay kia nắm chặt giơ cao…rồi bất ngờ buông xuôi cùng tiếng thở dài bất lực.

- Ba à, con muốn…

Nhân vừa mở lời, ông vội vàng xua tay cắt ngang:

- Ba không muốn nghe điều gì hết!

Đã lâu lắm rồi cha con ông mới có dịp cùng ngồi lại. Sự im lặng kéo dài làm cho khoảng cách vô hình giữa hai người đàn ông càng thêm ngột ngạt, bức bối. Lặng im vì chẳng ai biết phải chấp nối từ đâu trong một câu chuyện đã bắt đầu từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa thể kết thúc. Mãi một lúc sau ông mục sư mới lên tiếng:

- Về với Hội thánh Tin Lành đi, vẫn còn kịp con à!

Giọng Nhân nhỏ nhẹ gần như năn nỉ:

- Ba, con vẫn không hiểu vì sao đến lúc này ba cứ nghĩ con đường con đang bước là lối mê và tôn giáo con theo là một chọn lựa lầm lạc?

- Vậy con nói đi, có gì hay ho ở một Giáo hội già nua, cổ hủ chỉ đua nhau xây dựng mấy cái tháp chuông chọc trời, những ngôi nhà thờ nguy nga lộng lẫy thay vì dốc sức rao giảng Lời Chúa?

- Ba đang làm con nhớ đến câu chuyện người biệt phái cầu nguyện trong đền thờ…

Mục sư Tám đập bàn giận dữ:

- Im ngay, mày dám…

Mặt bàn vô tri nên chẳng hề hấn. Còn bàn tay ông, đau một chút rồi cũng thôi. Chỉ có hai con tim đang rạn vỡ, rướm máu, âm ỉ nhói đau. Bốn mắt nhìn nhau, ai cũng rưng rưng, xót xa, đau đớn. Cha con ông chịu đựng nhau quá nhiều rồi. Tức nước,vỡ bờ là chuyện đương nhiên. Cũng từ cái nhìn trực diện ấy, Nhân chợt nhận ra từ nét mặt tiều tuỵ của ông mục sư cùng ánh mắt như chất chứa bao nỗi ưu tư, muộn phiền.

Vẫn cái giọng nhỏ nhẹ mà cương quyết, Nhân nói tiếp:

- Có tập thể nào của con người tránh được thiếu sót, sai lầm đâu hả ba? Nhưng người Công giáo cũng đã lên tiếng xin lỗi về những thiếu sót của mình trong quá khứ và không ngừng hoán cải.

Im lặng một lúc, rồi thầy thở dài:

- Người Tin Lành luôn đề cao sự cải cách để rồi hôm nay đã phân hoá thành hàng ngàn hệ phái khác nhau.Trong lúc con chỉ muốn kiếm tìm một Mẹ Hội thánh hiệp nhất. Mỗi người chỉ có một lần được sống trên cuộc đời này thôi ba à. Con hiểu ba vẫn luôn yêu thương con nhiều lắm nhưng xin ba hãy cho con được tự mình bước đi trên con đường đã chọn…

Mục sư Tám cảm nhận cái nhói đau từ trong lồng ngực. Ông lảo đảo mấy bước rồi buông người xuống ghế thều thào:

- Ra ngoài đi…

Nhân lui bước, một mình mục sư Tám ngồi lại giữa ngôi thánh đường mênh mông, im lắng. Đây là nơi ông vẫn cất cao lời truyền giảng trước hằng trăm tín hữu. Chính ông đã thổi bùng lên ngọn lửa sốt mến, truyền cho họ lòng nhiệt thành để tất cả cùng chung tay mở mang Nước Chúa Trời. Nhưng đêm nay, chính nơi đây, ông đang cảm nếm sự bẽ bàng của một chiến binh thất bại, đã ngã gục dù khí giới vẫn còn nắm chặt trong tay. Ông đang đối diện với Chúa và với chính mình. Một nỗi buồn mênh mang cùng nỗi cô đơn tái tê đang len lỏi, xâm chiếm rồi vây phủ cả tâm hồn ông. Giữa ngôi thánh đường không một bóng người, ông thấy mình tựa người lữ khách đang lạc lối, bơ vơ trong sa mạc quạnh vắng. Càng bước đi, đôi chân ông càng thêm chênh vênh, trĩu nặng, lún xuống rồi vùi sâu trong lớp cát bỏng. Giữa cái mênh mông đến vô cùng ấy, tiếng than van của ông như càng thêm lạc lõng, một mình ông đơn độc giữa tiếng thét gào của gió, giữa những lớp cát bụi mịt mờ. Vẫn biết ngày này sẽ đến nhưng ông không ngờ thời gian lại quá đỗi vô tình. Trọn cuộc đời này ông đã toàn tâm toàn ý hầu việc nhà Chúa vậy mà tại sao chính Chúa lại cướp lấy đứa con yêu quí, niềm hy vọng duy nhất của ông… Tại sao lời nguyện cầu của con ông luôn được nhậm lời trong lúc lời cầu xin của ông dường như chẳng thấu tới trời cao? Ông thất bại có lẽ do lời nguyện của ông được ươm mầm từ sự nhỏ nhoi, được dệt nên bởi những bất đồng, mâu thuẫn. Có lẽ vì ông muốn mọi việc phải được lèo lái theo ý mình chứ không phải đi tìm ý Chúa, chứ nào có phải Đức Chúa trên cao đã thiếu công bằng.

Ông đang thầm hỏi, từ bao giờ mình đã trở nên con người nóng tính, cộc cằn như vậy. Với tín hữu, ông mãi là một mục sư nhân lành, vui tính nhưng tại sao ông cứ phải đóng vai phản diện khi đối mặt với đứa con mà ông hết mực thương yêu? Mấy ai hiểu được trong thâm sâu ông cũng có đầy rẫy những nỗi khổ tâm mong được chia sớt. Thái độ lạnh lùng lâu nay cũng chỉ là một màn kịch hoàn hảo do chính ông tự biên, tự diễn trước mặt con mình. Chứ từ trong thâm sâu, ông vẫn âm thầm dõi theo từng đường đi, nước bước của nó. Nói cho cùng ông cũng là một người cha, thì cho dù có là người gian ác đi nữa ông cũng không thể đặt vào tay con hòn đá khi nó xin cái bánh và càng không thể cho nó con rắn thay vì cá (Lu-ca 11,11)*.

* * *

Sân nhà thờ chính toà của ngày đại lễ tưng bừng, nhộp nhịp với những sắc màu cờ hoa rực rỡ. Trong âm thanh trầm bổng của dàn kèn đồng, giữa những hồi chuông ngân vang rộn rã các tiến chức hân hoan bước vào tiền đường cùng các bậc song thân. Chỉ có thầy phó tế Nhân bước đi lẻ loi với nét mặt đượm buồn. Nơi dành riêng cho gia đình thầy chỉ có vài người bạn chí cốt thời đại học đến dự trong khi những hàng ghế khác không còn một chỗ trống nào. Thầy mỉm cười chào các bạn rồi tự an ủi mình với câu thánh vịnh thân quen:“Dầu mẹ cha có bỏ con đi nữa, thì vẫn còn có Chúa đón nhận con” (Tv27,10).

Ngay từ đầu, con đường ơn gọi của Nhân đã không hề có mẹ và thiếu cả người cha. Bà mục sư mất từ lúc Nhân vẫn còn quá nhỏ, vào cái tuổi cậu vẫn chưa biết buồn vì sự ra đi đó. Tháng ngày trôi qua cậu mới dần cảm nếm rõ hơn nỗi mất mát khôn lường cùng sự cô đơn khôn nguôi của đứa con không còn mẹ. Nhưng Chúa đã ban cho Nhân một người phụ nữ khác để sẻ chia, nâng đỡ cậu trên con đường tận hiến thay cho người mẹ đã khuất.

Hồi ở đại học, Nhân thường đi cùng đám bạn đến khuôn viên nhà thờ Bình Triệu để học nhóm vì nơi đó khá rộng rãi và thoáng mát. Qua lời những người bạn Công giáo, cậu mới biết đây còn là trung tâm hành hương nhằm tôn kính Đức Mẹ Fatima. Mỗi lần đến đây, tụi bạn luôn ghé qua nhà thờ cầu nguyện khoảng 5,10 phút rồi mới bắt đầu buổi học. Lúc đầu Nhân cũng không thích lắm cái chuyện này vì với đạo Tin lành bà Maria chỉ là người sinh ra Chúa Giêsu thôi, không phải thờ phượng như Công giáo vậy đâu. Nhưng trong những lúc chờ đợi mọi người, cậu cũng bắt đầu tò mò bước vô thử bên trong nhà thờ Công giáo xem có gì khác lạ hay không. Và Nhân đã bị cuốn hút bởi bức tượng người phụ nữ với nét đẹp dịu dàng, nhân hậu trong nếp áo trắng tinh. Dưới chân bà luôn ngập tràn những đoá hoa sắc màu rực rỡ do mọi người tới dâng cúng.

hình ảnh nhà thờ Fatima Bình Triệu

Từ chỗ không bằng lòng, dần dần Nhân lại mong cho đám bạn kia cầu nguyện lâu thêm cũng được vì cậu bắt đầu thấy thích cái chỗ này. Nhân cảm thấy được thư thái, bình an hơn mỗi lần ghé đây. Chính Nhân đã làm cho những đứa bạn trong nhóm trố mắt ngạc nhiên vào cái hôm cậu nhờ tụi nó chỉ cho cách đọc Kinh Mân Côi. Con trai ông mục sư mà đi tìm hiểu về Đức Mẹ, về Kinh Mân Côi thì đúng là chuyện lạ trên đời. Tụi nó đâu hề biết rằng Nhân đã tìm thấy hình bóng người mẹ đã khuất của mình chính nơi Mẹ Fatima. Nói cách khác, Mẹ Fatima là người mẹ mà Nhân hằng mong ước có được. Một người mẹ, một mẫu gương đạo đức để cậu noi theo. Nhờ lời kinh Mân Côi những khắc khoải, ưu tư trong tâm hồn Nhân đã được Mẹ Fatima an ủi, lấp đầy. Cũng từ đó trong mọi biến cố của cuộc đời Nhân đều có Mẹ. Cứ mỗi lần hai cha con gặp chuyện xung khắc, Nhân đến nguyện cầu cùng Mẹ thì sau đó mọi thứ dường như đều ổn thoả. Và cũng qua những lời kinh tuyệt vời ấy, Mẹ Fatima đã dẫn dắt Nhân tiến những bước xa hơn trên hành trình về với Giáo hội Công giáo.

Chính nhờ bàn tay chở che, nâng đỡ của người mẹ thiêng liêng ấy, Nhân đã quảng đại đáp lại tiếng kêu mời của Chúa bằng cách dấn thân trọn vẹn hơn cuộc đời mình trong ơn gọi thánh hiến. Để rồi Nhân chợt nhận ra đó là một quyết định hết sức khó khăn vì bất cứ sự lựa chọn nào cũng luôn gắn liền với việc từ bỏ những cơ hội khác. Một bên là con đường hoạn lộ để Nhân trở thành một mục sư đã được bởi người cha, còn một bên là cuộc sống dấn thân trở nên linh mục dưới sự dắt dìu của Mẹ. Sau tất cả, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, cậu đã tìm ra được con đường chân lý của đời mình, trở thành người linh mục của Chúa. Hạnh phúc như được nhân lên khi ngày cậu được lãnh nhận sứ vụ linh mục đúng vào dịp Hội thánh Công giáo kỷ niệm 100 năm Mẹ hiện ra ở Fatima.

Dù vậy Nhân vẫn cảm thấy nuối tiếc và hối hận vì vẫn còn nợ cha một lời xin được tha thứ. Bởi những quyết định liên tiếp của cậu đã đẩy ông mục sư vào những hoàn cảnh khó khăn, bất lợi khi phải đối diện với Hội Thánh, với các mục sư và với cả các tín hữu…

* * *

Sau nghi thức diễn nghĩa, các tân chức bước xuống đón nhận áo lễ từ tay cha mẹ. Cha Nhân nhìn thoáng đằng xa dường như có ai đó đang cầm chiếc khay đựng áo lễ của mình. Lại gần hơn, cha thảng thốt nhận ra người đàn ông đó chính là mục sư Tám. Cha bước nhanh tới ôm choàng bờ vai cha mình rồi bất ngờ quỳ xuống, phủ phục. Lặng đi một lúc cha mới đứng lên đón nhận chiếc áo lễ từ tay ông mục sư. Ánh mắt của hai người đàn ông lại chạm nhau, rưng rưng. Nhưng hôm nay, những ánh mắt ấy được đong đầy bởi yêu thương và cảm thông, bởi bình an và tha thứ. Hai bờ vai rung lên hạnh phúc.

Đến lúc này ông vẫn không hiểu vì sao mình lại có mặt nơi đây, trên hàng ghế danh dự ở một thánh đường Công giáo. Chỉ biết có một sức mạnh vô hình nào đó đã thôi thúc ông phải đến. Ông chợt nhớ đến lá thư viết tay của linh mục giám đốc Đại Chủng Viện gửi đến ông trước đó:

“…Thưa mục sư, vẫn biết giữa hai Giáo hội Công Giáo và Tin Lành vẫn còn nhiều bất đồng kéo dài từ quá khứ cho đến mãi hôm nay. Tuy nhiên chúng ta đều là những Kitô hữu, cùng tôn thờ một Thiên Chúa, cùng tuyên xưng một đức tin, cùng được Thanh tẩy bởi một phép rửa và cùng rao giảng một Kinh Thánh. Những điều hợp nhất chúng ta lớn hơn những điều đã từng làm chúng ta chia rẽ. Huống chi đây là thời gian cả hai Giáo hội cùng nhìn lại cuộc cải cách của mục sư Martin Luther cách đây 500 năm và 50 năm đánh dấu cho hành trình tìm về đoàn tụ với nhiều hy vọng, mong ước về một tương lai tốt đẹp hơn.

Xin mục sư hãy đến tham dự thánh lễ thụ phong linh mục với tư cách những Kitô hữu chung một niềm tin về Cha trên trời, Đấng Giàu Lòng Thương Xót.

Và sau hết, xin mục sư hãy đến với tư cách của một người cha, để chia sẻ niềm vui với sứ vụ linh mục mà thầy Trần Trọng Nhân sẽ lãnh nhận…”

Chính dòng chữ sau cuối đó đã khơi lên tình phụ tử mà bấy lâu nay ông đã cố tình quên lãng, là động lực thúc đẩy ông phải đến chung vui cùng con mình bằng mọi giá. Sao có thể buồn khi con ông đã tìm ra được hướng đi của cuộc đời, khi cánh đồng truyền giáo đang có thêm nhiều thợ gặt trẻ trung, nhiệt thành. Những âm thanh du dương trầm bổng làm con tim ông xao xuyến, bồi hồi với một cảm xúc rất lạ mà có lẽ đã lâu lắm rồi ông chưa có được. Bình an, đúng rồi đó là ơn bình an mà dường như bấy lâu nay ông đã đánh mất. Một cảm xúc bình an tràn ngập trong tâm hồn: “Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết sẽ ghìm giữ lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Giê-su Christ” (Phi-líp 4:7)* .

Con ông nói đúng, cho dù yêu thương mấy thì ông vẫn không thể sống thay cho nó được. Đã có những linh mục, đại đức trở nên mục sư thì việc con trai một mục sư trở thành linh mục cũng là chuyện có thể chấp nhận được. Bởi lẽ tuy cùng chung niềm tin về Đức Chúa Trời nhưng mỗi người đều có thể chọn cho mình cách diễn tả khác nhau về niềm tin ấy hay một hướng đi phù hợp. Cha con ông chỉ có thể cùng nhìn về một hướng khi biết dừng lại mọi lời lẽ khích bác, gác lại một bên những bất đồng, dị biệt. Cũng vậy, khi người Công Giáo và người Tin Lành biết đón nhận nhau bằng cả tấm lòng quảng đại, thứ tha thì tất cả những chuyện được mất, hơn thua hay đúng sai cũng chỉ là vô nghĩa. Chỉ có nhịp đập của những con tim được thôi thúc cùng tiến bước trên con đường tiến về hiệp nhất.

Trên bàn thánh, cha Nhân cùng các tân linh mục đang hiệp dâng thánh lễ. Gương mặt ai nấy đều ánh lên niềm vui và hạnh phúc. Còn ông đang lắng tai nghe cộng đoàn chung lời ngợi khen Thiên Chúa với bài thánh ca mà ông ngỡ như chỉ dành cho riêng mình:

Xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa.

Xin hiệp nhất chúng con như Ngài liên kết với Cha.

Xin giải thoát chúng con xa điều bất hòa chia rẽ.

Xin kết hiệp muôn người trong lòng mến Chúa Cha muôn đời.

---------------------------------------------------------------------------------------

* Trích dẫn theo Kinh Thánh Tân Ước của Hội Thánh Tin Lành Miền Nam.