Mẹ Sầu Bi

HKN
Mã số: 17-056
- Khang ơi…Khang ơi…Khang ơi…Khang…về ăn cơm.
Tiếng gọi em về ăn cơm của hai cô chị cứ thay nhau vang lên mà chẳng thấy thằng em con một trong nhà đáp lại. Chẳng ai biết cậu con một này đang vác cột đi chơi nơi đâu. Mặc dù rất cưng chiều nhưng người mẹ cũng không kiên nhẫn nổi. Bà bèn quát lớn:
- Chúng mày lấy cho tao cái roi, để tao xem nó chui ở góc nào.
Người mẹ vừa dứt lời thì cô chị thét lên kinh hoàng. Tiếng thét thất thanh khiến người nghe nổi da gà, tiếng thét khiến người mẹ đánh rơi khỏi tay cái roi và quay trở ngược về nhà. Người chị chạy ra ôm chặt lấy mẹ mình và khóc thét lên thảm thiết. Người mẹ chưa hiểu chuyện gì, nhưng cơn giận thì đã tan biến và thay vào là cái lạnh toàn thân khiến da gà nổi khắp người. Bà ôm người con gái như phản xạ tự nhiên của gà mẹ che chở gà con dưới cánh, mặc dù gà mẹ cũng đang sợ đến ớn lạnh cả người. Người mẹ tính đi về phía cái bể chứa nước mưa mà cô con gái vừa đứng múc nước. Nhưng cô con gái xiết chặt mẹ khiến bà không thể nhúc nhíc. Bà đứng ôm người con gái, còn đôi mắt mở chằm chằm hướng về bể nước. Lúc này người cha trong nhà đang xới nồi cơm bỗng chạy ra, ông đi nhanh về phía cái bể. Là đàn ông, nên ông vẫn tỏ ra chắc chắn và bình tĩnh. Nhưng khi vừa nhìn vào cái bể, ông hoảng hồn lao xuống. Người mẹ hoang mang tột độ nhưng không thể bước lên được vì đứa con gái ôm bà quá chặt. Bà muốn gạt đứa con gái lại để lao về phía cái bể chứa nước mưa nhưng bà không thể. Đứa con gái 14 tuổi của bà với thân hình chỉ bằng một nửa đang ôm chặt bà như một người có sức mạnh gấp 14 lần bà. Mắt bà vẫn chừng chừng hướng về phía cái bể. Còn ông bố thì đã lao hẳn vào trong cái bể. Một hình ảnh kinh hoàng hiện lên làm đôi mắt đang chừng chừng cụp xuống và toàn thân bất tỉnh nằm xõng soài trên nền sân trong cái nóng giữa trưa hè tháng 5. Người con gái cũng nằm xuống, vẫn ôm chặt lấy mẹ như không biết mẹ mình đã bất tỉnh.
Người bố đầy vạm vỡ, nhưng chỉ đủ sức xốc hai tay vào nách đứa con trai 7 tuổi và đẩy nó nằm vắt ngang thành bể và thét lên hai tiếng kêu thất thanh:
- Cứu …cứu!
Giữa giờ trưa, giờ mà hầu hết mọi người trong xóm đang ăn cơm. Nhưng tiếng kêu của người bố vừa ngắt thì mọi người đã ùn ùn kéo đến. Từ già đến trẻ, từ đầu xóm đến cuối xóm không thiếu một ai. Có một vài đứa nhỏ còn mang theo cả tô cơm theo xem có chuyện gì.
Mấy người lớn lao về phía cái bể nước ôm lấy thằng bé và hô hấp nhân tạo, ép lồng ngực, ép bụng, xốc ngược thằng bé lên cho nước chảy ra…. Trong khi đang hô hấp cho thằng bé thì năm thanh niên khỏe mạnh của xóm cũng phải chật vật một hồi lâu mới kéo được ông bố ra khỏi bể nước. Họ đặt ông ngồi ở góc hành lang. Ông ngồi yên, mắt theo dõi từng cử chỉ hành động của mọi người. Ông hiểu tất cả và đoán được điều gì sẽ xảy ra nhưng ông không thể nhúc nhích tay chân cũng như không thể nói được một lời. Chỉ có đôi mắt ông là cứ cay cay, nhòe nhoẹt vì dòng lệ cứ chực chờ trào dâng.
Thằng bé chẳng hồi đáp, nó vẫn thản nhiên nằm bất động trước sự luống cuống của mọi người. Hết người này đến người khác thay nhau; hết cách này đến cách khác được áp dụng nhưng chẳng làm cậu bé thay đổi. Cứ mỗi lần có người định thông báo kết quả tuyệt vọng cho bà mẹ thì lại có một người ngăn lại và nói để tôi thử thêm cách này nữa. Thời gian vật vã giữa đứa bé và đám người lớn kéo dài cả tiếng đồng hồ mà chẳng mang lại hiệu quả gì.
Những người đang cố gắng làm cho cậu bé tỉnh dậy tỏ ra rất linh hoạt và mạnh mẽ nhưng chẳng ai dám tiến lại nói với bà mẹ về kết quả tuyệt vọng đó. Dường như họ cứ muốn đụng vào người thằng bé đã lạnh ngắt để cho bà mẹ còn hy vọng, mặc dù họ biết là đã hết hy vọng. Tất cả cứ luẩn quẩn trong vòng rối rắm mà không có lối thoát. Cuối cùng, một cụ già cao tuổi nhất xóm và cũng là ông nội của cháu bé lên tiếng nói:
- Thôi anh em đừng làm gì nữa. Hãy để thằng bé được an bình ra đi. Tôi sẽ đến nói với người mẹ.
Ông cụ nói với mọi người bằng giọng điệu chậm rãi, hai tay ông vỗ lên vai mấy người đứng bên cạnh như thay lời cám ơn cho những cố gắng của mọi người. Không ai nói một lời nào, tất cả ánh mắt nhìn ông cụ với sự đồng tình. Ông cụ đi từ từ về phía người mẹ đang ngồi quằn quại với người con gái giữa sân. Lúc này, mọi ánh mắt không còn tập trung vào thằng bé, nhưng tập trung vào từng cử chỉ của ba ông cháu. Giữa trưa nắng cháy da, cháy thịt mọi người đứng lặng như tờ, không một lời nói, chỉ có đôi mắt là đang mạnh mẽ truyền những năng lượng yêu thương, nhưng chúng cũng mỏng giòn, như đang chờ chực tuôn rơi những dòng lệ thương cảm.
Ông cụ từ từ ngồi xuống, mắt ông không rời khỏi mắt bà mẹ. Còn bà mẹ cũng không rời mắt khỏi ông. Bà mẹ đang chờ lời nào đó thốt ra từ miệng ông. Khi đã đặt hai bàn tay nhăn nheo lên vai bà mẹ và nắm thật chặt, ông cụ từ từ nói:
- Con ạ, Chúa làm mọi sự đều sinh ích lợi cho những ai yêu mến người. Con hãy vững tin lên.
Nói rồi, ông cụ ôm choàng lấy cả hai mẹ con. Trong khi người mẹ như có vẻ chưa hiểu gì để khóc thì mọi con mắt xung quanh đã tuôn trào dòng suối lệ. Tiếng khóc ai oán vang khắp nhà, khắp xóm. Từ đàn ông đến đàn bà, từ người già đến người trẻ đều thấy mắt mình cay cay nhòe nhoẹt nước. Tiếng khóc của mọi người làm người mẹ hiểu ra và bật lên rên siết thảm thiết. Bà lê lết đòi bò về phía người con. Nhưng mọi người đã khiêng bà vào trong buồng để tách bà khỏi những hình ảnh đau thương này. Một số phụ nữ ở lại trong buồng chỉ là để ôm lấy bà mẹ mà chẳng thể làm bà bớt quằn quại rên siết.
Tiếng khóc của người mẹ như tiếng rên siết của bà Rakhen khóc thương con mình và không chịu cho ai đến an ủi. Cả tuần sau đó người ta cứ thấy tiếng khóc của bà thét lên từng hồi. Không khí của cả xóm như tái diễn lại khung cảnh tiếng khóc của những người phụ nữ mất con thời vua Hêrôđê cả sát hại các các con trẻ. Đặc biệt lúc về đêm, tiếng khóc của bà khiến những người mẹ trong xóm cảm thấy lạnh người. Những hôm đó, nhà nào có con trẻ thì đều chung một nỗi sợ như nhau. Họ kể với nhau rằng họ không dám để con mình ngủ riêng, cũng như chẳng đứa con nào dám ngủ một mình trong những ngày sau đó. Mỗi khi tiếng khóc vang lên là mẹ ôm chặt lấy con, và con siết chặt lấy mẹ. Và cả hai mẹ con cùng thầm thĩ nguyện cầu:
- Lạy Chúa đầy lòng xót thương, xin Ngài hãy xoa dịu nỗi đau của người mẹ đáng thương đó. Và xin cho tai họa đừng ập xuống trên đầu chúng con.
Không ai có thể gần gũi trò chuyện và cho bà lời an ủi. Nhưng kể từ hôm thằng bé được mai táng, mỗi khi tiếng chuông nhà thờ điểm 12h trưa, vào đúng cái giây đó, bà mẹ đầu trần, chân đất đi tới nhà thờ. Bà lững thững bước đi như đang đếm từng bước. Sự chính xác đến từng giây của bà, khiến mọi người khâm phục. Mỗi khi bà đi ngang nhà ông từ, thì ông từ biết đến lúc kéo chuông mà không cần xem đồng hồ, và khi bà vừa ngồi xuống ghế trước tượng Mẹ Sầu Bi là ông ngừng kéo. Ông rất ngạc nhiên tự hỏi và thường kể với mọi người:
- Tôi không hiểu vì sao, một người thất thần, đãng trí lại duy trì sự chính xác giờ giấc đến kỳ lạ như vậy.
- Ừ đúng vậy.-Moi người đều tỏ sự ngạc nhiên như ông.
Sự ngạc nhiên này đều đặn và được chuyển hóa thành sự kỳ lạ thu hút sự chú ý của mọi người. Cách hành xử của người mẹ như còn chứa đựng bên trong một sức mạnh huyền bí thu hút tâm trí mọi người. Không phải vì sợ mà không ai dám đến gần bà để che nắng, để quạt cho bà nhưng sâu xa họ như không dám can thiệp vào một hành trình bí ẩn đầy hấp lực này. Từ trẻ em đến người già, từ trong xóm đến cả xứ đều muốn đến chứng kiến sự lạ lùng này. Không ai bảo ai, trước 12h trưa họ cùng nhau kéo đến đứng trật các nhà ở hai bên đường đến nhà thờ để chờ được chứng kiến từng cử chỉ của bà mẹ như được chứng kiến cuộc đối thoại không lời với Đấng Vô Hình. Họ không dám tới gần, không dám gây một tiếng động sợ bà chia trí, họ sợ cuộc đối thoại với Đấng Vô Hình bị gián đoạn.
Dù đám đông có gây ồn ào, dù hàng trăm ánh mắt đang hướng về bà, nhưng chẳng hề làm bà mẹ xao động chút nào. Từng cử chỉ chính xác đến quen thuộc vẫn được thực hiện. Những cử chỉ đó không chỉ làm thỏa mãn tính tò mò nhưng nó đi sâu vào tâm trí mọi người và mang một sức mạnh biến đổi lạ kỳ. Mỗi khi bà đi ngang qua, họ thường ngước mắt lên trời như thầm thĩ điều gì và làm dấu thánh giá trước khi ra về.
Đã 14 ngày trôi qua, hôm nay là ngày 31 tháng 5, ngày mà cả giáo xứ tổ chức cung nghinh kiệu Đức Mẹ quanh làng. Sự ồn ào của việc chuẩn bị cờ quạt, hoa nến, kèn trống, loa nhạc, múa hát cũng chẳng tác động gì đến bà mẹ. Trưa hôm đó bà vẫn thực hiện hành trình như thường ngày. Bà vẫn ngồi hàng giờ trước tượng Đức Mẹ Sầu bi. Không đọc kinh, không quỳ lạy, không lẩm bẩm cầu xin… chỉ đôi mắt đăm đăm nhìn không chớp. Ánh mắt đó có lúc thì giận hờn, có lúc thì buồn tủi, có lúc lại lóe sáng, đa phần là ánh mắt bắt đền, ăn vạ. Giữa trưa hè như thiêu đốt khiến quần áo bà ướt đẫm vì mồ hôi. Chỉ đôi mắt là khô ráo vì đã cạn kiệt nước mắt.
Trong lúc đôi mắt ấy đang than van kêu trách thì cánh tay bức tượng Mẹ Sầu Bi bị gãy xuống làm cho bức tượng Chúa Giêsu con Mẹ rơi xuống lăn lóc trên nền đất. Vào giữa trưa, đúng giờ ngọ không một bóng người tại khuôn viên nhà thờ. Người mẹ hoảng hốt, cơn hoảng hốt bất ngờ đẩy lui sự đau đớn than van bấy lâu của người mẹ. Bà lao tới rất nhanh nhặt cánh tay Đức Mẹ lên gắn lại. Rồi bà quay lại tượng Chúa Giêsu đang nằm dưới đất, bà thòng tay qua cổ và nâng Chúa để bế lên đặt vào tay Đức Mẹ. Mặc dù tượng Chúa rất lớn và nặng gấp ba lần bà nhưng không hề làm bà nhụt chí. Bà sợ Đức Mẹ đau buồn khi nhìn con mình đang nằm trên đất. Nỗi lo sợ vì sự an nguy của người khác lại nhanh chóng xua tan nỗi đau buồn của bà và làm bà trở nên mạnh mẽ lạ thường.
Bà cố gắng xoay chuyển các tư thế nhưng Chúa Giêsu vẫn bất động. Bà biết mình không thể bế Chúa Giêsu trên tay như Mẹ. Bà quỳ xuống ôm Chúa và bật khóc thảm thiết. Đôi mắt khô ráo nay đang tuôn chảy như dòng suối ướt đẫm cơ thể Chúa. Bà như người phụ nữ đang lấy nước mắt mình mà tắm và lấy cả thân mình mà lau cho tượng Chúa.
Tay bà vẫn ôm chặt Chúa, đôi mắt nhòe nhoẹt ngước lên nhìn Mẹ Maria như muốn an ủi và nói lời xin lỗi Mẹ. Nhưng Mẹ Maria vẫn đứng đó, vẫn đang dõi nhìn và mỉm cười với bà mẹ đáng thương đang khóc lóc. Bốn mắt yêu thương nhìn nhau, và niềm hy vọng trên khuôn mặt Mẹ, nụ cười ủi an của Mẹ làm đôi mắt đau buồn của bà mẹ sáng bừng lên. Bà chạy tới ôm tượng Mẹ thật chặt và thầm thĩ với Mẹ đôi lời như dâng lời tạ ơn.
Lúc này đôi mắt rạng rỡ đã lan tỏa làm cho cả con người bà bừng sáng. Bà chào Mẹ ra về. Từng cử chỉ của bà khác hẳn với lúc trước, bà đã phục sinh từ cõi chết. Thân thể bà đầy tràn sức sống, hoạt bát, nhanh nhẹn và vui tươi. Bà bước đi thoăn thoắt, mắt thì lung linh, miệng cười chúm chím với mọi người.
Không ai hiểu chuyện gì đã xảy ra kể cả những người trong gia đình bà. Bà vui vẻ bước vào nhà nhanh nhẹn sửa soạn để đi rước. Người bố và các cô con gái nhìn mẹ ngạc nhiên, còn bà mẹ chỉ mỉm cười và nhẹ nhàng nói:
- Hôm nay mẹ sẽ đi rước Đức Mẹ quanh làng.
Nghe những lời đó, người bố và cô con gái cũng không nói gì. Họ mỉm cười rạng rỡ và cùng chuẩn bị xuống nhà thờ để đi rước.
Rảo bước trong bộ áo dài thướt tha với nụ cười luôn nở trên môi. Bà làm mọi người đều ngạc nhiên, nhưng niềm vui sâu xa của bà khiến mọi người chẳng thèm bàn tán về sự lạ lùng nhưng thay vào đó là sự trầm lặng để cảm nhận niềm vui của bà, một niềm vui đầy sức sống, một niềm vui phục sinh.
Bước xuống nhà thờ, đi ngang tượng Mẹ Sầu Bi, bà ngạc nhiên khi thấy bức tượng đã được trả lại như ban đầu. Bà tự hỏi sao mọi người sửa nhanh vậy, hay là hồi trưa mình tưởng tượng ra sự việc đó, mình có nên lại gần để điều tra cho rõ hay không,.. cuối cùng bà quyết định không cần tò mò tìm hiểu thêm về sự lạ lùng này, cũng như bà sẽ tiếp tục giữ kín không nói cho ai. Bà mẹ ngộ ra và vui mừng vì những điều mình hiểu và đang cảm nhận trong lòng. Bà không kể cho ai nghe về điều đó, bà giữ kín điều đó và suy đi ngẫm lại trong lòng.
Sự lạ được lan đi khắp cả xứ, cả làng nhưng chẳng ai dám hỏi chuyện gì đã xảy ra và bà mẹ cũng chẳng nói một lời về những gì bà đã thấy. Cuộc đi rước quanh làng để cung nghinh Đức Mẹ nhưng chẳng khác nào cuộc rước để cung nghinh một sự thay đổi, một sức sống phục sinh lạ kỳ của bà mẹ. Ai cũng muốn quan sát niềm vui, sự bình an lan tỏa ra từ bà mẹ sầu bi. Hình ảnh này của bà mẹ khiến họ cảm thấy được xua tan những muộn phiền trong cuộc sống, và cảm thấy lòng mình nâng nâng phấn khởi.
Cả giáo xứ rộn ràng niềm vui sâu xa. Bà mẹ tiếp tục công việc hàng ngày của mình bằng sức sống mãnh liệt. Hình ảnh bà mẹ trần thế này là sự phản chiếu rõ rệt hình ảnh Mẹ Maria sau chặng đường thập giá. Bà trở nên nguồn an ủi cho những người tiếp xúc với bà bằng một cách thức đơn giản là hằng dâng lời ngợi khen như Mẹ trong kinh Manhificat:
Linh hồn tôi tung hô Chúa, tung hô Chúa í a.
Thần trí tôi mừng vui vời vợi trong Đấng Cứu Chuộc tôi…