Cô Liêu

Nữ Vương Hòa Bình
 
Gió lùa ánh sáng vô trong bãi
Trăng ngậm đầy sông, chảy láng lai
Buồm trắng phất phơ như cuống lá
Lòng tôi bát ngát rộng bằng hai.
Tôi ngồi dưới bến đợi nường Mơ,
Tiếng rú ban đêm rạn bóng mờ,
Tiếng rú hồn tôi xô vỡ sóng,
Rung tầng không khí bạt vi lô.
Ai đi lẳng lặng trên làn nước,
Với lại ai ngồi khít cạnh tôi?
Mà sao ngậm kín thơ đầy miệng
Không nói không rằng nín cả hơi?
Chao ôi! Ghê quá trong tư tưởng,
Một vũng cô liêu cũ vạn đời!
Chao ôi ghê quá! Chao ghê quá!
Cảm thấy hồn tôi ớn lạnh rồi!
Hàn Mạc Tử
(Trích: Có một vườn thơ đạo tập 1 trang 87-88)


[1] Hình ảnh trong bài thơ là dòng sông (có thể là sông Gò Bồi – vào thời sáng tác tập Đau thương – tuy nhiên sông Gò Bồi hẹp, không có thuyền buồm); không phải Hàn Mạc Tử ngồi ngắm trăng trên biển như Quách Tấn nói (PCĐ-1, tr. 95) – nhưng cảm hứng cả bài lại là biển hồ (Mt 14,22-33).
Câu 1-4: nhóm môn đệ xuất hành trong bình an (xin xem Mt 14,22).
Câu 3, xin xem Mt 14,24.
Câu 5, trong Mt 14,23: Chúa Giêsu cầu nguyện trên núi một mình - ở đây Hàn Mạc Tử ngồi dưới bến, có Chúa Giêsu ngồi khít bên cạnh (câu 10); Hàn Mạc Tử chứng kiến cả cảnh xuất hành lẫn cơn bão, cả cảnh Chúa đi trên nước (câu 9) lẫn tiếng rú của các môn đệ (câu 7).
Câu 6-7, xin xem Mt 14,26.
Câu 9, tác giả Phan Cự Đệ đã liên tưởng tới Mt 14,22-33 (PCĐ-1, tr. 97).
Câu 9-10, cùng lúc Chúa bước trên sóng đến với các môn đệ mà vẫn ở với Hàn Mạc Tử.
Câu 11-12, xem Gioan Thánh Giá: “Chúa Cha chỉ nói một lời rằng đó là Con Ngài. Ngài hằng nói lời ấy mãi trong thinh lặng vĩnh cửu, thì linh hồn cũng phải lắng nghe trong thinh lặng.” (Châm ngôn 99).
Câu 13-16: Từ cuộc thử thách của các môn đệ trên biển, Hàn Mạc Tử quay về đêm đen của chính mình và bắt gặp sự thinh lặng của Thiên Chúa, sự thinh lặng đã khiến chính Chúa Cứu Thế trên thập giá đã phải thốt lên: “Ê-li, Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni”, nghĩa là “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46). Tựa đề Cô liêu của bài thơ nói lên tình cảnh “bị bỏ rơi” cả của Chúa Cứu Thế lẫn Hàn Mạc Tử, theo ngôn ngữ Cát Minh có thể gọi là Đêm tâm linh.