“Nhà thơ” Nguyễn Trường Tộ

HKN

Mặc Giao

 

Nhân dịp lễ Giáng Sinh, kẻ viết bài này không dám "giảng" về mầu nhiệm Chúa giáng trần. Không dám vì học chưa thông. Vì vậy phải tìm kiếm chút tài liệu về một nhân vật lịch sử Việt Nam, theo đạo Công Giáo, sống ở thế kỷ 19, để cống hiến độc giả một đề tài có tí mùi đạo để gọi là có viết báo mừng lễ Giáng Sinh. Nhân vật được đề cập là Nguyễn Trường Tộ.

 

 

Từ trước tới nay, nói đến Nguyễn Trường Tộ, người ta chỉ nghĩ đến một sĩ phu thức thời, hiểu rộng biết nhiều, có lòng yêu nước, đã nhiều lần dâng sớ lên vua Tự Đức trình bầy những kế hoạch cải tổ quốc gia để giữ nước và phát triển đất nước. Ít ai ngờ Nguyễn Trường Tộ còn là một nhà thơ. Ông làm thơ chữ Hán, không làm thơ tiếng Tây, dù ông rất thạo Pháp ngữ.

Chúng tôi không trình bầy nội dung những sớ tâu "kinh bang tế thế" của Nguyễn Trường Tộ trong bài này. Chúng tôi chỉ nói về thơ của ông.

Trước hết, xin nói qua về thân thế và sở học.

Nguyễn Trường Tộ sinh năm1830 tại làng Bùi Chu, cạnh Xã Đoài, Nghệ An, nay là xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An (không phải Bùi Chu thuộc tỉnh Nam Định). Ông mệnh yểu, chỉ sống trên đời được 41 năm, chết vì bệnh năm 1871 tại quê nhà..

Việc học hành của ông không theo một quy củ trường ốc nào, không trường của các đại quan về hưu, cũng không trường Tây, trường đạo. Theo tài liệu nghiên cứu biên niên của Trà Ngọc Anh thuộc viện Văn Hóa Xã Hội thành phố HCM, Nguyễn Trường Tộ học chữ Nho với cha ở nhà, sau học với cụ Tú Giai ở Bùi Ngõa. Năm 22 tuổi, học với một vị cống sinh tên Hưu ở làng Kim Khê. Năm 25 tuổi, học với quan huyện Địa Linh tại làng Tân Lộc. Không thi cử. Không đậu ông cử, ông nghè gì hết.

Về tiếng Pháp, Nguyễn Trường Tộ học với Đức Cha Gauthier, Giám Mục Xã Đoài. Ông học rất giỏi, chẳng bao lâu đã đọc được các sách tiếng Pháp, biết cả chuyện Copernic đưa nguyên lý trái đất quay quanh mặt trời, trái với lý thuyết của Vatican lúc bấy giờ. Ông cũng được Giám Mục Gauthier cho tháp tùng sang Paris trong chuyến du hành 9 tháng, từ tháng 3 đến tháng 11-1867. Tại Pháp, ông đã mở mắt trước những văn minh tiến bộ của Tây phương. Theo Giáo sư Vĩnh Sính (dạy sử tại Đại Học Alberta, Edmonton, Canada), Nguyễn Trường Tộ đã gặp ở Paris nhà duy tân nổi tiếng của Nhật Bản Y Đằng Cát Văn (Ito Hirobumi) khi ông này cùng phái đoàn Nhật sang Pháp tham dự Hội Chợ Đấu Xảo Quốc Tế (Exposition Universelle) năm 1867. Y Đằng Cát Văn nổi tiếng đồng thời với Khang Hữu Vy, Lương Khải Siêu, những nhà chủ trương cải cách Trung Hoa. Nguyễn Trường Tộ học được của các vị này khẩu hiệu "Nên mở cửa chứ không nên khép kín", trái ngược hẳn với chủ trương "bế quan tỏa cảng" của các vua quan triều Nguyễn. Lúc này là thời kỳ Minh Trị Thiên Hoàng (Meiji 1868-1912) ở Nhật và vua Chulalongkorn ở Thái Lan. Nhờ đổi mới, Nhật đã trở thành cường quốc số một ở châu Á, đã đánh bại Nga năm 1905. Nhờ mở cửa chơi với hết mọi người, Thái Lan là nước duy nhất trong vùng Đông Nam Á giữ được độc lập.

Tiếng Pháp Nguyễn Trường Tộ đã giỏi, chữ Nho ông còn giỏi hơn. Tất cả những sớ tâu vua và gửi triều đình ông đều viết bằng Hán văn. Tháng 3-1863, Nguyễng Trường Tộ trình lên vua Tự Đức bản điều trần Thiên Hạ Đại Thế Luận (Luận tổng thể về tình hình thế giới). Nghe cái tên đã phát khiếp ! Những năm sau đó, ông còn trình đủ loại vấn đề quốc kế dân sinh về giáo dục học thuật, canh nông, kỹ nghệ, quốc phòng, ngoại giao. Vua Tự Đức và triều đình không tin ông, không chịu nghe ông, nhưng rất thán phục ông. Chẳng vậy mà trước khi ông đi Pháp cùng với Giám Mục Gauthier, vua Tự Đức cho vời ông vào kinh để hỏi thăm tình hình và thăm dò ý định của phái đoàn GM Gauthier khi ở Pháp. Ông mạnh dạn khuyên vua chớ để GM Gauthier dính vào việc điều đình đòi lại 3 tỉnh Nam Kỳ, nên tách rời việc điều đình với việc tôn giáo "để tôn giáo đỡ bị vẩn đục bởi chính trị mà sinh hiểu lầm về sau, và cũng bởi nước Pháp muốn xử dụng tôn giáo như một bước tiến chính trị, chứ đâu phải quyền lực Thiên Chúa giáo sai khiến được họ" (theo Nguyễn Thành Nam, một tu sĩ Phật Giáo, trích trong Nguyễn Trương Tộ Với Vấn Đề Canh Tân Đất Nước, tr 275. do Trung Tâm Hán Nôm ấn hành, Sài Gòn 1992). Như vậy là cả ông Công Giáo Nguyễn Trường Tộ lẫn ông Phật Giáo Nguyễn Thành Nam đã nhìn thấy vấn đề rất rõ. Chỉ có Tây muốn lợi dụng Công Giáo, chớ Công Giáo không rước Tây vào nhà.

May mà Nguyễn Trường Tộ gặp vua Tự Đức sau Hiệp Ước Nhâm Tuất 1862, theo đó vua phải để cho dân theo và giữ đạo Thiên Chúa, nếu không, ông đã bị xử trảm hay voi giầy ngựa xé rồi. Trước hiệp định này, Nguyễn Trường Tộ cũng đã phải trốn chui trốn lủi nhiều năm để khỏi bị quan quân bắt vì tội theo đạo Gia-tô.

Con người thực dụng Nguyễn Trường Tộ không khô khan như người ta tưởng. Ông cũng có hồn thơ lai láng như hầu hết các nhà nho thời xưa. Văn chương thi phú, tầm chương trích cú không làm ra cơm gạo, không cứu được đất nước, nhưng cũng là một thứ di dưỡng tính tình, giải tỏa nỗi lòng, điểm tí phong lưu cho cuộc đời của những hàn sĩ "an bần lạc đạo". Thơ của Nguyễn Trường Tộ làm theo thể thất ngôn bát cú Đường luật như hầu hết thơ của các cụ xưa. Thể thơ này rất khó làm. Lời phải cô đọng. Chữ nghiã phải đối nhau. Điều đặc biệt là Nguyễn Trường Tộ chỉ làm thơ chữ Hán, không làm thơ chữ Nôm.

Về nội dung, Nguyễn Trường Tộ cũng không đi ra ngoài thói quen tập thể "đối cảnh sinh tình". Đi qua đâu là vịnh cảnh thiên nhiên ở đó, đồng thời gói ghém trong thơ chút cảm nghĩ, tâm tư, gọi là "cảm khái". Chúng ta bắt đầu theo ông từ quê hương Nghệ An từ từ tiến vào Nam.

Đầu tiên là đi qua Đèo Ngang trên đường vào kinh đô Huế. Cũng cảnh đèo này, Bà Huyện Thanh Quan đã tả

Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa....

Nhưng Nguyễn Trường Tộ nhìn cảnh, nhớ ngay tới việc Nam Bắc phân tranh

Thử địa tích tằng Nam Bắc hận

Hân kim nhất thống Bắc Nam bình

Nguy quan túc tráng sơn hà sắc

Tuyệt đỉnh trung phân vũ trụ hình

Chiến lũy duy tàn lưu cổ tích

Ngự bi trường tại tác sơn linh

Hành nhân mạc thán đăng lâm khổ

Qúa thử phương tri cận Đế thành

 

Này đất từng ghi Nam Bắc hận

Mừng nay thống nhất cảnh thanh bình

Nguy nga tráng lệ mầu sông núi

Tuyệt đỉnh chia đôi vũ trụ hình

Chiến lũy đã tàn lưu cổ tích

Ngự bia còn đó dấu uy linh

Người đi xin chớ nề gian khổ

Qua khỏi đây rồi thấy Đế kinh

(Hoài Anh dịch)

Rời kinh đô Huế, Nguyễn Trường Tộ xuôi Nam bằng thuyền cùng với Giám Mục Gauthier trên đường đi Pháp để mua máy móc và tìm thợ chuyên môn. Qua Đà Nẵng, ông nhớ ngay đến cuộc giao tranh đầu tiên giữa hải quân Pháp, Nam năm 1856

Vạn đại thiên tri thử phong cảnh

Tây triều hà sự động binh đao

Nhất triêu sát khí không như thủy

Thiên cổ oanh thanh thượng nộ đào

Giang tự Tây Nam song phái hạ

Môn khai Đông Bắc lưỡng sơn cao

Như kim dĩ khánh kinh ba tĩnh

Phá lãng thừa phong khí tự hào

Vũng ấy muôn năm cảnh khác nào

Trời Tây sao bỗng nổi binh đao?

Can qua một sớm đầy sông thảm

Oan khuất nghìn năm dậy sóng ào

Từ ngả Tây Nam hai nhánh chảy

Mở đường Đông Bắc cặp non cao

Ngày nay sóng cả mừng yên tĩnh

Cưỡi gió lâng lâng khí tự hào

(Nguyễn Lân dịch)

Đi thuyền xuống dưới Đà Nẵng sẽ đến Ngũ Hành Sơn. Khi thăm thắng cảnh này, Nguyễn Trường Tộ cao hứng ví Ngũ Hành Sơn với núi Tu Di, nơi Đức Phật Thích Ca ngự. Tuy trong tâm trạng nhập thiên thai, Nguyễn trường Tộ vẫn bầy tỏ lòng yêu nước, kính báo với Đức Phật là ông đi Tây rồi sẽ lại trở về quê hương

Mộc lan nhất trạo phiếm phàm khai

Trực thướng Tu Di tả khoáng hoài

Thảo thụ kỉ kinh xuân đại tạ

Phong loan nhưng thị cổ ai hoài

Môn đương hoa thụ thừa loan hạnh

Hải nhiễu kim viên tống thủy hồi

Vị báo Thích Ca như luyến thế

Tùy ngô Tây khứ hựu trùng lai

Chèo lan một mái nhẹ ra khơi

Lên thẳng Tu Di rộng mấy trời

Cây cỏ bao lần thay sắc lá

Non sông còn đó bụi trần ai

Cửa chiềng nghiêng bóng mừng xa giá

Biển bọc quanh sân nước lại hồi

Kính báo Thích Ca còn luyến nước

Sang Tây rồi cũng lại về thôi

(Hoài Anh dịch)

Thôi, cho ông đi nhanh vào miền Nam. Vào Nam là phải đi thăm sông Cửu Long, trước khi trở lại bến Nhà Rồng để lấy tàu đi Tây. Ông đi thuyền nhàn du trên sông Cửu Long, nhưng lòng toàn nghĩ đến những tương tranh, tới sóng to gió cả, mây che vầng trăng. Cuối cùng, ông hy vọng sau những cơn sóng động, mặt nước sẽ trở lại an bình trong ánh sáng bình minh

Cửu Long hà sự dạ tương tranh

Giá vũ bài phong nhất trận hoành

Thôn hợp hải thiên đô thị thủy

Đích xao đào lặng bất phân thanh

Thuyền khinh tự giác tròn tam trượng

Vân án trường già nguyệt ngũ canh

Hải diện cổ lai đa thị trứu

Hiếu khan trang đắc lãng ngân bình

Chín rồng đêm nỡ phải phân tranh

Gió cuốn mưa tuôn một trận hành

Góp lại biển trời chung khối nước

Mưa rơi sóng lặng khó phân thanh

Thuyền nhẹ lướt triều cao mấy trượng

Mây ám vầng trăng cả ngũ canh

Mặt biển xưa rày nhăn với nhó

Sáng ngày trang điểm sóng yên lành

(MG thoát dịch)

Nguyển Trường Tộ còn có nhiều bài thơ khác, chẳng hạn những bài thơ vịnh cảnh Hồng Kông khi ông ghé qua đây trên đường từ Pháp về. Cũng tại cảng này, ông đi thăm đền Hạng Võ và đã cảm hứng đề hai câu đối

Anh hùng dụng võ phi vô địa

Chiến thắng thành công cái hữu thiên

Không đất, anh hùng sao dụng võ

Có trời, chiến thắng mới nên công

Nguyễn Trường Tộ lúc nào cũng có một tâm sự day dứt về quê hương đất nước

Quan hà điện định nhưng y cựu

Cảnh sắc thương mang dĩ bất tiền

Sơn hà đã định như xưa

Nhưng sao thương hận như chưa bao giờ

Đất nước có vua Việt lại có quan toàn quyền Tây, Biết ai là chủ đất này?

Như thử giang sơn thùy thị chủ

Yếu tương tình sự vấn chi thiên

Đất nước sơn hà ai đấy chủ?

Biết đem tâm sự hỏi Trời thôi

Dù ai là chủ, một bước lỗi lầm là di hại trăm năm

Nhất thất túc thành thiên cổ hận

Tái hồi đầu thị bách thiên cơ

Một bước lỡ lầm hờn vạn thuở

Quay đầu ngó lại đã trăm năm

Qua những vần thơ của ông, chúng ta nhận ra Nguyễn Trường Tộ có tâm sự buồn. Buồn vì vận nước suy vong, có tài mà không được dùng, thấy sai mà không được sửa, thấy những người cai trị u mê mà không thể khai sáng, muốn giúp dân giúp nước nhưng bị gạt ra ngoài. Tâm sự của ông cũng là tâm sự của hàng triệu người Việt Nam hiện sống sau ông trên một thế kỷ.

Một kẻ hậu sinh đã hiểu ông, hồn thơ đã rung cùng nhịp với ông và đã viết tặng ông bài thơ TRĂN TRỞ

Trọn bầu nhiệt huyết gửi giang sơn

Tổ quốc hưng suy ngại mất còn

Kẻ sĩ một lòng không ý vẩn

Điều trần lắm bản nặng lời son

Cành xưa mục nát nên trừ rễ

Đường mới vinh thăng vẫn nhớ nguồn

Trăn trở năm canh buồn thế sự

Cùng ai vun gốc nhánh sinh tồn?

19-12-1991 Hồng Khương

Những vần thơ của Nguyễn Trường Tộ đã biểu lộ một khiá cạnh khác của một Nguyễn Trường Tộ đa tâm, đa tài, đa dạng.

Người công dân Nguyễn Trường Tộ có nhiều ước vọng phục vụ quê hương và dân tộc, nhưng kẻ sĩ không gặp thời.

Người giáo dân Nguyễn Trường Tộ muốn dùng nén bạc Chúa cho để sinh lời, nhưng "việc đời làm sao con làm hết, việc trời hãy để trời lo".

Chỉ còn nhà thơ Nguyễn Trường Tộ là được thỏa chí sáng tác, nhưng lại không thưởng hoa vịnh nguyệt, mà chỉ nói lên nỗi lòng trăn trở với vận nước, nỗi nhà. Đó chính là đặc điểm của thơ Nguyễn Trường Tộ.

(nguồn: http://diendangiaodan.com/Dien%20Dan%20So/so157/VietTuCanada%20NhaThoNguyenTruongTo.htm)