Gặp gỡ- bước ngoặt cuộc đời

Unknown
(Mã số: 17-015)

- Con nhà ai đây? Sao lại đánh con người ta ra thế này? Đúng là đồ hư hỏng, con nhà không cha dạy dỗ đây mà...
Linh vội vàng chạy nhanh ra đồng tìm bác Hà, cô bé hốt hoảng khi thấy bác Hà phía xa:
- Bác Hà ơi! Nậm... Nậm... Người ta lôi nó và giữ lại ở trường rồi.
Bác Hà ở phía xa nghe tiếng gọi, thả ngay chiếc cuốc trên tay, chạy lên thật nhanh.
Nó vẫn im lặng, ngồi lì mặt ra, không chịu nhận lỗi. Cô giáo chủ nhiệm bước vào, căn phòng không có một giáo viên nào, có lẽ các thầy cô đã về hết sau giờ tan học.
- Sao em không nhận lỗi?
Nậm nhìn chằm chằm vào mẹ con Lan, người bạn cùng lớp, đang ngồi đối diện trong bộ dạng đầy vết trầy xước trên người, có lẽ Nậm khá là giận dữ nên nó hơi mạnh tay với Lan. Nhìn ánh mắt Lan có vẻ không phải lỗi hoàn toàn ở Nậm, Nậm thưa cộc lốc với cô giáo:
- Không! Em không nhận.
Vừa lúc đó bác Hà chạy vào.
- Tại sao con đánh bạn mà không nhận lỗi?

Nậm quay sang nhìn mẹ, thân hình gầy nhom, áo ướt đẫm mồ hôi và lấm đầy bùn, đang nhìn vào nó với ánh mắt tràn đầy sự lo lắng, hốt hoảng pha chút giận dữ.
- Không! Con không có lỗi.
Bác Hà cúi mặt xuống trước mặt mẹ con Lan và cô giáo chủ nhiệm.
- Tôi xin thay mặt cháu xin lỗi gia đình và cô giáo, xin mọi người tha thứ cho con còn nhỏ chưa hiểu chuyện. Tôi sẽ dạy bảo cháu sau. - Bác Hà dứt lời.
- Mẹ không phải xin lỗi.
Nậm đẩy mẹ ra một bên. Nó quỳ sụp xuống trước Lan nhưng không nói lời nào và quay ra bỏ chạy trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Bỏ mặc tiếng thét gào của người mẹ đang đuổi theo:
- Nậm ơi! Con ơi!
Buổi tối hôm đó, không khí u buồn bao trùm lên căn nhà nhỏ bé lụp xụp. Dưới ánh đèn heo hắt, Hồng - chị gái Nậm nhìn mẹ và em gái - không rõ chuyện gì xảy ra, thế nhưng chị cũng không hỏi mà im lặng nhìn Nậm bằng ánh mắt xót xa, quay sang nhìn mẹ đầy nỗi buồn man mác, dường như chị hiểu thấu cả hai con tim đang đối diện chị. Tâm hồn bác Hà trĩu nặng, ai thấy cũng cảm thấu một nỗi buồn da diết, ẩn đằng sau là tình yêu thương con gái vô bờ bến (trong tiềm thức bác thốt lên “Đã hai năm rồi mà...”). Im lặng trong nỗi hậm hực, cúi mặt xuống chú mèo con, (không biết con Nậm có thấu suốt nỗi lòng đang dần tan vỡ vì quá thương nó của người mẹ hiền khi đó không?), nó ngước trông ra cổng như đang mong chờ một ai đó? Chỉ có trái tim người mẹ lúc đó mới đọc được suy nghĩ của Nậm.
Thời gian thấm thoát trôi nhanh, con Nậm cũng lớn dậy theo thời gian và trở thành một nữ sinh dễ thương, nó luôn nổi bật lên với nụ cười của ánh nắng mùa xuân rực rỡ. Thế mà cái tính ương bướng, bốc đồng, thể hiện cá tính mạnh mẽ ra ngoài như một đứa con trai, ai cũng bảo nó là ông quản gia trong nhà.
Hoa phượng cũng đã đến lúc khép lại trang lưu bút thời nữ sinh cấp ba của Nậm.
- Nhà bác Hà ra nhận giấy báo nhập học của con gái nè, chúc mừng gia đình nhé!
- Cám ơn bác!
Cầm trên tay tờ giấy báo nhập học của con gái mà hai hàng lệ của bác Hà không ngừng vỡ òa ra trên đôi má gầy hóp, đôi tay bác run lên vì quá nỗi vui mừng.
- Nậm ơi! Ra đây nhanh con ơi! Con đậu đại học Sư phạm Huế rồi nè!
Nậm chạy ra ngoài nhìn mẹ đang trong niềm hạnh phúc tuôn trào, nó nghiêm giọng:
- Con không đi học đâu, con sẽ đi làm giúp đỡ mẹ và chị.
Bác Hà xịu mặt nhìn Nậm xót xa và thấu hiểu ý nghĩ của con gái, niềm vui như dập tắt trong ánh sáng hy vọng vào một bầu trời tươi sáng. Cũng đúng thôi, ai trong hoàn cảnh đó cũng sẽ trả lời như nó. Nhưng câu trả lời của nó còn ẩn chứa một ước mơ khao khát đã lâu, vốn là đứa không biết thể hiện tình cảm nên Nậm không tỏ ra lúc đó cho bằng cái vẻ khó chịu. Ấy vậy mà người mẹ nhân hiền kia không chịu khuất phục trước số phận. Trước ngày nhập học:
- Con thu xếp hành trang ngày kia mẹ đưa con vào nhập học nhé!
Nậm nhìn mẹ với vẻ ngạc nhiên về số tiền năm triệu mẹ đặt vào lòng bàn tay của nó, nó vẫn cương quyết giữ quyết định ban đầu. Bác Hà nhẹ nhàng cầm tay Nậm:
- Con yên tâm, đây là số tiền mẹ dành dụm được mấy năm qua cộng với tiền trợ cấp của bố con. - Nghe đến đây, Nậm đổi sắc mặt, nó càng nhìn sâu vào ánh mắt mẹ - Biết là chỉ lo cho con ngày một, ngày hai nhưng trước mắt cứ như vậy có gì mẹ nhờ họ hàng giúp đỡ thêm.
Nói vậy chứ họ hàng nhà Nậm có ai khá hơn tí nào đâu, kể từ khi ba Nậm không còn, có mấy ai qua lại nữa, một mình bác Hà nuôi hai chị em Nậm khôn lớn. Một ngày dài đằng đẳng trôi qua…
- Mẹ! Con sẽ đi học.
Ở đằng xa bác Hà chạy tới ôm con gái. Giây phút hạnh phúc mà tám năm nay bác chờ đợi đã đến, dường như cả hai trái tim tan chảy hòa quyện vào nhau trong niềm vui ngập tràn.
Xoẹt... xoẹt... bịch... bịch...
- Trời! Đi đứng kiểu đó hả, không có mắt nhìn à?
Nậm choáng váng té ngay giữa đường, chiếc xe đạp méo mó không còn hình dạng như ban đầu. Hai chàng thanh niên chạy xe va vào Nậm rồi bỏ chạy không thèm ngoảnh lại nhìn Nậm tí nào. Một người đàn ông trông có vẻ lịch sự dừng xe và tiến tới gần Nậm:
- Con có sao không?... Bọn trẻ thời này thật khó hiểu!
Giọng nói ấm áp, nhẹ nhàng khiến Nậm quên đi cảm giác đau đớn khi đó, nó vội vàng ngoảnh mặt lên nhìn người ấy đang cố đỡ nó dậy và kéo chiếc xe đạp sang lề đường.
- Dạ! Con không sao, con cám ơn chú nhiều ạ!
- Ồ! Nhìn con có vẻ là tân sinh viên mới vào thành phố học đúng không?
- Dạ! Đúng rồi ạ.
- Lần sau, con nhớ cẩn thận khi ra đường nhé! Con ở gần đây không để chú đưa con về, nhưng trước hết phải đưa chiếc xe đạp đi sữa chữa lại đã…
- Dạ! Con cám ơn chú nhiều ạ! Phòng trọ con cũng gần đây, để con tự đi được ạ.
Nói qua nói lại mãi mà người đó cũng chịu thua cái tính bưởng bỉnh, tự trọng cao của Nậm.
- Thế này nhé, cũng muộn rồi con làm rồi về kẻo trời tối. Con cầm lấy ít tiền sửa xe nhé, chú xin phép đi trước.
Chưa kịp trả lại số tiền thì chú ấy đã vội lên xe đi mất, Nậm dõi mắt nhìn và âm thầm nói theo: “Cám ơn chú!”.
Một ngày Chủ Nhật đẹp trời, màu vàng của mùa thu nghiêng bóng đón chào cái se lạnh của mùa đông. Sông Hương nghiêng mình bên cầu Trường Tiền trông thật thơ mộng của nghìn năm Cố Đô. Nó bước từng bước thật chậm, tự thưởng cho mình bẳng một chuyến đi dạo quanh thành phố, để thả hồn mình trong khung cảnh tuyệt đẹp, mà một cô gái cá tính, mọt sách như nó có thể chọn cho việc giải phóng những căng thẳng và thu nạp năng lượng cho thời gian tới.
Có một âm thanh vang lên làm Nậm giật mình, nó nghe như có tiếng ai đó đang gọi: “Hãy đến đây...!”. Và cái tính tò mò lại dẫn nó đến gần âm thanh hơn. Nhìn lên cao, Nậm tự nghĩ: “Ôi! Tòa nhà lớn quá, thì ra là tiếng chuông phát ra ở trên đó. Sao ở đây đông người ra vào thế nhỉ?”. Bỗng có một cánh tay đặt lên vai nó:
- Chào con!
Nậm giật mình, bối rối.
- Chào... chú... chú…!
- Con làm gì ở đây? Đi lễ phải không?
- Dạ… dạ không ạ, con tình cờ đi ngang qua đây, thấy tòa nhà đẹp quá nên đứng lại xem ạ.
- Ồ! Vậy con có muốn vào trong ấy xem cho kỹ không?
- Dạ... Đây là nhà chú phải không ạ?
- Ừ! Đúng rồi, nhà chú và nhà của tất cả mọi người ở đây.
Nậm suy nghĩ rồi hỏi:
- Con có thể vào không ạ?
- Được chứ! Mời con vào!
- Dạ, con cám ơn chú!
Nó cảm thầy bồn chồn lo lắng, mang vẻ ngại ngùng. Thế nhưng nó cứ nhìn chằm chằm vào người ấy và không thấy có chút gì sợ hãi. Một lát sau:
- Xin giới thiệu với con đây là chị Bình An bạn của chú, còn đây là...
- Dạ con tên Thúy Liên ạ. Mọi người quen gọi con là Nậm.
- Ồ, Thúy Liên, đóa hoa sen ngọc bích, xin lỗi con chú tên là Minh Dương, tên con đẹp quá.
- Dạ! Con cám ơn chú!
- Bây giờ chú bận chút việc, chị Bình An sẽ hướng dẫn con tham dự thánh lễ, lát nữa chúng ta sẽ gặp nhau nhé.
- Dạ... Thánh lễ?
Nậm chưa kịp hỏi gì thì chú đã vội đứng lên đi ra. Theo chân chị Bình An, Nậm ngoan ngoãn lạ thường, tâm hồn nó như có tiếng thúc giục bước vào ngôi nhà ấy. Nó cũng khoanh tay cúi đầu chào ai đó như mọi người, bỗng nó đứng khựng người lại nhìn lên bức tượng phía trước: “Ba!”. Nậm rơm rớm nước mắt, tảng băng tuyết trong cõi sâu thẳm tâm hồn Nậm như vỡ tan ra, rồi nó run rẫy, bàng hoàng.
- Nậm ơi! Cẩn thận con, đợi ba với!
“Rầm... Rầm... Két...”! Một tiếng va chạm mạnh sau lưng Nậm, nó ngoảnh lại:
- Ba! Ba ơi!...
Tiếng “ba ơi” nghe như não cả ruột gan nó. Tiếng la hét, kêu ca inh ỏi dồn dập của đám bạn bè và những người xung quanh vang lên trong đầu Nậm: “Chính nó đã giết ba nó!... Đồ đứa con mồ côi!... Đồ con không cha!...”.
Nậm cứ nhìn lên bức tượng trước mặt, nó như người mất hồn.
- Thúy Liên ngồi đây với chị nhé! - Chị Bình An gọi, Nậm giật mình bỡ ngỡ.
- Chúa ở cùng anh chị em!
- Và ở cùng cha! - Tất cả mọi người cùng thưa.
- Chú... chú Minh Dương phải không chị?
Nậm đảo mắt qua nhìn chị Bình An. Chị Bình An nhìn sang Nậm cười nhẹ nhàng:
- Đúng rồi em ạ!
Suốt thánh lễ, nó ngồi im lặng lắng nghe những giai điệu du dương ru ấm tâm hồn cô đơn và thiếu vắng tình thương của người ba bấy lâu. Những hình ảnh của ký ức chợt ùa về trong tâm trí của nó. Suốt tám năm sống trong sự cắn rứt, dày vò vì sự ra đi của ba. Khi đó, nó chỉ là một đứa trẻ đâu biết gì, chỉ vì đánh nhau với bạn, nhà trường gọi bố nó lên, nó không chịu nhận lỗi, thực ra là vì nó đâu có lỗi. Nó bỏ chạy, bố nó đuổi theo con gái, tới ngã tư đường thì bỗng chiếc xe tải chạy ngang qua. Khi nó ngoảnh lại thì… cả một bóng tối bào trùm lên nó, ôm ba vào lòng với lời căn dặn cuối cùng: “Tha thứ cho ba nhé!...”. Tâm hồn Nậm cũng đóng băng theo dòng máu của ba. Cho tới ngày hôm nay, một ngọn lửa cực mạnh thiêu đốt, làm tan chảy cả tảng băng ấy. Nó như thấy một niềm hy vọng vào một chân trời mới nơi đó có ba và tình yêu thương.
- Chào hai chị em!
Chú Minh Dương hớn hở hỏi thăm hai chị em với nụ cười hiền từ trên môi. Còn Nậm thì không biết bao nhiều tâm tình biến mất, trong đầu nó hiện tại chỉ chứa hàng ngàn câu hỏi vì sao cần được chú giải đáp. Chị Bình An thưa:
- Dạ! Thưa cha, con cảm thấy thật tràn đầy ơn Chúa ạ.
- Còn Thúy Liên thì sao?
Chị Bình An nhìn Nậm. Nậm bối rối thưa:
- Dạ!... Con… em… vui ạ!
Mọi người cùng cười và trò chuyện với nhau vui vẻ…

Mở đầu và kết thúc cũng là gặp gỡ. Chắc hẳn không ai nghĩ cô bé Thúy Liên bướng bỉnh, cố chấp ngày nào nay đã trở thành một nữ tu hiền hậu, dễ thương suốt ngày cầu nguyện cho mọi người dưới chân thập giá, nơi mà bốn năm về trước em đã đón nhận giao ước tình yêu vĩnh cửu. Em hăng say trên những cánh đồng truyền giáo, em mang đến nụ cười mùa xuân cho những trẻ em nghèo và các cụ già không nơi nương tựa. Có lần em chia sẽ với cha linh hướng (chú Minh Dương) trong lễ tốt nghiệp ra trường: “Niềm hạnh phúc của con không phải là nhận được tấm bằng cử nhân xuất sắc, mà chính là con đã nhận được dấu ấn tình yêu của trái tim đầy lòng thương xót của Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá, ngay cái lần gặp gỡ Ngài trong thánh lễ đầu tiên ấy”. Sau cuộc gặp gỡ ấy, đánh dấu những bước ngoặt của bao số phận. Giờ học giáo lý đã đến:

- Chào dì Bình An!... Cám ơn dì đã cho con động lực bước tiếp, cho con gửi lời hỏi thăm đến dì Thúy Liên nhé! Mến chúc các dì luôn mãi hạnh phúc trong Chúa…