Giỏ hoa nhựa

Unknown
(Mã số: 17-014)

- Bà mua hoa cho cháu đi, cửa hàng chúng cháu đây bán toàn loại hoa đẹp thôi, bà ạ!
Cô bán hoa vừa nói vừa đỡ lấy tay bà cụ dắt vào cửa hàng của mình.
- Cứ để tôi tự nhiên đi mà!
Bà cụ cẩn thận khẽ đặt chiếc thúng cũ xuống bên cửa hàng, và nhẹ nhàng nhấc đôi dép nhựa màu mận chín đã mòn gót đặt gọn gẽ vào trong chiếc thúng. Hành động lạ thường của bà làm cho cô gái chuyển từ thái độ đon đả mời chào sang nhẹ nhàng tế nhị để bà cụ tự nhiên. Làm sao cô có thể hiểu được sự gần gũi đến thân tình của chiếc thúng và đôi dép cũ kia chứ! Nhờ chiếc thúng cũ này mà bà đã rong ruổi đội những mớ rau, quả mướp, hay nón chè ra chợ bán, hầu kiếm những đồng tiền ít ỏi về nuôi gia đình và đàn con ăn học. Đôi dép mòn gót của bà cũng đã phủ kín mọi ngả đường làng rồi còn gì. Bà nâng niu chúng, vì chúng đã gắn bó với bà như “người bạn chí cốt” vậy!
Ánh nắng chiều rọi vào các giỏ hoa nhựa treo lơ lửng trên không, làm những bông hoa như đua mình khoe vẻ đẹp, hầu chiếm cảm tình vị khách hàng cao niên. Giỏ hoa nào cũng muốn mình được bà cụ để mắt đến, nên nhờ những cơn gió thoáng qua, chúng cố đung đưa xoay mình như những cô người mẫu trên sân khấu vậy!
- Đẹp quá!
Bà cụ không nén được lòng mình khi đang chiêm ngưỡng những giỏ hoa giả, nên buột miệng.
Cô gái bán hoa có lẽ cũng hiểu ý, nên từ nãy đến giờ cứ nhẹ nhàng bước theo phía sau chờ khi bà cụ lên tiếng. Cô nhẹ nhàng hỏi:
- Thế bà chọn giỏ nào, cháu lấy xuống cho bà?
- Biết chọn giỏ nào đây, giỏ hoa nào cũng đẹp cả mà! - Bà cụ đáp lời cô gái.
- Bà mua hoa để đặt bàn thờ Chúa phải không? - Cô gái bán hoa vui vẻ hỏi.
- Sao cô biết thế? - Bà cụ giật mình quay lại hỏi.
- Thấy sợi dây có nhiều hột bà đeo trên cổ là cháu nhận ra ngay mà! Những người Công giáo thường đeo sợi dây này bà nhỉ? - Cô gái trả lời.
- Đúng rồi đó cô, người Công giáo chúng tôi gọi sợi dây này là tràng hạt Mân Côi đấy cô ạ! - Bà cụ vui vẻ trả lời.
- Để cháu chọn giúp hoa cho bà nhé? - Không để bà cụ kịp đáp lại, cô gái liền nhấc một giỏ hoa xuống đưa cho bà cụ. - Đây, cụ thấy có đẹp và hợp với bàn thờ Chúa không nào? Giỏ hoa này vừa đẹp vừa nhã nhặn, xứng với bàn thờ Chúa đấy bà ạ!
Bà cụ vừa đỡ lấy giỏ hoa vừa lên tiếng: “Có vẻ cô am hiểu về hoa đặt bàn thờ Chúa nhỉ?”.
- Hiệu hoa của chúng cháu thỉnh thoảng cũng có người đến mua hoa đặt bàn thờ Chúa, nên cháu cũng hiểu chút ít bà ạ! - Cô gái đáp lời bà cụ.
- Vậy à, thế cô chọn cho tôi hai giỏ đi nào! - Bà cụ vui vẻ nói.

Ánh nắng chiều dường như cũng cảm mến bà cụ, rời cửa hàng của cô gái bán hoa tiến theo bà trên con đường dài trải nhựa phẳng lì. Ánh nắng soi bóng bà trên mặt đường cứ lắc lư theo những bước chân tập tễnh của tuổi già. Những bông hoa đang nằm gọn trong chiếc thúng trên đầu bà cụ, như muốn vươn mình ra xa hầu có thể che ánh nắng chiều đang dội xuống đầu bà. Trên con đường trải nhựa tuy còn khá xa mới về đến nhà, nhưng bà thầm nghĩ, làm sao có thể so được với thời bà còn trẻ cơ chứ! Những con đường đất mấp mô nhỏ hẹp bụi mù khi trời nắng đã vậy, còn trời mưa những con đường này lại trở nên lầy lội. Đặc biệt, những vết chân trâu qua lại trên con đường làng tạo thành những hố tử thần đối với những đứa trẻ bất cẩn mỗi khi đi lại… Có lẽ cuộc đời bà chẳng khi nào quên được những ký ức tuổi thơ này!  

Những hồi ức tuổi thơ dường như giúp bà tiến nhanh chân hơn thì phải, chẳng mấy chốc ánh nắng chiều đã theo lối cùng bà về đến căn nhà bé tẹo, nơi gia đình nhỏ của bà đã từng chung sống hạnh phúc. Nghĩ đến đây, bà chợt ước ao được sống lại cảnh hai vợ chồng trẻ với những đứa trẻ quây quần vui nhộn. Bà nhớ đến ông, người chồng yêu quý của mình, người cả đời hy sinh cho vợ cho con đã bỏ bà ra đi trước cách đây vài năm. Bà biết rõ sự chết chẳng bỏ quên một thân phận con người nào, nhưng theo lẽ tự nhiên bà vẫn cảm thấy đau xót đến rụng rời chân tay mỗi khi nhớ đến “một nửa” của đời mình. Ánh nắng chiều đang dần ngả bóng, những tia nắng yếu ớt của buổi chiều tàn cố soi qua những ô cửa nhỏ vào bàn thờ Chúa trên cao làm bà bừng tỉnh bước ra khỏi hoài niệm. Bà lên tiếng gọi:
- Chúng mày đâu cả rồi, mau giúp mẹ lau bụi bàn thờ Chúa nào!
Chẳng một lời đáp lại, bà chỉ nghe vọng lại tai mình cũng câu hỏi đó, nhưng nhẹ nhàng hơn của khoảng không thinh lặng! Bà chợt thì thầm, mình già thật rồi!
Con cái bà đều đã lớn cả, chúng đã lập gia đình và có con cái cả rồi! Con cái bà cũng đã là những người công thành danh toại, và đang sinh sống trên những thành phố lớn cả rồi. Đối với những người hàng xóm, họ coi gia đình bà là gia đình gia giáo: có con cái ngoan hiền và thành đạt. Tuy hằng năm các con của bà cũng hay về thăm bà đều đặn, nhưng bà vẫn cảm thấy cô đơn, cõi lòng bà vẫn lạnh lẽo vì thiếu vắng hơi ấm lòng người. Bà chẳng cần những người hàng xóm dán cho mình cái mác “gia đình gia giáo”, nhưng chỉ ước mong sao con cái bà cũng như con cái người ta, cũng với những công việc bình thường, và thường ngày tiếng con tiếng cháu ồn ào tíu tít cạnh bên thì thật hạnh phúc biết bao! Nghĩ đến đây, bà chợt thở dài ngao ngán…
Ngồi ghé xuống bậc hè nghỉ mệt, bà nhẹ nhàng đặt những giỏ hoa xuống gần bên và thầm nghĩ, những bông hoa này rất đẹp, nhưng chúng chẳng thể tỏa ra được mùi hương thơm vì những bông hoa này là đồ giả, những bông hoa nhựa. Chăm chú nhìn những bông hoa giả, bà nghĩ đến các con của mình: Có lẽ chúng cũng chẳng khác gì những bông hoa giả này, chúng đang khoác lên mình những chiếc áo đẹp là tấm bằng này, công danh nọ. Đặc biệt, các con của bà đã khoác trên mình chiếc áo Thánh tẩy, nhưng chúng đâu có thực hành đạo cơ chứ! Đời sống đạo nơi giới trẻ ngày nay cũng vậy, chúng chỉ quan tâm đến việc làm sao để kiếm được thật nhiều tiền, hầu làm đẹp cho chiếc áo bề ngoài mà quên đi việc làm đẹp tâm hồn - chiếc áo thiêng liêng, hầu có thể tạo thành đôi cánh đưa chúng vào Nước trời mai hậu.
Càng nghĩ về đời sống đạo của con cái bà cũng như giới trẻ ngày nay, bà lại càng cảm thấy buồn sầu tê tái. Thật, chúng chẳng khác nào những bông hoa nhựa xinh đẹp mà chẳng tỏa mùi hương! Đời sống đạo thế hệ của bà tuy bữa đói bữa no phần thể xác, nhưng phần thiêng liêng lại luôn được no đầy. Tuy những bông hoa thế hệ của bà không được đẹp về dáng vẻ bề ngoài, nhưng thế hệ hoa ấy lại có thể tỏa lan ra thứ mùi hương đạo thơm phức. Chợt cơn gió nhẹ đến bên như có người phe phẩy chiếc quạt, và mang theo tiếng chuông từ cây tháp đồng hồ của Nhà Chung gần đó đến bên tai.
Kính keeng… kính keeng… kính keeng…! Koong… koong… Những chiếc vồ thong thả gõ nhịp nhàng vào quả chuông đúng bảy tiếng.
- Vậy là đã bảy giờ tối rồi! - Bà thì thầm.
Làm sao bà có thể quên được tiếng chuông thân thương này chứ! Tiếng chuông đã thấm vào tận xương tủy, vào từng thớ thịt của bà, tiếng chuông đã trở thành người bạn thân tình của bà từ rất lâu rồi. Tiếng chuông đồng hồ điểm đúng giờ đánh thức bà đi lễ sáng, tiếng chuông báo cho bà biết giờ đi chợ, giờ ra thăm đồng… Màn trời đêm đang dần bao phủ lấy ánh sáng của ban ngày, bóng tối đã ùa vào kín căn nhà nhỏ đơn côi của bà cụ. Bà bám vào chiếc cột hiên bằng gỗ xoan nhẵn bóng do vết tay bám nhiều, gượng đứng dậy và chậm chạp bước vào trong ngôi nhà, đốt lên ngọn đèn dầu le lói, hầu xua bóng đêm ra khỏi căn phòng. Bà vội lần tay lên cổ tìm cỗ Tràng hạt và lẩm bẩm trên miệng: “Kính mừng Maria… Thánh Maria…” để cầu nguyện cho con cháu mình đang ở phương xa. Bà thầm nghĩ mình cũng giống như cây nến kia tuy nhỏ bé, nhưng có thể xua tan bóng đen tội lỗi đang bủa vây con cháu bà cũng như ngôi làng nhỏ của mình.