Chuyên Viên Kiếm Cớ

HKN
Mã số: 17-033



Minh nhỏ là cái tên tôi nhớ đầu tiên khi mới chân ướt chân ráo đến điểm hoạt động Tông đồ mỗi dịp cuối tuần là Làng trẻ em SOS. Sở dĩ tôi ấn tượng và nhớ cái tên này vì, Minh là con út trong nhà Mẹ Liên (nhà số 15) và hơn nữa, trước đây nhà có một anh lớn tên Minh nên để dễ phân biệt, mẹ quen gọi nó là Minh nhỏ. Ngoài ra, em có dáng người nhỏ nhắn và loắt choắt như cậu bé trong bài thơ mà tôi được học thuở nhỏ. Em có đôi mắt khá tinh lanh và đang ở độ tuổi "Đồng cỏ non" - giai đoạn gắn liền với biết bao những trò tinh nghịch và những chiêu "làm nũng" khiến nhiều người phải chào thua. Vì thế, tôi đặt cho thằng Minh nhỏ cái nickname "Chuyên viên kiếm cớ" cũng là vì nó thường vịn đủ trăm ngàn cớ để trốn tránh, không chịu đi chơi với tôi. Ngoài ra, cũng nhờ những “cái cớ” ấy mà tôi có cơ hội để nói về Chúa cho em.
Mỗi buổi chiều thứ 7, khi tôi đến Làng, tôi thường dừng xe bên hông nhà, gần nơi cửa sổ phòng ngủ của tụi nhỏ. Điều đầu tiên tôi cảm nhận được đó là bầu không khí tĩnh lặng và an bình, nhưng cũng có phần hơi "lạnh lẽo" như trong những bộ phim ma mà tôi từng xem. Tôi đùa thế thôi! Thực ra, khi tôi đến là lúc tụi nhỏ đang say giấc trưa. Do đó, nhiều hôm tôi phải "vật lộn" mãi mới kéo được các em, nhất là thằng Minh nhỏ ra khỏi giấc ngủ đầy mê hoặc ấy. Kể cũng tội vì theo lời mẹ Liên, cả tuần chúng phải bận rộn và mệt mỏi vì việc học hành nên chỉ có dịp cuối tuần là mẹ cho phép chúng được ngủ “thả ga”.Tôi nghĩ bụng, thế mà mình lại đến phá bĩnh! Có lẽ, đối với chúng, giấc ngủ thì quý báu và hấp dẫn hơn nhiều so với những trò chơi hay những câu chuyện mà tôi bày ra cho tụi nhỏ. Hơn nữa, mẹ cũng chia sẻ rằng, nhiều khi mẹ cũng muốn làm món này món kia cho tụi nó thưởng thức vào cuối tuần, nên có khi bữa trưa thường kết thúc trễ và dĩ nhiên là chúng không còn nhiều thời gian để “nướng” trước khi tôi đến. Tôi nhớ có lần thằng Minh nhỏ khiến tôi không khỏi buồn cười. Khi tôi vào phòng gọi nó dậy, một tay nó "chiến đấu" với tôi và xua tôi như đuổi tà; trong khi đó, tay còn lại nắm chặt lấy bình sữa, miệng nhấm nháp những giọt sữa cuối cùng còn sót lại trong bình, đang khi đôi mắt vẫn còn nhắm nghiền. Nhìn mà thấy thương ghê! Thế rồi tất cả cũng để phải dậy sau hiệu lệnh của Mẹ: "Mấy đứa có dậy hay không thì bảo? Các Thầy đang chờ kìa!" và tất cả, không ai bảo ai, kể cả thằng Minh nhỏ bắt đầu lồm cồm bò ra khỏi giường.
Quay trở lại với "Chuyên gia kiếm cớ", thật có lý để gọi thằng Minh với cái biệt danh ấy vì trong lĩnh vực "kiếm chuyện" này, tôi có đủ lý do để phong cho nó tước hiệu này và nó xứng đáng với tước hiệu ấy. Cái cớ đầu tiên bắt đầu từ chuyện con cá vàng. Việc mang cho các em những con cá cảnh này chẳng phải là sáng kiến độc đáo gì nhưng thực ra là tôi bắt chước từ những người khác. Một chiều thứ 7 đẹp trời, tôi loay hoay bắt một vài con cá vàng bỏ vào túi nilon rồi hí hửng đem qua cho tụi nhỏ. Tôi cứ đinh ninh trong đầu là tụi nó rất thích cá vì tôi thấy “thằng Nam” và “thằng Khang”, anh của thằng Minh nhỏ cũng thi nhau nuôi những con cá phướn, quê tôi quen gọi là Cá đá vì nó rất hung dữ và luôn chực chờ để tấn công những con cá khác. Thế nhưng tôi đã lầm to! Thoạt đầu, khi tôi đem cá đến và đứa nào cũng tranh nhau đòi lấy trước rồi chúng nó cũng kiếm được một cái hồ làm bằng xi măng cũ kỹ nằm ở góc sân sau nhà để nuôi cá. Thằng Nam thì lanh chanh lấy nước rồi đổ cá vào hồ, thằng Minh nhỏ cũng xí xọn đòi đi bắt lăng quăng để cho cá ăn nhưng thằng Khang đã nhanh chân hơn, nên nó đành chọn giải pháp an toàn nhất là ngồi càng gần cái hồ càng tốt để không một ai có thể cướp những con cá của nó. Nhìn tụi nhỏ phấn khởi mà lòng tôi cũng vui lây. Tôi hy vọng từ hôm nay mấy đứa sẽ nghe lời hơn nhờ "những mồi dụ" này. Đùng một cái, thằng Minh nhỏ dở chứng. Như tôi đã nói từ đầu, nó là một chuyên gia trong lĩnh vực này.
Đến giờ chơi, thằng Minh nhỏ bắt đầu ngồi lì ra ở trước cửa. Tôi rủ nó:
- Đi chơi không Minh?
- Đi đi mà, anh nói nghe lần sau anh mang thêm cá đẹp đến cho!- Tôi năn nỉ.
Nó lên giọng thách thức tôi:
- Không thèm! Em lấy cá đá của anh hai để giết chết cá của anh!" nó vừa nói vừa vênh vênh cái mặt trông thật đáng ghét.
Tôi nghe như sét đánh ngang tai. Hóa ra nó cũng chẳng mấy mặn mà với những chú cá mà tôi cho, và nó xem chúng chẳng khác gì với mấy món đồ chơi vất vương vãi trên sàn nhà của nó. Nhìn thằng Minh, tôi liên tưởng đến các em ở Trung tâm thanh thiếu niên 3.Tôi phân vân tự hỏi sao các em ở Trung tâm này lại quý những con cá mà các anh Ba thôn mang đến cho. Còn các em ở Làng trẻ em SOS này, nhất là thằng Minh nhỏ lại không thích thú lắm với những chú cá này. Tôi càng suy nghĩ càng thấy thương mấy em ở Thanh thiếu niên 3 hơn vì tôi nhận ra một điều khác biệt duy nhất ở 2 nơi này đó là tình yêu thương. Ở Thanh thiếu niên 3, các em có nhà ở kiên cố nhưng lại thiếu một Mái ấm thực sự. Các em có những người quan tâm giúp đỡ, nhưng lại thiếu một trái tim của người làm cha mẹ để tận tình hi sinh và chăm lo cho các em. Hơn nữa, các em cũng được cắp sách đến trường, nhưng các em thiếu những bài học làm người; tất cả những gì các em nhận được chỉ là một mớ kiến thức khô khan và những ánh mắt răn đe. Ngoài ra, các em cũng chẳng có gì để chơi đùa và thiếu thốn đủ thứ, nên những con cá mà các anh Ba thôn cho quả thực là quý như vàng. Nói như thế để lý giải tại sao tụi nhỏ ở Làng trẻ em SOS, nhất là các em ở nhà số 15 mà cụ thể là thằng Minh nhỏ lại không quý những con cá mà tôi đem đến cho các em. Lý do đơn giản chỉ là vì các em được chăm sóc trong tình yêu thương của bầu khí gia đình, cả về vật chất lẫn tinh thần. Vì vậy mà "món quà" mà tôi mang đến xem ra cũng như bao món quà khác mà chúng vẫn nhận được, thật đáng thương cho những mảnh đời bất hạnh vẫn đang tồn tại trong cuộc sống này và cũng tiếc thương cho số phận những con cá bé bỏng của tôi! Thế rồi, tôi đành phải ở nhà và kiếm một vài câu chuyện để kể cho chúng nghe. Tôi nhớ có lần tôi kể cho chúng nghe về cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su. Tụi nhỏ rất chăm chú lắng nghe, hết đứa này đến đứa khác đều há miệng và trợn tròn mắt, nhất là thằng Minh nhỏ vì xưa nay chúng chưa từng được nghe câu chuyện nào “kinh dị” như thế. Kể là thành công bước đầu của tôi vì tôi đã kích thích được trí tưởng tượng và tò mò của chúng. Những ngày kế tiếp, chúng liên tục thắc mắc với tôi về Chúa và về đạo Công giáo. Có lần thằng Minh nhỏ hí hửng khoe với tôi: “Anh ơi, em mới nhìn thấy Chúa đó!”. Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
- Em nhìn thấy ở đâu thế?
Thằng nhỏ leo lên một tảng đá to trước nhà, tay chỉ về phía xa xăm.
- Anh nhìn kìa, Chúa đó! Trên thánh giá ở đàng kia đó. Anh nói em là Chúa bị treo ở trên đó mà!
Tôi phì cười! Thực ra thì thằng nhỏ chỉ tay về phía ngôi thánh đường cách nhà của tụi nhỏ không xa, và trên chóp đỉnh của tháp chuông đó là biểu tượng thánh giá. Thằng nhỏ thật đơn sơ và dễ thương! Tôi chợt nghĩ tới đoạn lời Chúa vọng lại bên tai “Ai không trở nên như trẻ nhỏ thì chẳng được vào Nước Trời” và quả thực, Nước Trời là của những ai giống như chúng!
Thú thật, nhiều lúc tôi đành “bó tay” trước những câu hỏi đầy “thơ ngây” nhưng rất hóc búa của tụi nhỏ. Tôi hạ quyết tâm rằng, cứ nói trong phạm vi hiểu biết của mình, phần còn lại để “Chúa lo”!
Tạm gác lại chuyện của những con cá, "chuyên gia" Minh nhỏ tiếp tục làm tôi giở khóc giở cười với sự lì lợm của nó. Một ngày thứ 7 nọ, tôi đến nhà số 15 như thường lệ. Tôi nghe những "hiệu lệnh" quen thuộc phát ra từ cửa sổ phòng ngủ của tụi nhỏ nhưng chúng vẫn cố gắng nướng thêm một lát; thế rồi tôi bước vào phòng, sau một hồi "vật lộn" với thằng Minh nhỏ, cuối cùng nó thất bại và đành phải thức giấc. Vẫn câu hỏi cũ, tôi quay sang hỏi nó khi nó lủi thủi bước ra từ nhà vệ sinh.
- Minh nhỏ hôm nay đi chơi với anh không?- Tôi mau mắn hỏi.
Thằng nhỏ chần chừ một lát rồi khẽ gật đầu. Lòng tôi mừng thầm vì không biết hôm nay trời xui đất khiến ra sao mà nó gật đầu cái rụp để đi chơi với tôi. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của bao lần bị nó "giăng bẫy", tôi cũng hơi nghi ngờ. Sau khi "dụ" được thằng nhỏ tôi liền ra ngoài sân đứng đợi. Vì hôm đó trời nắng gắt nên tôi tìm một bóng cây để đứng đợi. Tôi mòn mỏi chờ đợi và nghi ngờ có chuyện gì không ổn đã xảy ra. Y như rằng, thằng Minh lấp ló sau cửa, thò cái mặt cau có ra và nói giọng giận dỗi:
- Em không đi nữa đâu, ai bảo anh không chịu đợi em!
Thực ra chỗ tôi đứng không xa lắm, chỉ cách hiên nhà khoảng chục bước chân thế mà thằng nhỏ kiếm chuyện làm eo. Thiệt tình hết chỗ nói, tôi đành bó tay và hơi ấm ức vì lại thua thằng Minh. Thật đúng là "chuyên viên kiếm cớ". Không dừng lại ở đó, khi tôi đang ở sân chơi với các em nhỏ khác, bất thình lình tôi thấy Minh nhỏ đang chơi đùa vui vẻ ở một góc sân. Tôi chạy lại hỏi nó:
- Ủa em lên đây lúc nào thế?
- Hi hi! em mới lên lúc nãy.- Nó đáp giọng tỉnh queo.
Rồi tôi dẫn nó đến chơi với các bạn trong nhóm của tôi. Gần giờ ra về, nó lật đật chạy lại chỗ tôi.
- Anh cõng em về đi!- Nó khẩn khoản xin tôi.
Tôi trả lời hơi lạnh lùng:
- Lớn rồi còn bắt anh cõng gì nữa! Thôi đi bộ về nhà với anh và các bạn cho vui nè!
Nó không nghe trái lại cứ khăng khăng đòi tôi cõng về với lý do đơn giản rằng:
- Em làm mất dép rồi, đi chân không về đau chân lắm!
Ôi giời đất ơi! Tôi thiệt cũng hết cách với thằng nhỏ này. Thế là, tôi quyết định sử dụng chiêu bài cũ là kể chuyện cho chúng nghe, xem ra cách này luôn công hiệu. Rồi thằng nhỏ đành phải lẽo đẽo đi theo tôi, vừa đi vừa nghe tôi kể chuyện và liên tục hỏi tôi vô số câu hỏi; sau cùng thì chúng tôi cũng về được đến đích, đó là ngôi nhà của thằng Minh nhỏ.
Một điều đáng lưu ý ở đây, đó là mỗi ngôi nhà nơi đây là một mái ấm thực sự với sự hiện diện đầy tình mẫu tử của một “người mẹ” (dĩ nhiên là không phải người đã sinh ra chúng vì mỗi một em trong ngôi làng này đều có những hoàn cảnh rất éo le và đáng thương; do thế, đa phần các em không biết rõ, không muốn hay thậm chí chưa một lần được gặp mặt cha mẹ mình. May mắn thay, mỗi “người mẹ” trong những mái ấm nơi làng SOS này là những vị “cứu tinh” thực sự dành cho các em. Riêng ngôi nhà mà tôi có dịp để đến và sống với tụi nhỏ, tôi cảm nhận chúng có một người mẹ tuyệt vời. Tuyệt vời là vì mẹ đã hy sinh tất cả tuổi thanh xuân và hạnh phúc riêng tư của đời mình để chăm lo cho “đàn con” – những người mà mẹ chưa một lần “mang nặng đẻ đau”; thế mà, mẹ vẫn yêu thương và lo lắng cho chúng hết lòng! Có lẽ, mẹ có được tình yêu cao vời như thế là vì mẹ được sinh ra và lớn lên trong một môi trường đạo hạnh, gia đình và hàng xóm đều là các Kito hữu; được tham dự các giờ đạo đức, đọc kinh, lần chuỗi Mân côi và Thánh lễ mỗi ngày trong một xứ đạo ấm cúng tình Chúa và tình người. Vì lẽ đó, tôi thấy đâu đó trong những ngôi nhà ở làng SOS này hình bóng của Thiên Chúa và Mẹ Maria, có thể là trên những tờ lịch treo tường hay qua những chuỗi hạt nho nhỏ đeo ở cổ tay. Không dừng lại ở đó, vào mỗi dịp cuối tuần hay trong những dịp đại lễ như Lễ Giáng Sinh hay Phục Sinh, các em cũng được mẹ dẫn đi tham dự các lễ hội và nhất là đến nhà thờ để tham dự các cử hành phục vụ. Tuy trong làng, theo lệ thường, các em được tự do chọn lựa tín ngưỡng khi đến tuổi khôn lớn, nhưng tôi nghĩ rằng, một cái cây hay một bông hoa muốn tươi tốt và phát triển mạnh cần phải được chăm sóc kỹ lưỡng ngay trong giai đoạn đầu đời. Tương tự như thế, những việc mẹ làm cho các em, tôi nghĩ cũng như những hạt mầm non nớt được chăm bón mỗi ngày, chắc hẳn một ngày không xa sẽ vươn lên mạnh mẽ và trổ sinh hoa trái. Cộng thêm vào đó, những hình ảnh cao đẹp mà mẹ để lại cho chúng sẽ là những gương sáng và là những dấu ấn khó phai trong lòng chúng!
Giờ đây cứ mỗi thứ 7 cuối tuần, tôi mong được đến Làng trẻ em SOS để được hồi hộp gặp bọn trẻ và nhất là thằng Minh nhỏ. Nhìn cái bộ mặt rầu rĩ và đôi mắt còn dính ghèn xanh, chắc hẳn ai cũng cho rằng nó đang ngái ngủ. Riêng tôi lại nghĩ khác, tôi nghĩ rằng cái lý do buồn ngủ chỉ là một phần nhỏ và cái lý do quan trọng hơn đó là dường như nó đang suy tính xem hôm nay nó sẽ giở "chiêu trò" gì ra để đối phó với tôi. Dường như lúc nào nó cũng cầm trên tay một quyển "Bách khoa toàn thư về các cái cớ" để khi tôi vặn hỏi là nó có sẵn ngay đòn đáp trả lại tôi. Tạ ơn Chúa vì đó là những thời cơ ngàn vàng Chúa đã ban để tôi được nói về Ngài cho các em. Cứ thế, tuần nào nó cũng dành cho tôi những bất ngờ thú vị và chắc rằng còn vô số những cái cớ mà tôi sẽ phải đối đầu; nhưng không sao, tôi thích được như thế và tôi háo hức chờ để được tiếp chiêu! Ước mong tình yêu thương mỗi người trao cho nhau luôn mãi thắm nồng và tình Chúa được triển nở ngày một hăng nồng hơn ở ngôi làng nhỏ bé nhưng ấp ám này.