Điểm Tựa

HKN
Mã số: 17-050
 
 
Hạ Vy không nén được nước mắt chạy vội ra khỏi phòng trọ. Trúc Linh và Thi Thảo nghẹn ngào nhìn nhau rồi tắt vội ti vi mới phát xong đoạn quảng cáo của Neptune với câu slogan ý nghĩa: “Tết là phải về nhà”.
Hạ Vy đứng quay mặt vào tường, tay bịt miệng vì cô không muốn nỗi buồn khóc thành tiếng và cô không muốn hai bạn cô nhìn thấy mình khóc. Nỗi thổn thức của cô sinh viên lần đầu tiên không về quê ăn tết ai cũng biết là tủi thương rồi. Nhưng cô không muốn các bạn nhìn thấy cô khóc bởi vì Vy đã nói với hai bạn mình rằng: “Năm nay ăn tết xa nhà để xem ta trưởng thành hay chưa?”, và Vy mãn nguyện với lập luận ấy. Sự trưởng thành của con người sao có thể cân đo bởi chuyện ăn tết ở nhà hay xa nhà được. Vy biết thế, Trúc Linh và Thi Thảo cũng biết thế. Mà thôi kệ, ai cũng biết một câu nói bâng quơ có khi cũng chỉ để làm lu mờ đi nỗi buồn muốn giấu kín hay phủ lấp đi khoảng trống cô đơn mà không muốn ai phát hiện. Chuyện về quê, chuyện tiền, chuyện vé xe, chuyện trở vào luôn là nỗi nghẹn ngào của những sinh viên nghèo rời quê hương vào Nam đi học và đó cũng là nỗi khổ cực canh cánh trong tim của bậc làm cha làm mẹ, của những phận đời mà chữ nghèo đeo bám mãi chẳng buông tha.
hình minh họa

Trúc Linh đứng sau lưng Hạ Vy từ lâu rồi nhưng không lên tiếng. Cô xoay người, lưng dựa vào tường, mắt nhìn trời rồi buông tiếng thở dài nói:
- Ở quê tau, mấy bữa ni đi chợ tết vui lắm…
Cái giọng miền trung nằng nặng cộng thêm khoảng lặng của không gian làm giọt lệ chực tràn, chợt lăn vội.
Thi Thảo ngồi bệt ở thềm hiên, chẳng nhìn Trúc Linh, nhưng trách vội:
- Mi nói rứa làm chi cho hắn thêm buồn. Mà… tau cũng buồn nữa.
Tiếng thút thít, những dòng lệ ướt bờ mi, thấm gò má và thấm cả vành môi. Nước mắt rơi cũng làm vơi đi sự tủi khổ.
Hạ Vy lấy hai tay lau vội dòng nước mắt rồi quát lớn:
- Khóc lóc cái gì! Chỉ là chuyện không về nhà ăn tết thôi mà. Chuyện đó mà cũng làm cho ba cô nàng xinh đẹp nhất trần gian khóc lóc thảm thiết sao? Thôi, vui lên nào. Tối nay sau khi tan lễ, tỉ tỉ sẽ mời hai muội đi ăn mì cay. Khóc thì chỉ vì cay quá mà chảy nước mắt thôi. Được chưa?
Nói xong, Hạ Vy chợt thổn thức lòng tự nhủ thầm: Cái cay của vị giác sao cay bằng vị cay lòng! Trúc Linh và Thi Thảo vẫn chưa hết chảy nước mắt nhưng cũng bật cười vì thái độ “kiếm hiệp”của nhỏ Hạ Vy. Tuy Hạ Vy nhỏ tuổi hơn hai cô bạn cùng phòng trọ nhưng có một quy luật bất thành văn mà do chính nhỏ để ra là: Ai mở miệng nói chuyện trước thì người đó là chị. Trúc Linh và Thi Thảo tất nhiên sẽ chẳng đồng ý với luận điệu trên, nhưng mà cũng kệ, có khi cũng vui nên cứ để quy luật ấy sống mãi theo thời gian.
Trúc Linh nhân cơ hội thừa nước đục thả câu, liền thêm vào:
- Mì cay thôi chưa đủ, mà phải thêm trà sữa và bánh tráng trộn nữa.
Hạ Vy tay chống nạnh, răng cắn chặt môi, mắt mở to nhìn thẳng Trúc Linh gằn từng tiếng:
- Vừa vừa thôi cô nương, ngân khố của tỉ tỉ có hạn.
Thi Thảo vừa cười vừa ho sặc sụa cố lên tiếng:
- Chuyện trà sữa, bánh tráng trộn để tỉ tỉ lo cho, chỉ sợ ba cô nàng xinh đẹp sẽ nằm bẹp dí ở phòng trọ trong mấy ngày tết vì đau bụng mà thôi.
Cả ba nhìn nhau cười. Mặt trời cuối chiều đẹp mĩ miều một màu đỏ ửng nhưng cũng thật buồn.
Trong ba đứa, quê của Hạ Vy là xa nhất, mãi Ninh Bình, tận một xóm vắng của một miền đồi núi nghèo và khổ. Ở đó, quanh năm người ta chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Cả cuộc đời họ chỉ quẩn quanh với dăm ba sào ruộng, trong nhà nuôi thêm dăm ba con gà. Ở đó, cái gió và cái mưa chẳng mấy ai ưa cứ thay nhau kéo về làm khổ. Người ta mang trong lòng ước mong mưa thuận gió hòa để may ra được mùa, để trong nhà có ít gạo, ít khoai, để kéo dài ngày sống. Những đứa trẻ lớn lên ở đây gầy nhom và đen đủi vì cả ngày chúng phụ mẹ, phụ cha chăn bò, chăn trâu. Tuổi thơ luôn là đầu trần phơi nắng, tắm suối, tắm sông và long nhong với những trò chơi dân gian đậm tình làng nghĩa xóm. Ở đó nhà nào khá lắm mới cho con đi học với ước mong sau này con mình chẳng phải khổ như mẹ như cha.
Gia đình Vy nghèo. Nhà có bốn đứa con song cha mẹ Vy cố bòn từng chút một, tích góp, dành dụm cho hai chị em Vy ăn học cho bằng bạn bằng bè, cho có nghề có nghiệp, cho thoát khỏi kiếp nghèo. Ngày ra đi, Vy đã dặn lòng sẽ dốc sức học hành, để thành nhân, thành danh để trong một tương lai gần có thể về báo hiếu cha mẹ. Ngày Vy đi, ngoài những gì mang theo là vật chất, Vy còn cất vào tim lời dặn dò của cha mẹ: “Nhớ đi lễ, đọc kinh, nhớ rằng mình là người Công giáo, sống đạo bằng tình thương”. Ngày lên đường, Mẹ nhét vào áo Vy chuỗi hạt Mân Côi có mùi mồ hôi của mẹ.
---//\\---
Hạ Vy đứng dưới mái hiên của nhà thờ. Cô đang chờ hai bạn đang cầu nguyện ở trong. Trời vào xuân, nhưng cái lạnh của tiết trời Đà Lạt vẫn thấu da thấu thịt. Không gian tĩnh mịch lất phất một vài cơn mưa phùn làm khung cảnh của buổi chiều cuối năm sao mang một chút man mác buồn.
Hạ Vy siết chặt vòng tay, mắt hướng về tượng đài Đức Mẹ thầm nguyện khẽ:
- Lạy Mẹ Maria, tết năm nay con xa nhà. Con không ăn tết với bố mẹ con được. Mẹ biết mà, quê con ở xa, tiền đi lại tốn kém quá, nếu con về quê rồi trở vào tốn biết bao nhiêu tiền Mẹ ạ! Bố mẹ con vất vả, gia đình con lại nghèo. Thực sự con không muốn đeo thêm một gánh nặng vào cổ cha mẹ con. Tết năm nay con ở lại. Con sẽ đi làm, để kiếm thêm chút tiền trang trải cuộc sống của con. Mẹ ơi! Con nguyện xin rằng, xin cho bố mẹ con khỏe mạnh, thân nhân con bình an. Con thèm tết ở quê con ngập tràn tiếng cười nói rôm rả. Con nhớ bố mẹ và các em con, Mẹ ơi!
Hạ Vy thấy nơi lồng ngực nghẹn ứ. Hai dòng lệ cứ thế lăn dài trên gò má. Nỗi xót xa đứa con tết không thể về. Mẹ ơi, có thấu không?
Hạ Vy đưa tay lau khô dòng lệ. Mặc kệ ngoài kia trời đang lất phất mưa nhưng cô vẫn quyết định ra đứng dưới chân Đức Mẹ. Ngước mắt lên và nguyện khẽ:
- Mẹ ơi! Xin làm vơi nỗi nhớ của bố mẹ và các em con nhớ về con… - Giọt nước mắt chực tràn khẽ lăn vội. Tiếng nấc chơi vơi giữa khung trời vắng lặng. - Con mong thời gian ni trôi đi thật nhanh, Mẹ ạ! Để tất cả những ai không thể đoàn viên với gia đình tìm lại được bình yên trong lòng nhanh chóng.
Hạ Vy chưa cầu nguyện xong thì đã nghe vọng tiếng của Trúc Linh và Thi Thảo.
- Mi bị chi rứa? Điên hay răng mà đứng ngoài mưa rứa? Mi khóc à? - Thi Thảo đặt tay lên vai bạn mình hỏi.
- Có khóc đâu! Nước mưa thôi. - Hạ Vy xoay người để che giấu cảm xúc.
- Có… đâu! - Trúc Linh cố nhại lại giọng miền bắc của Hạ Vy rồi cúi người nhìn thẳng vào mắt của bạn mình.
- Hai mắt đỏ hoe mà bày đặt.
Trúc Linh khịt khịt mũi, đưa hai tay che mắt, mỉm cười.
Lòng Hạ Vy nghĩ gì, chẳng lẽ Trúc Linh và Thi Thảo không biết. Khi tết càng gần, phố phường vắng tanh bởi mọi người về quê đón tết. Thì hơn ai hết, những người ở lại phải là những người thấu hiểu nhau hơn cả. Lòng nhớ mẹ, thương cha, thương gia đình, họ hàng có thể đem giấu ở đâu cho người ta khỏi biết. Nỗi thổn thức ấy, chất đầy trong lời nguyện xin cho gia đình an bình, cha mẹ khang an, họ hàng khỏe mạnh, cho các em lớn khỏe chăm ngoan. Nguyện ước ấy cũng chất đầy trong những khóe mắt chực tràn giọt lệ rồi thấm mặn bờ môi của kiếp người xa xứ và có khi nó chảy ngược vào trong tim.
Trúc Linh cố tìm cách giải tỏa bầu không khí:
- Thôi đi về nhà, tỉ tỉ sẽ làm món côca pha với sữa mà tỉ tỉ mới học được sáng nay ở chỗ làm thêm. Phải nói là ngon hết ý.
- Thôi, thôi, thôi… - Thi Thảo chắp tay lạy lạy cô bạn đồng hương. - Cả ngày hôm nay Thảo ta đây bị Tào Tháo rượt mệt gần chết cũng vì mấy cái món chết tiệt trà sữa, bánh tráng trộn, mì cay tối qua đã đọa đày thân xác. Sợ lắm rồi! Sợ lắm rồi!
Hạ Vy không nhịn được cười xen vào:
- Tớ cũng bị đau bụng như cậu. Mệt chết! Tưởng tết được thảnh thơi, ai ngờ cả ngày ở chỗ làm phải xin đi mua thuốc thang uống cho đỡ.
Trúc Linh cố thanh minh:
- Tại Hạ Vy mà, chiều qua nó đề nghị chuyện đi chơi mà.
Cả ba lặng thinh một hồi rồi Trúc Linh lên tiếng:
- Thôi được rồi, tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng, được chưa? Cãi nhau làm chi cho mệt. Tau có ý ni, để kết năm cũ, đón chào năm mới và để giúp nhau vơi đi nỗi lòng, tau đề nghị tối đi thức khuya đón giao thừa tụi mình sẽ uống bia và ăn snake.
Thi Thảo và Hạ Vy tròn mắt nhìn Trúc Linh. Vì từ lúc quen cô nàng đến bây giờ, chưa bao giờ hai cô thấy Linh hào khí đến như vậy. Trúc Linh nổi tiếng ở khoa và ở dãy trọ là ngoan hiền, đạo đức, chuẩn mực, nết na. Vậy mà giờ đây, Linh dám đề nghị Thi Thảo và Hạ Vy “nhậu”.
Hạ Vy chẳng máy mắt nhìn Trúc Linh nói:
- Gấu vậy? Làm thiệt hả?
Trúc Linh nhún vai, đưa ngón tay cắn cắn vào răng rồi nói lí nhí:
- Mỗi người một lon thôi mà.
Xem ra đây là cách tốt nhất để bật ra khỏi đầu Hạ Vy cái ý tưởng coca-sữa chết tiệt. Thi Thảo duyệt ý định của Trúc Linh vì còn một suy nghĩ cao cả hơn. Tối nay giao thừa, bật nắp khai xuân theo quảng cáo trên tivi mà cô xem được.
Đây sẽ lần đầu tiên ba cô nàng đón tết xa nhà và cũng là lần đầu tiên ba “thanh tiên tóc dài” thử vai “nâng chén tiêu sầu”. Tối nay, Trúc Linh, Hạ Vy, Thi Thảo sẽ nghêu ngao ca hát. Cả ba sẽ thức đón giao thừa, sẽ chúc nhau năm mới và sẽ nói tiếng lòng trong men say và đôi khi là để dễ ngủ trong cái đêm tình máu mủ như quyện chặt nhớ thương.
--//\\---
Đà Lạt, sáng mồng một tết, cái rét của buổi sáng tinh sương làm người ta khó mà bước ra khỏi giường. Nhưng hôm nay là ngày đầu năm mới, sự khoan khái, mau lẹ hứa hẹn những tháng ngày suôn sẻ. Đầu xuôi đuôi lọt mà.
Hạ Vy bật dậy, đưa tay làm dấu thánh giá rồi cầu nguyện, đây là nhân đức, là thói quen tốt lành từ nhỏ của cô mà chưa bao giờ Vy bỏ cả. Gấp gọn xong chăn gối, cô đến bồn rửa mặt, nhận thấy mắt mình sưng húp vì những gì diễn ra tối qua. Vy đưa tay xoa xoa thái dương và cau mày vì cơn đau đầu ập đến bởi tác dụng của men bia mang lại. Dẫu thế, cô vẫn bật cười một mình vì thái độ “liều” của cả ba nhưng cũng thầm cảm tạ Chúa đã gửi đến cho cô những người bạn để lắng nghe, sẻ chia và nâng đỡ cô trong những lúc khó khăn và buồn tủi nhất.
Trúc Linh và Thi Thảo vẫn đang ngủ say. Tư thế ngủ của hai cô bạn đến từ Nghệ An làm Hạ Vy bật cười. Dẫu có trong tư thế nào, Hạ Vy vẫn tin rằng, hai bạn cô đang có giấc ngủ ngon và giấc mơ đẹp, có thể là giấc mơ đoàn viên bên gia đình, họ hàng vui tết.
Rón rén, nhẹ nhàng bước ra khoảng sân trước nhà, Hạ Vy lấy điện thoại bấm số gọi cho gia đình. Tiếng chuông chờ của điện thoại làm tim cô hồi hôp và nghẹn ứ. Đây đâu phải là lần đầu tiên cô gọi cho gia đình nhưng sao có một nỗi nghẹn ngào khó diễn tả. Phải chăng đó là nỗi xót xa, tủi thân hay là nỗi nhớ nhà da diết.
- Alô! Vy con! Con sao rồi?
Dòng lệ nơi khoé mắt của cô chực trào, nỗi nghẹn ngào xâm chiếm.
- Alô! Vy, con sao thế?
Hạ Vy đưa tay quẹt nước mắt, nén lòng rồi cười nói:
- Con đây mẹ? Con không sao cả, chỉ là… là… do trong kia người ta mừng tết cười nói ồn quá nên con ra đây để nghe cho rõ. À! Mẹ ơi, con chúc tuổi mẹ, chúc mẹ sức khoẻ, bình an và luôn ngập tràn ân sủng Chúa.
Hạ Vy nghe tiếng nói của bố và các em, cô biết mẹ đang bật loa ngoài, Vy nói tiếp:
- Con chúc bố… Chị chúc các em…- Cô cố nói thật to, giọng thật cao để cố che lấp đi nỗi nghẹn ngào chực thành tiếng.
- Vy à! Tết năm nay không có con ở nhà, bố mẹ và các em còn đâu vui tết. Mẹ biết, con cô đơn và tủi thân lắm.
Hạ Vy cố phân bua:
- Đâu có, ở đây đông người và vui lắm, con được mọi người yêu thương và còn được lì xì nữa. Mẹ biết mà, vì hợp đồng công việc nên con phải ở lại, chứ chẳng phải vì… Mà thôi, Mẹ đừng lo cho con, con lớn rồi, con tự chăm sóc bản thân được mà.
Hạ Vy cố nói thật nhiều, kể thật nhiều để mong làm an lòng mẹ cha nơi xứ xa đang thương nhớ cô.
- Vy à! Cho dẫu có khó khăn thế nào đi nữa, buồn tủi thế nào đi nữa, dẫu cho bố mẹ không ở gần con thì con luôn nhớ có Chúa và Đức Mẹ luôn đồng hành và nâng đỡ con. Nhớ chưa? Con còn giữ chuỗi hạt Mân Côi mẹ đưa cho con không?
- Dạ có, con vẫn luôn mang nó trên mình. - Hạ Vy đưa tay sờ lên chuỗi hạt đeo ở cổ.
- Con à! Đừng chỉ mang nó trên mình như một trang sức, như một vật tô điểm cho con, mà hãy luôn lần hạt, hãy làm đẹp cho linh hồn con, nha Vy!
- Dạ!
- Bố mẹ và các em mỗi tối vẫn luôn lần hạt cầu nguyện cho con. Hãy để chuỗi hạt Mân Côi nối kết chúng ta trong lời cầu nguyện con nhé! Vy, bố mẹ và các em mừng con bước sang một tuổi mới.
- Cảm ơn mẹ, con sẽ làm như lời mẹ dặn. Mẹ và cả nhà gắng giữ gìn sức khoẻ, cho con gửi lời chào thăm và chúc tết đến mọi người trong họ hàng mẹ nhé!
- Ừ! Cả nhà yêu con. Nhớ luôn gọi điện cho mẹ nhé!
- Dạ! Cả nhà ăn tết vui. Con chào mẹ.
Hạ Vy cúp máy, đưa tay áp chuỗi hạt mân côi có hình Chúa và Đức Mẹ vào lồng ngực. Cô cảm nhận một sự bình an xâm chiếm lòng mình vì cô biết Chúa và Đức Mẹ luôn ở bên cô và gia đình luôn ở bên cô trong lời cầu nguyện. Cho dẫu có xa cách bởi khoảng cách địa lý nhưng những gì bền chặt nhất, thiêng liêng nhất và nồng ấm nhất lại sống mãi khi chúng ta nghĩ về nhau, đặc biệt hơn là khi cầu nguyện cho nhau.
Hạ Vy lau khô dòng lệ, mặc kệ hai cô bạn cùng phòng có than phiền vì bị đánh thức, mặc kệ tiết trời lạnh căm, Vy muốn cô và các bạn sẽ đón tết cùng Chúa và Mẹ Maria trong thánh lễ đầu năm, vì cô thân tín rằng: Chúa và Đức Mẹ là điểm tựa tuyệt vời nhất.