Bài học của sự trao ban

Unknown
(Mã số 17-012)
“Đi đâu mà vội mà vàng… Mà vấp phải đá mà quàng phải anh!”. Cả nhóm cười vang khi thấy tôi ngã xe. Tôi vừa xấu hổ vừa bực mình lại tức mấy thằng con trai ngồi trong quán đã không giúp lại còn chọc quê. Vì là người mới đến nên tôi không dám nói lại. Đỡ chiếc xe máy lên nhưng tay yếu và chân lại bị đau, tôi bất lực để nó nằm đó. Đang loay hoay không biết xoay sở thế nào với cái xe thì có một cánh tay to vạm vỡ đỡ chiếc xe lên. Tôi chưa thấy mặt nhưng miệng vẫn rối rít cám ơn: “Cám ơn nhiều! Cám ơn nhiều!”.

- Cô có sao không?- Anh quay lại ân cần hỏi với một giọng Bắc ngọt lịm, nghe rất bùi tai chứ không như giọng cợt nhả của mấy anh chàng trong quán.

- Không sao, tôi chỉ bị xây xước nhẹ thôi.
- Này mấy cậu!- Anh nhìn vào trong quán.
- Chuyện gì thế?- Từ trong quán, mấy cậu con trai nhìn nhau rồi nhìn anh vẻ khiêu khích.
- Thôi bỏ đi anh… Chỉ tại tôi đi đứng không để ý mới xảy ra chuyện.
- Đường sá ở đây xấu lắm… Ổ gà ổ voi không à! May mà không có xe chạy qua. Lần sau cô nhớ cẩn thận hơn nhé!
- Vâng.
- Cô có chạy xe được không? Chân cô sao rồi?
- À, không sao đâu! Chắc vẫn ổn.- Tôi nói dối và cố cúi mặt thật sâu giả bộ sửa lại cái túi xách để che đi cái vẻ nhăn nhó khó nhìn của mình.
- Chân cô chảy máu rồi kìa. Để tôi xem nào…

- Tôi không sao thật mà!- Tôi thụt chân lại khi tay anh định chạm vào chân mình.

- Nhìn cái mặt nhăn nhó là đủ biết cô đau rồi. Đừng giả bộ nữa, vào đây nghỉ để tôi xem lại cho.
Tôi ngại quá không biết nói gì đành để anh dìu vào gốc cây bên đường. Ngồi xuống gốc cây tôi mới để ý nhìn rõ khuôn mặt của anh. Sống mũi cao, lông mày dày, mái tóc cắt gọn. Nói chung anh rất đẹp trai. Đôi mắt của anh rất sáng, một đôi mắt biết cười. Mải ngắm anh, tôi quên đi cái đau ở chân mà mới hồi nãy nó còn khiến mình nhăn nhó.
Anh ngước lên. Tôi bối rối vì bị anh phát hiện mình nhìn trộm liền quay mặt đi chỗ khác.
- À! Cô tên gì nhỉ? Chắc là người vùng khác đến phải không?
- Em là Trâm, sinh viên thực tập. Em mới đến đây được ba hôm thôi ạ! Còn anh?- Tôi hơi ngượng miệng vì đổi cách xưng hô nhưng anh vẫn tỏ ra bình thường.
- Mình tên Hoài. Bây giờ phải làm sao nhỉ?- Anh nhìn đồng hồ rồi đăm chiêu như suy nghĩ điều hệ trọng.- Trâm trọ ở đâu?
- Ở nhà ông chủ tịch xã ạ! Nhưng anh hỏi làm gì?
- Vậy là cùng đường. Bây giờ để mình đưa Trâm về.
- Không sao đâu, để em gọi điện cho bạn em ra đưa em về cũng được.
Nói là vậy nhưng trong bụng tôi rất muốn có cơ hội làm quen với anh, muốn được làm bạn với anh. Tôi tìm điện thoại hoài mà không thấy. Rõ là mình để ở đây mà. Anh chìa tay ra bảo tôi:
- Chìa khóa của em đâu, anh chở.
- Được không?- Tôi nhìn anh ngần ngại và chợt nhớ đến những vụ cướp xe xảy ra hằng ngày như cơm bữa ở trên thành phố mà rùng mình. Đây là xe của ông chủ tịch cho mượn, nếu mất thì hỏng chuyện, nhưng một niềm tin tưởng tự đâu đã giúp tôi trao chìa khóa cho anh. Đưa xong, tôi khập khiễng rồi nhón chân ngồi lên xe. Tôi muốn bám lấy anh vì sợ té nhưng rồi lại thôi. Con gái ai lại làm thế, nhất là với người chỉ mới gặp lần đầu. Chạy xe trên đoạn đường đầy ổ gà ổ voi ấy mà anh chạy êm ru. Tôi hít hơi thật sâu để đón bầu khí trong lành của buổi sáng và thầm ước con đường dài thêm chút nữa để được mãi như vậy.
Về đến cổng nhà chủ tịch xã, mấy bạn của tôi đã đi thu thập thông tin, chỉ còn hai bạn ở nhà lo việc bếp núc. Nghe tiếng gọi, hai đứa mới chạy ra đỡ tôi vào nhà. Tôi chưa kịp mời anh uống nước và nói lời cám ơn thì anh đã chào chúng tôi rồi vội vàng đi bộ ra đường như đang vội lắm. Tôi hối hận vì đã làm phiền anh.
Một tuần sau, tôi không có thông tin gì của anh nữa. Tôi rất muốn làm quen với anh và tự trách mình đã không hỏi địa chỉ và số diện thoại để liên lạc. Dù gì anh cũng là ân nhân mà. Vết thương ở chân đã lành hẳn, tôi có thể đi lấy thông tin cùng các bạn trong nhóm.

Chúng tôi đều là sinh viên ngành ngôn ngữ, lên thực tập thực tế ở vùng này để khảo sát tiếng Mạ. Bảng từ đã sắp hoàn thành. Công việc thu âm cũng đang trên đà chọn cộng tác viên. Đồng bào ở đây rất thân thiện. Trước khi lên đây, tôi cũng đã học một số câu chào hỏi của tiếng Mạ nên khi gặp họ, tôi chào bằng tiếng Mạ khiến họ rất vui. Khi làm việc với đồng bào tôi học được rất nhiều bài học. Những lần ngồi bên bếp lửa nghe già làng kể chuyện cổ, tôi như chìm vào trong khung cảnh linh thiêng của núi rừng, những ngụm rượu cần ngọt nồng trên đầu lưỡi, những cọng rau rừng ngọt lịm… Có lúc, tôi đã phải rất cố gắng mới có thể tiếp thu được chút ít vốn từ mà các pặp và các mế cung cấp. Có khi ngồi mấy tiếng đồng hồ mà tôi chỉ thu thập được vài ba câu thành ngữ tiếng Mạ. Những lúc ấy, tôi mới thấm thía phần nào những khó khăn của đồng bào khi học tiếng Kinh. Tôi nhớ đến những nhà truyền giáo đã cần mẫn học tiếng bản xứ để có thể rao giảng Tin Mừng của Chúa, để lời Chúa được vãi gieo vào những vùng đất mới mà nơi ấy Tin Mừng sẽ thấm đượm cái hồn rất riêng của từng nền văn hóa. Tôi mỉm cười khi nhớ đến câu chuyện của cha Đắc Lộ ngày xưa. Khi ngài bảo một ông bếp đi mua cá thì ông lại xách về một thúng cà. Khi ngài bảo “chẻ tre” thì giáo dân chạy hết vì tưởng ngài bảo “chém trẻ”. Bao nhiêu khó khăn mà các ngài vẫn không chùn bước. Tình yêu Chúa và lòng nhiệt tâm rao giảng lời Chúa, hồn tông đồ trong các ngài thật mãnh liệt. Tôi nghĩ đến bản thân mình và tự hỏi: ‘Đã bao giờ mình làm chứng cho Chúa chưa? Mình có trở thành một chứng nhân của Chúa giữa đời thường?’ Bao nhiêu câu hỏi mà tôi không tự mình giải đáp được. Tôi sợ đi vào vùng tối của bản thân, sợ phải chiếu ánh sáng vào đấy và thấy những xấu xa của mình. Tôi lại tìm về với những niềm vui chóng qua và lao đầu vào công việc.

Khi đến với đồng bào Mạ nơi đây, tôi cũng học được bài học kiên nhẫn lắng nghe và phải có con tim biết cảm thông. Những câu chuyện về đứa con không ngoan hay những lời thủ thỉ kể chuyện đời thường của các mế, các pặp về chuyện nương rẫy, tôi đều lắng nghe. Tôi nghiệm ra rằng, ở đâu, cha mẹ nào cũng đều có những nỗi lo lắng cho gia đình của mình và luôn mong cho con cái ngoan ngoãn. Nhìn những đứa trẻ gầy gầy có đôi mắt sáng, miệng còn loem hoem nhựa trái cây và những đôi tay đôi chân cáu bẩn vì đất đỏ, tôi thấy thương các em quá. Các em nghịch ngợm dưới trời nắng, chạy nhảy và chọc nhau khóc cười chí chóe. Một tuổi thơ thiếu thốn vật chất nhưng tâm hồn các em lại rất phong phú.
Ngược lại, khi làm gia sư cho các trẻ thành phố, tôi thấy em nào cũng xúng xính trong những bộ đồ mới, được ăn kem hay hoa quả vào giữa giờ học. Các em rất đầy đủ, nhưng có những em lại thiếu thốn tình cảm. Khi ngồi trò chuyện với các em như một người bạn, tôi mới khám phá ra nhiều điều rất dễ thương nơi các em. Hai vùng đất sinh ra những con người rất khác nhau, tôi phải làm gì khi đến với các em?
Chờ mong mãi cũng đến Chúa Nhật. Tôi mong Chúa Nhật lắm vì tôi sẽ được đi lễ. Lên đây cả tuần mà đây là lần đầu tiên tôi được bước vào nhà thờ, được tham dự một thánh lễ. Tôi sướng rơn người. Cả tuần, một phần vì lịch của đoàn không cho phép các thành viên tự tách ra làm việc riêng, một phần vì đường từ nhà chủ tịch đến nhà thờ khá xa nên tôi không đi nhà thờ được. Trong nhóm tôi có bốn bạn Công giáo, vì thế khi đi lễ cũng tiện hơn. Cả ngày lu bu với công việc, tối đến tôi lần hạt mấy chục rồi đi ngủ. Thói quen này tôi đã được mẹ tập cho từ nhỏ. Nhắc đến mẹ, tôi lại thấy ngậm ngùi.
“Tiến vào thánh cung tâm tư con nhảy mừng…”, tiếng hát cất lên thì vị chủ tế đã bước lên bàn thánh. Hồn tôi như cũng nhảy mừng vì được sống lại không khí thiêng liêng và đầm ấm này. Tôi trố mắt nhìn vì khuôn mặt anh xuất hiện. Tôi đưa tay dụi mắt vì nghĩ mình nhìn nhầm. Vẫn khuôn mặt ấy, vóc dáng ấy. Phải rồi, chính là anh, một ông thầy dòng. Sao mình lại không nhận ra cái vẻ rất riêng của người tu sĩ ấy nhỉ. Tôi tự trách mình và cố cầm lòng cầm trí tham dự thánh lễ. “Lạy Chúa! Sao anh lại là một ông thầy kia chứ?”. Tôi thấy mình như vừa đánh mất một điều gì đó rất lớn. Sự hụt hẫng xâm chiếm tôi.
Lễ xong, tôi nán lại cầu nguyện thêm ít phút rồi bước ra, rảo mắt tìm anh. Kìa, anh đang trò chuyện cùng với pặp Thương, với các mế và các em. Tôi ngần ngại không biết có nên lại bắt chuyện hay không thì có tiếng gọi: “Trâm ơi! Về thôi. Nhìn gì mà nhìn dữ vậy?”. Cái tên Trâm vang lên qua cái giọng thánh thót của nhỏ Lan khiến anh cũng phóng mắt về phía chúng tôi. Kìa, anh tiến lại phía chúng tôi rồi, làm sao đây? Tôi bối rối kéo tay nhỏ Lan.
- Sao vậy? Ai kia?
- Thì là vị ân nhân đưa mình về nhà đó.
- Đúng là trái đất tròn mà!
Chúng tôi gặp lại nhau. Lúc ấy tôi phải gọi anh bằng thầy, anh mời gọi chúng tôi sinh hoạt cùng các em. Chúng tôi đã có một buổi sinh hoạt rất vui và ý nghĩa. Nhìn anh sinh hoạt cho các em, tôi thấy ấm lòng. Qua anh, tôi nhận thấy một điều rất đơn giản mà từ trước đến giờ tôi không nhận ra. Tôi cứ nghĩ truyền giáo là phải làm những việc thật cao siêu nhưng bây giờ tôi đã hiểu, truyền giáo có lúc đơn giản chỉ là cho đi những gì mình có cách chân thành nhất. Ví như việc tôi hòa mình sinh hoạt cùng các em. Một bàn tay nắm lấy bàn tay. Bàn tay đen nhỏ nhắn của các em nằm gọn trong bàn tay tôi, nhìn thấy các em cười, dạy các em hát… lòng tôi vui lắm. Như thế, tôi cũng đã cho đi thứ mình có mà điều ấy tôi nghĩ Chúa Giêsu cũng rất vui. Chẳng phải Chúa từng dạy: “Hãy để trẻ em đến với Thầy” đó sao.
Chia tay điểm thực tập, chúng tôi và bà con bịn rịn nhau. Một đêm chia tay đầy tình thân ái. Giọt rượu cần ngọt nồng còn vương trên môi. Những lời ca thắm tình, những chia sẻ chân thành giữa mọi người với nhau bên bếp lửa chờn vờn sẽ là kỷ niệm đẹp trong tôi. Ngồi trên xe, chiếc xe lăn bánh mà lòng tôi chùng lại. Tôi đã cố không khóc khi ngồi với bà con, tỏ ra mình mạnh mẽ và vui vẻ nhưng khi lên xe, ngoái đầu lại nhìn những ngôi nhà thân quen mà tôi từng đặt chân đến, hai hàng nước mắt bỗng tràn ra. Tôi đưa tay quệt nước mắt và cố giữ tiếng nấc thật khẽ. Câu đùa của nhỏ Lan hôm nào một lần nữa lại khiến tôi thổn thức: “Con Trâm khai thác dữ thật. Các cộng tác viên của nó có sáu người thì đến ba người ốm luôn rồi”. Tạm biệt pặp Thương, tạm biệt mế Hương, tạm biệt tất cả. Tôi đã nhận được quá nhiều từ họ. Những lần đi lấy thông tin, các cộng tác viên đã dành cho tôi nhiều thời gian của họ. Có cộng tác viên vừa đi rẫy về, mới uống xong ngụm nước, chưa kịp thay đồ lao động, khi thấy tôi, họ đã nhanh chóng trải chiếu mời tôi ngồi làm việc. Tôi ngần ngại bảo anh cứ ngồi nghỉ nhưng anh lại phấn khởi giúp đỡ tôi. Phần đông những cộng tác viên tôi gặp gỡ đều là người Công Giáo, một phần nhỏ theo Tin Lành nhưng tất cả đều giúp đỡ tôi rất nhiệt tình. Cho đi đơn giản chỉ là cố gắng giúp đỡ người khác với hết tấm lòng khi có thể.
Về lại thành phố, tôi lu bu với báo cáo thực tập, với bài niên luận. Năm thánh Lòng Chúa thương xót mở ra. Tôi cũng tự hỏi mình, là người con của Giáo Hội, tôi sẽ làm gì để sống lòng thương xót như Chúa Cha? Câu hỏi ấy vẫn khiến tôi thao thức rất nhiều.
Đêm Sài Gòn rực rỡ ánh đèn. Ngồi trên xe buýt từ trường về, tôi thấy dòng người nhộn nhịp. Đang phóng mắt nhìn những ánh đèn qua của kính thì xe thắng gấp. Tôi lao đầu về phía trước. Theo phản xạ, tôi đưa tay nắm lấy thành ghế giữ thăng bằng. Tiếng người tài xế văng tục. Người lơ xe điềm đạp hơn, ngó đầu ra cửa la to: “Chạy xe kiểu gì dzậy? Có biết trên xe đang chở toàn nhân tài của quốc gia không hả?”. Cả xe cười ầm lên quên đi cơn bực bội vừa mới vụt lên trong lòng. Trên xe hầu hết là sinh viên nên bác lơ xe mới nửa đùa nửa thật là “chở toàn nhân tài quốc gia”. Tôi tự hỏi: Mình cũng là nhân tài của quốc gia sao? Sau câu hỏi, tôi chợt mỉm cười như vừa khám phá ra một điều gì đó mới mẻ. Cú va chạm nhẹ với chiếc xe máy không làm cho ai bị thương nhưng được một phen hú hồn.
Vừa về đến cửa phòng trọ, nhỏ Lan đã vội hỏi tôi:
- Trâm này, ngày mai đi lễ sáng hay lễ chiều đây?
- Đi lễ sáng cho mát.
Nói rồi tôi rửa ráy và ăn vội bát cơm để làm bài cho kịp.
Chúng tôi đi lễ bằng xe buýt. Vừa xuống trạm, hai chúng tôi đã thấy ngay một người đàn ông nằm co mình trên vỉa hè, ngay bên cạnh trạm. Có lẽ cả đêm qua ông đã nằm ngủ ở đây. Nhìn ông trông thật tội nghiệp.
- Làm gì đó đi Lan!
- Làm gì là làm gì? Bộ cậu định giúp ông ta sao? Biết đâu ông ta là người…
Thấy tôi đi lại phía ông, nhỏ Lan kéo tay tôi và lắc đầu sợ hãi. Tôi cũng rất hoang mang nhưng một câu nói trong lòng cứ thôi thúc tôi mãi: “Ai cho một trong những kẻ bé mọn này một ly nước lã vì danh Thầy là làm cho chính Thầy”. Tôi mạnh dạn tiến lại phía ông, mặc cho nhỏ Lan can ngăn. Sẵn có chiếc bánh mì trong ba lô, tôi lấy ra đặt nó lên cái mũ vải bên cạnh ông và im lặng bước đi. Ông vẫn còn đang ngủ, thỉnh thoảng lại húng hắng ho.
“Lễ xong, chúc anh chị em ra về bình an”. Được tham dự thánh lễ, lòng tôi ngập tràn một niềm vui khó tả. Đang tung tăng đi ra trạm xe buýt, nhỏ Lan kéo tay tôi.
- Trâm, nhìn kìa!
- Gì cơ?
Từ đằng xa, chúng tôi thấy  người đàn ông lúc nãy đang ngồi dưới gốc cây, trên tay cầm chiếc bánh mì ăn ngấu nghiến. Có lẽ bây giờ ông mới tỉnh dậy. Nhìn ông ăn, tôi thấy lòng mình ấm áp lạ thường. Tôi nguyện thầm: “Lạy Chúa, xin cho con nhìn thấy Chúa hiện diện nơi những con người nhỏ bé này”.
Gió đã làm tóc tôi bay. Lòng tôi cũng vui như được ai đó đẩy lên, một cảm giác rất lạ…