Lối về

Unknown
(mã số 17-021)
Khi người ta đổ đến tấm thứ ba của tòa nhà thì chị thực sự cảm thấy thất vọng. Rồi sẽ đến tấm thứ tư, thứ năm, và không biết đến tấm thứ mấy thì người ta mới dừng lại. Thời buổi bây giờ đất chật người đông, đành phải chiếm không gian trên trời hơn là dưới đất. Đối với chị thế là nản lòng, bởi căn nhà của chị sẽ nằm lọt thỏm trong cái hẻm toàn nhà cao tầng. Chị có cảm giác như bầu trời của chị bị thu hẹp lại, không khí cũng ít đi, ánh nắng mặt trời khó mà len lỏi vào được căn nhà thấp tè hun hút, và chắc chắn là sẽ chẳng còn một cơn gió nào đến viếng thăm trong những ngày hè nóng bức nữa. Khi căn nhà hoàn thành với bức tường cao vút, thì chút an ủi cuối cùng của chị về một làn gió rồi cũng sẽ bị lấy đi. Thậm chí chị nghĩ đến mức vô lý là không biết mưa có rơi được xuống trên căn nhà của chị nữa hay không. Căn nhà của chị đã nghèo nàn lại càng trở nên tội nghiệp hơn khi con đường đi vào trở nên sâu hút và tối tăm. Như cuộc đời của chị vậy.
Thằng Duy con chị chuẩn bị bước vào tuổi mười chín, là ngần ấy năm có lẻ chị bỏ nhà thờ. Chuyện của hơn hai mươi năm về trước, khi chị còn là một thiếu nữ đang xuân…
- Không! Mẹ không gả con cho đứa không có đạo. - Mẹ chị cương quyết.
Chị cũng dứt khoát không kém:
- Nhưng con yêu anh ấy!
- Thế gian này không thiếu đàn ông, nhưng Chúa thì chỉ có một. Con chọn đi.
Và chị đã chọn. Chị chọn ra đi cùng anh. Không cưới xin, không bè bạn, và cả không ngày trở về.
Thời gian lầm lũi đi con đường của nó, chị mải miết rượt theo, không còn nhớ mình đã đi qua bao con đường, qua bao phố thị, qua bao con người… Rồi nỗi bất hạnh khi chị mất anh gieo vào lòng chị sự cay đắng và cay nghiệt của cuộc sống. Có lần nào đó chị nhớ đến con đường quê, nơi dẫn vào căn nhà xưa của gia đình với biết bao hạnh phúc, thì lời nói của mẹ vang lên chặn bước chân chị: “Nhớ lấy, đã ra đi thì đừng bao giờ trở về nữa”. Con đường trở về chìm dần xuống dưới những tự ái, uất hận, mệt mỏi, thất vọng và buông trôi lúc nào không biết, đến nỗi chị cũng chẳng còn đủ sức lôi nó lên nữa. Ngày nhỏ, có lần thằng Duy thắc mắc về quê ngoại, chị xoa đầu nó cười buồn :
- Quê ngoại xa lắm rồi con ạ, mẹ con mình chẳng còn về được nữa.
Thằng bé ngây thơ:
- Sao lại không về được hả mẹ ? Ở xa thì mình ra đón xe là tài xế chở mình đến nơi thôi mà.
Chị trả lời con mà như tự nhủ với chính mình :
- Mẹ đã quên đường về rồi. Mình sẽ chẳng bao giờ về được nữa.
Rồi chị không nhắc, thằng Duy cũng chẳng hỏi nữa, nên con đường trở về mất hút trong ký ức của chị và cũng không còn trong mơ ước của Duy.
Hôm nay người ta ăn tân gia căn nhà mới xây. Không đến năm sáu tầng như chị tưởng, nhưng tầng thứ tư cũng là một khoảng khá cao để chị phải ngửa cổ lên mới có thể nhìn thấy nóc, và cả bầu trời bé tí teo của chị nữa. Khi phải bán cả căn nhà để lo chữa chạy cho anh, mà cuối cùng cũng đành rũ tay trắng, thì chị bỗng căm ghét những căn nhà cao tầng, bởi nó nhắc cho chị về những ngày hạnh phúc ngắn ngủi bên anh, và nó ném vào mặt chị cái mặc cảm về hiện tại nghèo nàn và cô đơn của chị. Ngày anh mất, chị đã gào lên với Chúa, căm giận sự ghen tức của Ngài với hạnh phúc của chị. Khi chôn anh, chị cũng đóng lòng mình lại với Chúa từ đó, ngỡ rằng vì chị chọn anh thay Chúa, nên Chúa lấy anh khỏi chị. Con đường từ nghĩa trang trở về nhà bỗng trở nên lạc lõng, vô định.
Một cách vô thức, chị đứng lên đóng cửa lại.
- Sao mẹ không để cửa cho mát? - Duy thắc mắc.
Chị thở dài:
- Bây giờ có đóng hay mở thì cũng như nhau thôi, có chút gió nào còn có thể đi ngang căn nhà mình được nữa đâu mà đợi mát.
- Nhưng mở cửa cho thoáng cũng được mà mẹ. Nhà mình đã nhỏ mà còn đóng cửa suốt ngày thì ngộp thở mất.

Chiều con, chị lại đi ra mở cửa rồi đứng ngó mông lung ra con hẻm nhỏ. Một luồng gió thổi ngang qua làm chị chợt tỉnh. Chị như không tin vào cảm nhận của mình. Với những bức tường cao ngút bao quanh, làm sao những cơn gió còn có thể đi ngang đây được cơ chứ. Như để trả lời cho chị, từng cơn gió cứ thổi ngang qua căn nhà nhỏ của chị, mát rượi. Chị đứng đó như muốn tin chắc rằng những cơn gió là có thật. Được một lúc, chị gọi con:

- Duy này.
- Dạ.
- Ra đây xem.
Duy chạy ra cửa, thấy khuôn mặt mẹ có vẻ phấn khởi khác lạ, nó chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra. Không để Duy phải thắc mắc lâu, chị hỏi tiếp :
- Con có thấy mát không ?
- Dạ… À, gió mát thật mẹ hả.
Chị không giấu được vẻ phấn khích :
- Sao lại có thể như thế được hả con, với những bức tường cao bao chung quanh thế này, căn nhà của mình lại thấp tè, sâu hút, thế mà những cơn gió vẫn cứ thổi ngang được, những luồng gió mát rượi mà lại còn rất mạnh nữa chứ. Thế gió không bị những bức tường kia cản lại à?
Duy không thể hiểu tại sao những cơn gió lại có thể làm làm cho mẹ vui như vậy, cứ như thể mẹ tìm lại được cái gì đó đã mất. Hình như đây là lần đầu tiên Duy thấy mẹ thực sự vui như thế, bởi Duy không còn thấy nét buồn trong mắt mẹ nữa, mặc dù Duy chưa bao giờ thấy mẹ khóc. Thật ra, mẹ vẫn vui đấy chứ, đó là những lúc Duy được phần thưởng ở trường, những lúc Duy khỏi bệnh, lúc Duy được vào đại học, hay những lúc mẹ tạo bất ngờ cho Duy bằng những món quà nhỏ trong dịp lễ tết, sinh nhật… Nhưng tất cả những lúc ấy, Duy vẫn đọc thấy trong mắt mẹ có điều gì đó khắc khoải kéo ghì niềm vui của mẹ xuống.
Duy giải thích cho mẹ bằng một giọng phấn khích không kém :
- Sao lại không thể được hả mẹ. Gió muốn thổi đâu thì thổi, ai có thể ngăn cản được gió chứ. Mà thực ra, nếu không có những bức tường cao kia, thì gió đã có thể băng ngang trên đó, nhưng vì vướng mấy bức tường đó, nên gió bị hút xuống dưới này, tạo thành những luồng gió mạnh. Mẹ thấy không, hẻm càng sâu, gió càng mạnh. Thế thì mình phải cảm ơn những vật cản là những bức tường cao kia, bởi nó tạo cơ hội cho gió đi xuống nhà mình.
Rồi Duy bật cười sảng khoái :
- À, con sẽ gọi hẻm nhà mình là hẻm hút gió, tối nào trời nóng, hai mẹ con mình có thể kéo ghế ra đây ngồi hóng mát.
Duy còn nói nữa nhưng chị không còn để ý nghe con nói. Bởi quá bất ngờ trước những làn gió, chị để mặc tâm hồn cho từng cơn gió thổi qua bóc dần, bóc dần những lớp thời gian chất chồng trong ký ức mà chị không còn muốn hay đúng hơn không đủ sức để xô ngã nữa. Cho đến khi tất cả qua đi thì nó phơi bày ra nơi tận đáy sâu tâm hồn chị một hồ nước trong vắt đến ngạc nhiên, trong đến nỗi chị có thể soi mình trong đó. Con đường quê hiện ra trước mắt chị, thênh thang lộng gió, soi rõ những bước chân non tơ của lần đầu tiên được đến nhà thờ, đến trường. Từ những thắc mắc ngây ngô: “Chúa ở đâu mà sao con không thấy hả mẹ? Chúa thương con vậy hôm nay Chúa có đến thăm con không?”, đến những câu chuyện ríu rít với bạn bè mỗi khi đi học giáo lý về vẫn còn vang vọng trên đường; có những bước chân nô đùa trong đêm trăng sáng vằng vặc và cũng có những bước chân chạy vội vàng trong những đêm mưa đi tập hát về; rồi những bước chân ngập ngừng đam mê của mối tình đầu xuất hiện và bị mất hút theo những bước chân sợ hãi chạy trốn. Dường như không phải câu đe doạ của mẹ, cũng không hẳn là cơn giận mất anh đã khiến chị không dám hay không muốn trở về, nhưng là cái gì đó khác hơn mà chị vừa nhìn thấy trên con đường đã níu giữ bước chân chị lại mỗi khi chị muốn trở về, bởi nó khiến cho chị cảm thấy mình không còn xứng đáng đi trên đó nữa. Sự bao dung của con đường. Con đường đã ôm ấp từng bước chân cuộc đời chị, con đường đem lại cho chị biết bao hạnh phúc trong những điều rất giản đơn như thế, vậy mà chị đã chối bỏ nó để đi theo con đường khác, con đường của niềm vui riêng mình. Con đường quá đẹp thế mà bàn chân của chị đã chẳng còn đủ nhẹ nhàng để có thể chạy nhảy vô tư trên đó nữa. Chị mang trong mình mặc cảm của kẻ phản bội, một mặc cảm tội lỗi. Cái thứ mặc cảm ngỡ rằng có thể khiến con người ta hối hận quay lại khi nó không ngừng nhắc cho người ta nhớ đến những tội lỗi đã phạm, nhưng thật ra mỗi lần nhắc đến lỗi lầm là mỗi lần nó lại nhấn chìm con người xuống sâu hơn dưới những dằn vặt, với ý nghĩ rằng mình không xứng đáng, cho đến khi con người quên hẳn khát vọng muốn được tha thứ và không dám nghĩ rằng mình có thể được tha thứ để rồi chấp nhận giam mình trong những bước đi trĩu lòng, như thể đó là cách thế đền bù những lỗi lầm mình đã gây ra… Chị chợt nhận ra mình đã lầm khi mãi loay hoay tìm cách tự làm sạch bước chân trước khi trở về, có ngờ đâu chính con đường sẽ nâng bổng bước chân chị và biến thành nhẹ tênh.
Lần đầu tiên sau hơn hai mươi năm, chị thực sự cảm thấy khao khát đến cháy bỏng được trở về. Chị muốn được đi trên con đường xưa để làm lại điều vẫn quen làm của hơn hai mươi năm về trước là ôn lại thật kỹ, thật kỹ những gì chị sẽ kể cho Chúa nghe trước khi đến nhà thờ, mặc cho cái hiện tại có đang gào lên rằng chị không còn xứng đáng, để rồi sau đó chị trở về bằng những bước nhẹ tênh. Ôi, thời gian quá hai mươi năm, vậy mà nghe gần như mới hôm qua khi tất cả đã hóa thành bùn chìm sâu dưới hồ nước trong vắt kia. Chị nhắm mắt lại, buông mình xuống hồ nước trong vắt đó, để cho dòng nước dâng lên tràn qua mắt không cầm những giọt nước nóng hổi, trong suốt.
***
Lối về vẫn luôn luôn đẹp như thuở tạo dựng, gai góc dù có mọc lên cũng không thể phủ lấp hay ngăn nổi những bước chân muốn quay về. Người ta có thể dối lòng rằng mình đã quên, nhưng tận thâm tâm ai cũng biết rằng, lối về không bao giờ mất nhưng mãi vẫn còn đó, luôn bao dung chờ đợi.
Có chăng là có một ước muốn muốn quay về?