II. Mùa Yêu-Tình Xuân Trong Chúa

admin
(tiếp bài I. Mùa Yêu- Cảm nhận Tình Người trong Xuân)

II. TÌNH XUÂN TRONG CHÚA
Mỗi người là một nhân vị độc lập và tự do, nên mỗi người có những cách sống và những lối cảm nghĩ khác nhau. Tuy nhiên khi sống chung trong một môi trường, cùng ở trong một hoàn cảnh thì ít nhiều cũng có những nhận thức tương hợp không đến nỗi quá dị biệt. Cho nên vẫn còn mãi những Mùa Đông, hoặc bổng biến thành Mùa Xuân nhưng mãi mãi chỉ có một Mùa Yêu.
II.1. Vẫn còn mãi Mùa Đông
Tôi lặng người để lắng nghe bài hát được kể:
“Rồi dặt dìu mùa Xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa Xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn.”

Có những người vẫn chưa thấy én về, chưa thấy tình xuân đang dặt dìu, mặc dù hằng ngày họ vẫn đang chăm chút mấy cây hoa, vuốt lại dăm chậu kiểng. Những con người ấy lặng lẽ sống bên đời, vẫn khép kín mình bên Mùa Xuân mà không nhận biết được đó là Mùa Xuân. Bởi họ đã không biết đón nhận tình người, họ coi Xuân như là một mùa bình thường, không còn là niềm vui, nên cũng chẳng cần mùa xuân phải trở về.
Còn đâu nữa tình người tình tri kỷ
Còn nữa đâu tình thầy bạn thâm sâu
Ôi lời hứa trên môi miệng ban đầu
Cùng phấn son nhạt phai theo ngày tháng.
Mưa vẫn mơn man những giọt sương cho hoa lá cỏ cây, mặt trời vẫn chiếu những tia nắng ấm áp cho mọi sinh vật, mây vẫn đùa về những làn gió thoang thoảng hương trời. Nhưng những con người ấy không cảm đượcMây”  tình yêu luôn “nghiêng xuống trên họ. Phải chẳng lòng họ không có “Chúa Xuân”, nên “Thơ Xuân” không thể “đọng giọt” trong họ.
Mây nghiêng xuống cho Thơ Xuân đọng giọt
Đó là một Mùa Xuân chỉ có cây, chỉ có lá mà thiếu hoa, nên chẳng thấy bướm, thấy ong đâu cả. Chẳng lẽ những con người đó không muốn ong bay bướm vờn trên những chậu lan khóm mai của mình sao. Hay vì ngôi vườn đó nồng nặc mùi phân ủ, hăng hắc thuốc trừ sâu nên ong xa bướm vắng. Vậy thì “Hương trời” làm sao kéo về được, hạt bụi mãi là hạt bụi chết lặng chứ không thể trở thành “hạt nắng” để bay lượn để “phiêu diêu” trong tình yêu.
“Kéo Hương Trời nâng hạt nắng phiêu diêu”
Cho nên dù vườn họ có treo bao nhiêu chậu lan thì vẫn cứ là cái chuồng chứ không là cái vườn, chỉ lủng lẳng chứ không thể xinh xắn, chỉ im hơi chứ không có vồn vã, chỉ hoang vắng chứ không có sum họp.
Lủng lẳng chuồng treo mấy giỏ lan
Lưa thưa chậu héo khóm mai vàng
Chó đói im hơi nhìn ngán ngẩm
Con hư người hỏng cửa nhà hoang.
Phải chăng lòng họ còn quá nhiều lo toan cho cuộc sống, còn quá nhiều tính toán hơn thua trong tình người nên chưa cảm được cái đẹp của cuộc sống, cái thi vị của đời người “Thơ khiết lắm” vì nó đem lại cho ta biết bao niềm vui, biết bao hy vọng “bật lên màu ánh sáng
“Thơ khiết lắm bật lên màu ánh sáng !”

Đối với họ, hình như mùa nào cũng là mùa tranh thủ kiếm tiền để tăng thêm lợi nhuận. Mùa nào cũng có kế hoạch cướp điều này bóc điều kia. Họ không còn cảm được cái cái hồn xuân là ở trong tình người yêu thương, trong khiêm hạ thứ tha, trong đoàn kết sum họp, trong chia cơm sẻ áo; chứ nó không óng ánh trong đống vàng mớ bạc, không tỏa hào quang trên lầu son gác tía, hoặc hợm hĩnh trên những chiếc xe cái ghế mà thoạt nhìn có vẻ oai vệ nhưng lại nhỏ nhoi và hẹp hòi làm sao. Cho nên “Ô bốn mùa” đối với họ chỉ là những cơ hội, những điều kiện thuận lợi để “bỗng biến thành mùa”…? mà chỉ có họ biết hoặc có lẽ chẳng có mùa nào cả.

“Ô bốn mùa ! bỗng biến thành mùa… !”
Cho nên Mùa Xuân không mơ ước ấy chẳng bao giờ đến với họ. Vì mắt họ nào còn cảm được nét thơ mộng khi thấy khói bay trên sông, tai họ nào còn nhận được âm hưởng khi lắng nghe tiếng gà gáy trưa bên sông. Họ nào cảm được nghĩa tình, nào biết được lòng chung thủy, nào biết sự nhân ái dù không còn gì thì cũng còn chút tình người cho nhau.
Ôi nghĩa tình chẳng còn gì buộc trói
Chẳng còn gì nhân ái sống cho nhau
Chẳng còn gì chung thủy có trước sau
Thì cơm nhạt có gì mà trách móc.
Xuân đã kề, tết đã cận, mùa xuân thanh nhã lắm, tình người nồng ấm lắm nhưng vẫn còn những con người chưa cảm được điều huyền nhiệm của tình yêu. Họ không nghĩ tình yêu mới là sự thật “A thật rồi” cho nên dù cho “Huyền Xuân” đang ngày càng gần “giăng trước ngõ”, họ vẫn không nhận ra.
“A thật rồi! Huyền Xuân giăng trước ngõ !”
Không nhận ra xuân, không cảm được xuân thì làm sao cảm được sự ngọt ngào của tình yêu “Lộc chớm mềm”, làm gì biết hương vị của tình yêu “mọng bờ ngát” đến độ phải “liêu xiêu”.
“Lộc chớm mềm mọng bờ ngát liêu xiêu”
Thiếu tình yêu, nên trong họ vẫn âm ỉ một nỗi buồn mênh mang nào đó, một sự trống vắng lẻ loi nào đó, nên họ không thể cất lên tiếng “Kinh reo hát”, vì có bao giờ họ “đong đưa lòng” để chia sẻ, để cảm thông với người khác đâu mà “chớp mở
“Kinh reo hát đong đưa lòng chớp mở”
Cho nên cuộc sống của họ tuy yên mà không lặng, thấy cười nhưng đầy cau có, ngỡ tươi thắm nhưng luôn bực bội, tưởng ấm áp nhưng lại lạnh lẽo, thấy duyên dáng nhưng lại là tiều tụy, thấy đủ nhưng vẫn thiếu… thiếu cái cơ bản nhất, cái quan trọng nhất, cái tuyệt vời nhất để hong mát cuộc sống để “hong mát mùa yêu”.
“Ô bốn mùa ! hong mát một mùa yêu !”


II.2. Bỗng biến thành Mùa Xuân
Rồi tôi lặng người để nghe bài thơ kể lại:
“Mây nghiêng xuống cho Thơ Xuân đọng giọt
Kéo Hương trời nâng hạt nắng phiêu diêu
Thơ khiết lắm bật lên màu ánh sáng !
Ô bốn mùa ! bỗng biến thành mùa yêu !”
Tôi vẫn còn nhớ rõ ngày hôm ấy, trong một buổi tối chia sẻ, tình cờ tôi ngồi sau người một dãy ghế. Chợt người quay xuống nhìn tôi một cách ngỡ ngàng rồi cười và vui vẻ nói: “Chào cô bé răng khểnh”. Tôi hơi ngơ ngác, nhưng chợt nhớ ra Chúa có trang điểm cho tôi một chiếc răng khểnh không lấy gì làm xấu xí, nhưng chưa bao giờ có một người để ý đến nó như hôm nay. Và từ lúc đó chiếc răng khểnh đã khởi đầu một câu chuyện...
Tôi thấy người loay hoay tìm một tờ giấy rồi hí hoáy viết rất nhanh điều gì đó, rồi nghiêng người xuống trao cho tôi một mảnh giấy khá nhàu nát đọc không rõ chữ, nhưng tôi biết đó là một bài thơ. Lúc đó tôi thật sự xúc động.
“Mây nghiêng xuống cho Thơ Xuân đọng giọt”
Qua một biến cố đau thương của gia đình, tôi cứ ngỡ cuộc đời tôi sẽ mãi tẻ nhạt, sẽ mãi đơn lạnh... mười mấy năm rồi còn gì. Chỉ còn nỗi luyến nhớ nhưng theo thời gian cũng nguôi nhạt dần, chỉ còn tiếc nuối tuổi xuân nhưng rồi cũng qua đi theo năm tháng. Trước mắt, tôi chỉ biết sống sao cho đẹp lòng Chúa và làm tròn trách nhiệm mà Ngài đã thương giao.
Cuộc sống con người cần gì Chúa nhỉ?
Một con đường
về đâu
những lối sầu.
Cuối con đường chợt thấy
bên đời quạnh hiu.
Nhưng cái nghĩa cử tặng thơ của người nó thật nhẹ nhàng và tự nhiên làm sao. Tự nhiên đến độ tôi cứ ngỡ đã quen nhau từ lúc nào. Điều này khiến tôi cảm thấy mình vẫn còn có ý nghĩa cho một ai đó, và một niềm vui nho nhỏ reo lên trong tôi
“Kéo Hương trời nâng hạt nắng phiêu diêu”
Lời thơ của người thật đơn sơ và nhẹ nhàng, nhưng rất thi vị và đầy tình cảm. Nó không lộ liễu mà rất đỗi chân thành và tôi đã cảm được điều người muốn nói
“Thơ khiết lắm bật lên màu ánh sáng !”

Từ lúc đấy lòng tôi cứ miên man suy nghĩ về người, tôi không còn chú tâm vào một việc nào khác nữa. Mặc cho ai ngâm, ai ca, mặc cho ai hát, ai múa. Buổi tối hôm đó tôi đã không còn thấy một điều gì khác... ngoài người.

“Ô bốn mùa ! bỗng biến thành mùa yêu !”
Rồi những ngày họp mặt cũng trôi qua, người đi với nụ cười tạm biệt và tôi cũng vội trở về với những công việc đơn lẻ hằng ngày.
Cuộc sống con người cần gì Chúa nhỉ?
Một con người
tìm nhau
muôn kiếp sầu.
Đến bên đời
chợt đau
cô đơn
một nỗi.


“A thật rồi! Huyền Xuân giăng trước ngõ !
Lộc chớm mềm mọng bờ ngát liêu xiêu
Kinh reo hát đong đưa lòng chớp mở
Ô bốn mùa ! hong mát một mùa yêu !”
Cho đến một hôm tôi ngỡ ngàng khi nhận ra rằng, hình như có một điều gì đó rất lạ trong tôi, tựa như một mùa Xuân đang đến thật gần và rất ư huyền nhiệm.
“A thật rồi! Huyền Xuân giăng trước ngõ !”

Lạy Chúa! Có phải chăng Ngài muốn tặng cho con một điều gì đó. Những điều mà con đã từng thăn thỉ với Ngài trong những đêm dài thao thức, trong nỗi buồn vời vợi không biết chia sẻ cùng ai.
Để thấy cuộc đời luôn cần có nhau
Cần một chút đau để hiểu sự thống khổ
Cần một bờ vai để vỗ về thổn thức
Cần một ánh mắt để trao dấu yêu thương
Cần một nụ cười để thao thức đêm trường
Cần một chút hương để vấn vương tìm đến.
Dần dà con hiểu được tình người hơn và đặc biệt tình người trong Chúa thật đậm đà, thật lắng đọng. Người cũng chịu nhiều đau khổ và cũng chính nhờ những đau khổ này mà người ngày càng yêu mến Chúa hơn. Và hình như giờ đây, người chỉ biết duy nhất có một mình Chúa, tất cả làm cho Chúa và vì Chúa. Tình người trong Chúa đã làm mềm lòng con, làm cho con từ phiêu diêu đến liêu xiêu hồi nào chính con cũng không biết.
“Lộc chớm mềm mọng bờ ngát liêu xiêu”
Từ dạo đó con thấy lòng mình vui chi lạ. Niềm vui không ồn ào mà mềm mại như vỗ về. Niềm vui không xào xáo mà âu yếm như nâng niu. Niềm vui không nông nổi mà dịu dàng như đón nhận…Nó trầm lắng và mong manh như huyền tơ.
Kinh reo hát đong đưa lòng chớp mở

Phải chăng ngoài Chúa ra, trong tâm khảm con vẫn mong mỏi và cần một điều gì đó. Điều mong muốn đó có làm buồn lòng Chúa không? Lạy Chúa! Con không biết. Con chỉ biết bấy lâu nay con ở với Chúa. Khi buồn con thầm thỉ với Chúa, lúc vui con kể chuyện cho Chúa nghe, khi thất bại con trao tất cho Ngài, và trong mọi công việc Chúa thương giao, con chỉ thực hiện như là người tôi tớ, để xong rồi con ăn no ngủ kỷ mà không bận tâm đến điều gì khác ngoài Chúa. Thế nhưng bây giờ con lại cần một bến bờ, lại cần một lối đi?

Cần một bờ bến để mau tìm về
Cần một lối đi để chung nhịp bước
Phải chăng những năm tháng dài còn lại của đời con chỉ toàn là mùa Thu mênh mông, rồi bước sang mùa Đông hiu quạnh. Không đâu! Hình như niềm vui nho nhỏ đó đã làm cho mùa Thu của con trở nên thi vị hơn, mùa Đông trong con được ấm áp hơn, và có lẽ nó đang chuyển dần sang Xuân.

“Ô bốn mùa ! hong mát một mùa yêu !”

Bởi vì Chúa đã tạo dựng nên con và ban cho con một trái tim biết mơ ước, một trái tim biết trao ban. Cho nên con
Cần một mơ ước để chung niềm tin
Cần một trái tim để trao ban hạnh phúc.
II.3. Chỉ là một Mùa Yêu
Và tôi lặng người khi thấy bài hát và lời thơ như đang sống lại qua câu chuyện chia sẻ về nụ hôn của Đức Giám Mục Giuse Vũ Duy Thống viết trong “Nút vòng xoay”:
“Hôm qua có dịp ra phố ghé ngang một sáp báo, tôi tình cờ nghe từ quán cà phê đối diện vẳng ra một giọng hát trong trẻo: “Cao cao bên cửa sổ có hai người hôn nhau”. Bài hát đã nghe dăm lần bảy lượt qua các phương tiện truyền thông, có chăng chỉ là một cảm nhận về mùa xuân hạnh phúc, thế mà chiều nay bỗng thấy nôn nao khác lạ. Đó không phải là thứ nôn nao của kẻ độc thân bất chợt thấy mùa xuân bên cửa sổ, rồi tự nhiên tủi về phận mình như Michel Quoist đã ghi trong cuốn sách của ông; cũng chẳng phải thứ nôn nao của những kẻ trên đường phố đang hối hả về nhà dịp nghỉ cuối tuần. Thứ nôn nao rất lạ mà cũng rất đỗi thân quen.
Đang còn vẩn vơ với cái nôn nao ấy thì cô chủ sạp đã trao cho tôi tờ báo và vui miệng cô hát theo: “Thành phố ơi hãy im lặng cho hai người hôn nhau”.
Tới lúc này, tôi mới vỡ lẽ. Thì ra mình nôn nao là vì cái nụ hôn. Không phải của “anh lính về thăm phố với cô gái vào ca ba” như bài hát kể, mà là cái nụ hôn của một người cha dành cho đứa con hoang đàng trở về của bài Phúc Âm. Giai điệu ấy, nụ hôn ấy quyện lấy nhau và tự nhiên ngấm vào người tôi trở thành một thứ nôn nao, để hôm nay, xin được trang trải với cộng đoàn như suy nghĩ về trang Tin Mừng. Đó là nụ hôn của lòng thương xót.
1. Nụ hôn ấy vượt trên lý lẽ của sự công bình.
Nếu để ý, người ta thấy nếp nghĩ của những người con trong dụ ngôn Tin Mừng là nếp nghĩ vượt trên lẽ công bình. Làm sao người con thứ dám xin cha mình chia gia tài mà anh gọi là “thuộc về anh” trong khi cha mình sờ sờ còn sống? Làm sao người con cả lại vùng vằng làm mày làm mặt với cha khi cả đời hầu hạ mà chẳng có lương? Sẽ là hỗn nếu dựa trên cái tình, nhưng cũng có thể quan niệm được nếu dựa vào cái lý. Chính nhân danh sự công bình đương nhiên nào đó mà tư cách của hai người con trong dụ ngôn đã được hình thành.
Nhất là việc người con thứ trở về. Sau những ngày phung phá đến bước đường cùng, đến độ khánh kiệt gia tài, cạn kiệt sức khỏe, anh vẫn còn đủ tỉnh táo để hạch toán nẻo lối tìm về. Bởi vì dựa trên công bình, anh đã đốt cháy quyền làm con nên không thể được gọi là con nữa. Bởi vì dựa trên công bình, anh đã tự ý bỏ nhà ra đi ôm theo sản nghiệp nên muốn tìm về phải được cha chấp nhận. Bởi vì dựa trên công bình, anh chỉ dám coi mình như “người cần việc” tìm đến “việc cần người”. Nếu anh có gặp cảnh then cài khóa ổ xua đuổi chối từ có lẽ anh cũng phải công bình mà chấp nhận.
Lẽ công bình khó khăn là như thế nhưng nụ hôn của người cha đã hóa giải tất cả. Nó vượt  qua giới hạn của lẽ công bình để rạng rỡ là một nụ hôn của lòng thương xót. Người cha tha thứ hết. Không khóa trái đời sống người con thứ vào quá khứ tội lỗi, không niêm phong nhịp đời của anh vào bước đường phóng đãng, nhưng phục hồi quyền làm con như thuở ban đầu. Người ta không biết ở đâu lẽ công bình dừng lại và ở đâu lòng thương xót khởi đầu, nhưng chỉ biết rằng, bằng nụ hôn ấy sự tha thứ đã vượt lên chiếm lĩnh tiếng nói của lẽ công bình để trở nên nụ hôn của lòng thương xót.
2. Nụ hôn ấy vượt trên khuôn khổ của nền giáo dục.
Vẫn biết rằng khuôn khổ của tình yêu là một tình yêu không theo một khuôn khổ nào, nhất là tình ấy lại là tình cha, lại là lòng mẹ, cùng lắm chỉ dám ví von như núi cao biển rộng, tựa lai láng của dòng sông và mênh mông của đồng lúa. Nhưng trong trọng trách giáo dục, người ta cũng phải mặc nhiên chấp nhận một thứ khuôn khổ nào đó. Chả thế mà ca dao Việt Nam bảo: “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Yêu con không phải là nuông chiều theo ý của con, nhưng là biết cách cho con roi vọt giáo hóa, và ghét con đâu phải chỉ là hằn học mắng la mà nhiều khi lại là những ngọt ngào ghẻ lạnh của một tình thương vắng bóng.
Một trong những châm ngôn nổi tiếng trong bổn phận giáo dục con cái là câu: “Nếu hôm nay không muốn con khóc vì được dạy dỗ, thì coi chừng sẽ phải khóc vì con hư đốn mai ngày”. Như trường hợp nóng hổi thời sự tại phiên tòa, khi người cha nghe con mình, một thành viên trong băng cướp “quý tử”, bị kết án chung thân đã nhỏ lệ thốt lên: “Tôi đã thiếu trách nhiệm làm cha”. Cũng là tình phụ tử, nhưng quá muộn màng.
Tình phụ tử cũng cần theo một khuôn khổ nào đó. Nhưng tình phụ tử trong dụ ngôn đã vượt lên tất cả. Không có một lời trách móc, không có một lời răn đe, cũng chẳng có hình phạt để mà nhớ đời. Chỉ có nụ hôn như một minh chứng: Với bản lĩnh của lòng thương xót, người ta vẫn có thể đi xa hơn để yêu con đích thực bằng cách cho ngọt cho ngào.
3. Nụ hôn ấy không dừng lại nơi cá nhân mà còn lây lan đến cả cộng đoàn.
Đây chính là đỉnh cao của trang Tin Mừng. Nó mở ra một nhãn giới mới lạ. Nơi nụ hôn ấy là rạng rỡ lên hình ảnh của một Người Cha: chung cho người con cả và người con thứ, chung cho dân Do Thái và Dân Ngoại, chung cho cả người đã biết Chúa hay chưa biết Chúa. Nếu “cha chung không ai khóc” theo lẽ thường tình, thì ở đây lại khác, Cha chung này không cần đến tiếng khóc của ai, nhưng lại sẵn sàng cúi xuống với bất cứ tiếng khóc sám hối nào để ban tặng nụ hôn tha thứ nồng nàn xót thương. Người Cha chung ấy yêu thương hết mọi người và chẳng bao giờ bỏ quên những trường hợp tội lỗi đáng thương và bởi đáng thương nên Ngài cũng thương cho đáng với tấm lòng không vơi cạn của mình.
Qua nụ hôn đầu ngõ, Người Cha ấy biến nỗi buồn sám hối trở thành niềm vui tha thứ. Ngài ban ơn rộng rãi cho những kẻ tìm về với Ngài, rồi nhanh chóng gửi họ về lại gia đình cộng đoàn xã hội trong một nhịp sống mới nồng nàn tình xót thương, để những kẻ được ơn tha thứ hiểu rằng, từ nụ hôn ấy, họ phải minh chứng bằng cả cuộc đời biết phát triển ơn tha thứ và cũng biết dìu đưa những kẻ còn sa chìm về với lẽ xót thương. Đó là niềm vui của lòng thương xót, không dừng lại nhưng triển nở sinh sôi, không khép kín cá nhân nhưng mở ra cho hết mọi người.
Tóm lại, ba lý do: vượt trên lẽ công bình, vượt trên nền giáo dục và vượt trên đời sống cá nhân khiến nụ hôn cha – con là nụ hôn của lòng thương xót. Dẫu có kinh nghiệm về nụ hôn như phần lớn cộng đoàn hay chưa có kinh nghiệm ấy như một số bạn nhỏ, thiết tưởng nụ hôn xót thương của Tin Mừng cũng đọng lại trong ta một thứ nôn nao lạ lạ quen quen.
Khi thấy quen quen, là khi ta đồng hóa mình với người con phung phá tìm về và được tha thứ, trong lời kinh, trong Thánh Lễ, nơi tòa Giải Tội. Tất cả đều là những nụ hôn thương xót. Khi thấy là lạ, là khi ta chợt nhận ra vẫn còn lẩn khuất đâu đó trong ta một anh con cả vùng vằng: Chúa đã đối xử với ta bằng tình thương xót còn ta chỉ đối xử với Chúa theo sự công bình, ta không đi hoang lang thang xa đạo, nhưng cách sống của ta biết đâu còn tệ hơn cả chối Chúa công khai.
Và khi thấy chen lẫn quen quen lạ lạ ấy chính là khởi đầu cho một quyết định: bởi tôi đã nhận được ơn tha thứ của Chúa, tới phiên tôi phải sống ơn tha thứ bằng cách bỏ qua lỗi lầm cho anh em; tôi đã nhận lòng xót thương của Chúa, tôi phải phát triển lòng thương xót ấy qua cách sống tốt lành của mình. Hãy quên đi những phần đời không đáng nhớ khi anh em có lỗi với mình, và hãy nhớ lấy những phần đời không thể quên khi mình đã được Thiên Chúa tha thứ xót thương.
Làm được như thế cũng là lúc ta có thể hát lên: “Thành phố ơi, hãy im lặng cho mọi người hôn nhau”.
“Thơm khiết đi ! Tơ Xanh mầm duyên khảm !
Hương ùa về đất rạng rỡ huyền siêu
Ôm siết đi ! Tình Xuân vừa khẽ chạm !
Ô bốn mùa ! chỉ là một mùa yêu !”
 
Bình Nhật Nguyên
(còn tiếp)